Sạt lở bờ sông ở Vĩnh Long ngày càng nghiêm trọng

Vĩnh Long nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, có mạng lưới sông ngòi, kênh mương dày đặc với 4.396 tuyến kênh, tổng chiều dài 5.331 km. Do ảnh hưởng của dòng chảy, thủy triều và hoạt động khai thác cát, tình trạng sạt lở bờ sông ở đây ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ông Cao Anh Minh, ở khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) bức xúc vì điểm sạt lở trước nhà chưa được khắc phục.
Ông Cao Anh Minh, ở khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) bức xúc vì điểm sạt lở trước nhà chưa được khắc phục.

Sạt lở ngày càng nguy hiểm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đã đến mức báo động. Năm 2016, toàn tỉnh có 95 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 13.160 m bờ sông, kênh, rạch kèm theo nhiều đê bao, đường giao thông nông thôn, làm mất 28.728 m2 đất, 105 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ước thiệt hại 11,7 tỷ đồng. Năm 2017, có 125 điểm sạt lở trên chiều dài 11.822 m bờ sông, kênh, rạch, diện tích đất bị mất là 35.468 m2, 859 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại 17,6 tỷ đồng... Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra hàng trăm điểm sạt lở, trong đó riêng đợt triều cường tháng 10 vừa qua đã làm 159 tuyến đê bao bị vỡ với chiều dài gần 5 km và 227 tuyến bị ngập tràn với tổng chiều dài hơn 247 km; có 62 cống đập bị vỡ và 53 đập bị ngập, làm 2.065 ha cây ăn trái bị ngập, 903 ha lúa bị giảm năng suất, 7.596 căn nhà bị ngập.

Vào giữa tháng 11 vừa qua, chúng tôi trở lại khu sạt lở tại khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh. Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ngày nào vẫn còn nguyên. Do tuyến đường bị dòng nước cuốn trôi, người dân phải dùng cây bắc cầu để đi. Ông Cao Anh Minh, người dân ở khóm 1 bức xúc: "Từ khi sạt lở đến nay, nhiều tháng trôi qua nhưng tuyến đường này vẫn còn tắc. Chính quyền địa phương có đến kiểm tra, thuê nhà trọ cho chúng tôi ở nhưng chỉ được một tháng, chúng tôi phải quay về đây mưu sinh. Chúng tôi đã gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng sớm khắc phục, nhưng cứ chờ mãi".

Đồng chí Nguyễn Vương Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) thị xã Bình Minh cho biết, nguyên nhân việc chưa thể làm kè tại khu vực sạt lở ở phường Thành Phước là do nền đất nơi đây chưa ổn định, không thể thi công. Hiện, tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất làm kè tạm thời khu vực này, sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Nguyễn Vương Khánh cho biết, trước mắt chỉ có di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở an toàn, tránh nguy hiểm. Việc xây dựng bờ kè kiên cố lại tốn khoảng 200 tỷ đồng, chỉ biết trông chờ vào tỉnh và Trung ương.

Trên toàn tỉnh Vĩnh Long, hiện có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao gồm: ba điểm trên sông Tiền, bốn điểm trên sông Cổ Chiên, một điểm trên sông Pang Tra, ba điểm trên sông Hậu và hai điểm trên sông Măng... Toàn tỉnh còn có khoảng 47 tuyến kênh, đê bao có nguy cơ xảy ra sạt lở, tổng chiều dài 41,35 km, ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân.

Đồng chí Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ năm 2000 đến nay, từ nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương đầu tư, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 20 công trình kè kiên cố chống sạt lở bờ sông (kết hợp chỉnh trang đô thị), bảo vệ 27,55 km bờ sông, rạch bị sạt lở. Về nội đồng, hằng năm tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng (bằng nhiều nguồn) để đầu tư công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, trong đó nạo vét kênh mương, xây dựng đê bao cống đập, khơi thông luồng lạch.

Từ nhiều năm qua, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long duy trì hai giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình. Những giải pháp phi công trình như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch; theo dõi diễn biến sạt lở về: Quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ hằng năm, hằng tháng. Xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát xói lở theo địa bàn huyện, tỉnh bao gồm cả bản đồ hiện trạng, bản đồ dự báo, cảnh báo khả năng xảy ra sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế; di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng lục bình, trồng bần, dừa nước để chắn sóng, chống xói lở bờ... Thường xuyên kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa... trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

Ngăn chặn khai thác cát trái phép

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, tổng trữ lượng cát sông trên địa bàn tỉnh là 125,2 triệu m3. Tỉnh hiện có hai giấy phép thăm dò cát sông và 31 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực (trong đó có hai mỏ chưa hoạt động); tổng trữ lượng cấp phép của 31 mỏ đang khai thác là 32,83 triệu m3, công suất được phép khai thác hằng năm là 4,2 triệu m3/năm. Thực tế, khai thác cát hằng năm trên các sông, hiện đạt sản lượng từ 3 triệu đến 3,5 triệu m3/năm, đạt 71,43% công suất được phép khai thác.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 150 trường hợp vi phạm trái phép quy định khai thác cát sông, tăng 1,7 lần so với năm 2017, lập biên bản, xử phạt gần hai tỷ đồng. Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều nhất trên địa bàn các huyện Long Hồ, Mang Thít và Vũng Liêm... Đây là vấn đề bức xúc đối với người dân, nhất là những hộ dân sống gần khu vực có mỏ cát.

Để ngăn chặn tình trạng này, tỉnh đã thành lập các chốt kiểm tra trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu; tăng cường các tổ công tác liên ngành để phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp và gia tăng, chủ yếu tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Hình thức khai thác trái phép thường bằng ghe bơm hút cát, hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, thời điểm lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra, tiếp cận các phương tiện vi phạm: Thủ đoạn của một số đối tượng vi phạm ngày càng nguy hiểm và manh động khi đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau khi được cấp phép, còn khai thác chưa đúng vị trí, chưa thực hiện nghiêm các quy định về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác; việc quản lý khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Đồng chí Lưu Thành Công, Phó trưởng chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, về công tác quy hoạch, quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh cần lấy ý kiến của người dân trực tiếp bị tác động để có cái nhìn toàn diện, khách quan và tạo sự đồng thuận. Cần công khai thông tin các mỏ cát được cấp phép khai thác để người dân biết, từ đó phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống khai thác cát trái phép.