Singapore thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong ngành xây dựng, hàng hải và chế biến

NDO -

Trong khoảng 1 năm, Bộ Nhân lực Singapore thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến tại quốc gia này dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động). 

Thông tin về giấy phép lao động cho người lao động di cư trên website của Bộ Nhân lực Singapore. (Ảnh:mom.gov.sg/)
Thông tin về giấy phép lao động cho người lao động di cư trên website của Bộ Nhân lực Singapore. (Ảnh:mom.gov.sg/)

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo thông tin từ Bộ Nhân lực Singapore, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Bộ Nhân lực Singapore thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến tại quốc gia này dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động).

Trước đây, Singapore chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại Singapore dưới hình thức visa Employment Pass và S Pass. Thông tin chi tiết về điều kiện cấp Work Permit, thời hạn, cách thức nộp hồ sơ,... được đăng tải tại website Bộ Nhân lực Singapore: https://www.mom.gov.sg/passes-and-permits/work-permit-for-foreign-worker

Ngoài ra, Bộ Nhân lực Singapore cũng thông báo các công ty tuyển dụng lao động được cơ quan này cấp giấy phép có hiệu lực theo quy định tại Luật Các công ty tuyển dụng lao động (chương 92) được phép thực hiện hoạt động tuyển dụng lao động. Danh sách các công ty tuyển dụng được cấp giấy phép và nhân sự của công ty đó được công bố trên website của Bộ Nhân lực Singapore (www.mom.gov.sg/eadirectory).

Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Singapore trong ngành xây dựng phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và Singapore. Một số nội dung chính theo quy định pháp luật lao động Singapore cần lưu ý dưới đây.

Cụ thể, thời gian làm việc tối đa 8 giờ /ngày, 44 giờ/tuần không bao gồm thời gian ăn uống và nghỉ ngơi. Người lao động được hưởng tối thiểu 1 ngày nghỉ/tuần và người lao động được nghỉ có lương vào các ngày nghỉ lễ. Người lao động được nghỉ phép hằng năm có thanh toán lương 7 ngày cho 12 tháng làm việc liên tục và được tăng thêm 1 ngày nghỉ cho mỗi 12 tháng làm việc liên tục, nhưng tổng không quá 14 ngày/năm.

Về lương làm thêm giờ, với ngày thường, người lao động được thanh toán mức lương làm thêm giờ bằng 1,5 lần mức lương trong giờ quy định.

Với ngày nghỉ, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm trong ngày nghỉ, người lao động được hưởng mức lương làm thêm giờ bằng 2 lần so với mức lương trong giờ quy định. Nếu người lao động chủ động yêu cầu được làm vào ngày nghỉ và người sử dụng lao động đồng ý, người lao động được thanh toán mức lương bằng mức lương trong giờ quy định.

Với ngày lễ, người lao động được hưởng mức lương làm thêm giờ bằng 2 lần mức lương trong giờ quy định.

Về bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động phải chi trả bảo hiểm y tế cho người lao động với mức tối thiểu 15.000 SGD/năm. Người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động đồng chi trả bảo hiểm y tế với điều kiện: Số tiền yêu cầu người lao động đồng chi trả không vượt quá 10% tiền lương hằng tháng của người lao động. Thời hạn yêu cầu người lao động đồng chi trả không quá 6 tháng. Việc đồng chi trả bảo hiểm được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể và được sự đồng ý của người lao động.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, mức lương trung bình (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp cố định) ngành xây dựng của lao động Việt Nam theo chương trình thí điểm hiện đang được trả tương đương với lao động Thái Lan là 768-840 SGD/tháng. Người sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí cho người lao động.

Tiền vé máy bay và thù lao theo hợp đồng môi giới được quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13/11/2020 và Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021.

Trước đó, ngày 7/1/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành công văn thông tin như trên để các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Singapore biết, lưu ý trong quá trình đàm phám và triển khai thực hiện hợp đồng cung ứng.

Trong năm 2021, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 45 nghìn người, trong đó có hơn 15,1 nghìn lao động nữ. Số lao động sang làm việc ở Singapore là 713 người.

(Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước)