Sau 70 ngày, lần đầu tiên Đà Nẵng không xuất hiện ca nhiễm mới Covid-19

NDO -

Chiều tối 18/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thông báo, kể từ khi Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm mới của đợt dịch lần thứ tư vào ngày 3/5, hôm nay 18/9 (sau tròn 70 ngày) lần đầu tiên Đà Nẵng không xuất hiện ca nhiễm mới Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Cần nghiên cứu, xây dựng phương án mở cửa phù hợp với việc kiểm soát dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Cần nghiên cứu, xây dựng phương án mở cửa phù hợp với việc kiểm soát dịch bệnh.

Hôm nay cũng ghi nhận những con số khả quan, không có người bệnh tử vong, số bệnh nhân xuất viện là 129 người, và số bệnh nhân đang điều trị giảm còn 3 con số với 887 người đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Đà Nẵng, Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Kết quả xét nghiệm trong 10 ngày vừa qua cho thấy, số ca mắc mới liên tục giảm và nay đã không còn phát hiện ca mới là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong vài ngày qua vẫn còn một số ca dương tính chưa rõ nguồn lây, chứng tỏ mầm bệnh có thể vẫn còn trong cộng đồng.

Vì thế, thời gian tới, Sở Y tế đề xuất kế hoạch xét nghiệm trong thời gian tới, trước hết tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với 100% các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng hay đến khám tại các cơ sở y tế, nếu có nguy cơ thì tập trung khoanh vùng nguy cơ để xét nghiệm, nếu nguy giảm thì tiếp tục thu hẹp diện xét nghiệm ở mức nhỏ nhất có thể. Đối với các đối tượng có nguy cơ cao do thường xuyên tiếp xúc như giao nhận hàng, bán hàng tại các chợ, siêu thị, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp... thì tiếp tục xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần, nếu sau 1 tuần đến 10 ngày không phát hiện ca mới, có thể giảm tần suất thành 7 ngày/lần và tiếp tục 14 ngày/lần.

Hiện Đà Nẵng có 34/56 xã phường vùng xanh đã hơn 14 ngày không có ca cộng đồng, thì gộp vùng xanh và vùng vàng để xét nghiệm ngẫu nhiên nhóm hộ gia đình, tầm soát, phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng.  

Đối với vùng đỏ, vùng nguy cơ cao vẫn duy trì xét nghiệm theo nguyên tắc vùng cách ly y tế, xét nghiệm vào ngày 1, 7, 14 kể từ khi có ca bệnh gần nhất, nếu không xuất hiện ca nhiễm mới thì giảm dần tần xuất xét nghiệm, có thể xét nghiệm mỗi tháng 1 lần duy trì đến khi bảo đảm được độ bao phủ vaccine.

Đến cuối ngày 18/9, Đà Nẵng đã tiêm vaccine cho 493.000 người, trong đó có 74.000 người tiêm 2 mũi. Với 12 điểm tiêm, bình quân 40.000 lượt người mỗi ngày, Đà Nẵng đang phấn đấu đến hết tháng 9 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, mặc dù đạt nhiều kết quả, với những con số đáng mừng, nhưng chính quyền các cấp, ngành chức năng, nhất là y tế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là cảnh giác. Thực tế vẫn còn các nguồn lây trong cộng đồng, đồng thời còn cả nguy cơ nguồn bệnh từ bên ngoài rất lớn, khi từng bước nới lỏng, đưa học sinh, sinh viên, giáo viên người Đà Nẵng đang kẹt lại ở các địa phương khác trở về thành phố để làm việc, học tập.

“Đạt được kết quả không có ca mới trong ngày đã khó, mà giữ được lại càng khó hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh. Chính vì thế, ngành y tế cần tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát, tăng cường kiểm tra kiểm soát việc thực hiện quy định phòng chống, chống dịch ở khu dân cư, chợ, siêu thị, cửa hàng, doanh nghiệp, trụ sở làm việc cơ quan.

Ngành y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm theo hướng tập trung vào khu vực nguy cơ cao, phải đẩy manh tuyên truyền, vận động để người dân khai báo y tế trực tuyến hằng ngày, nhất là khi có biểu hiện ho, sốt, để kiểm soát, ngăn chặn sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tiếp tục xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát lượng người đi lại, làm việc thẻ đi chợ, xét nghiệm, tiêm chủng... tiến tới tích hợp và cùng một hệ thống kiểm soát cho tất cả các ứng dụng quản lý, nghiên cứu, xây dựng phương án mở cửa phục vụ đời sống, sản xuất phù hợp với việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.