Ra mắt tài liệu hỗ trợ hình ảnh cho trẻ tự kỷ

NDO -

Tài liệu “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” được các chuyên gia hàng đầu về tâm lý học, giáo dục đặc biệt, ngôn ngữ trị liệu biên soạn. Đây là công cụ hỗ trợ cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ tự kỷ tiếp cận một cách dễ dàng, ghi nhớ tốt hơn, và có thể thực hành hiệu quả với các em. 

Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và nhóm tác giả giới thiệu sách (Ảnh: Mạnh Đức).
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và nhóm tác giả giới thiệu sách (Ảnh: Mạnh Đức).

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu tài liệu “Hỗ trợ hình cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ”.

TS.BS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cho biết, sách “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”.

Dự án này đã được triển khai được hơn 4 năm, là hoạt động hợp tác giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Công ty PNJ). Kinh phí dành cho dự án là 10 tỷ đồng.

Nội dung của tài liệu “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” là một hợp phần của bộ tài liệu “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam” thuộc dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam.

Cuốn sách này được viết bởi ba tác giả là các chuyên gia hàng đầu về tâm lý học, giáo dục đặc biệt, ngôn ngữ trị liệu. Đồng thời, sách được các họa sĩ thiết kế hình ảnh đẹp, sinh động, thiết thực, nhằm mục đích trở thành công cụ hỗ trợ cho các cha mẹ, người chăm sóc trong quá trình chăm sóc - giáo dục trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.

Nội dung sách có ba phần chính: Hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ và hỗ trợ hình ảnh, vì sao cần hỗ trợ hình ảnh, dạy con bằng hình ảnh như thế nào. Toàn bộ cuốn tài liệu là các tri thức đúng và đã được cập nhật theo thời gian trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Trước mắt, 2.000 bản in của tài liệu được xuất bản để trao tặng cho các trung tâm can thiệp rối loạn phổ tự kỷ, các phụ huynh có con là trẻ tự kỷ. Theo lộ trình, tháng 2/2023, khi kết thúc dự án, sách sẽ được chuyển thành tài liệu điện tử để các giáo viên, cha mẹ và cộng đồng quan tâm có thể khai thác miễn phí.

Bên cạnh đó, thông tin và các hướng dẫn phần lớn được trình bày dưới dạng hình ảnh, điều này giúp cho người đọc tiếp cận một cách dễ dàng, ghi nhớ tốt hơn, và có thể thực hành hiệu quả trên trẻ.

Theo nhóm tác giả, dạy và học bằng hình ảnh là một cách thức thay thế và bổ trợ hữu ích cho tất cả mọi người trong nhiều tình huống khác nhau. Những cá nhân có rối loạn phổ tự kỷ cũng không nằm ngoài phạm vi này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thông tin trực quan được ánh xạ tốt hơn trong tâm trí của các học sinh. Học trực quan cũng giúp học sinh phát triển tư duy trực quan, đây được cho là một phong cách học tập mà theo đó, người học hiểu và lưu giữ thông tin tốt hơn bằng cách liên kết các ý tưởng, từ ngữ và khái niệm với hình ảnh. Một số lợi ích khác của học tập thông qua hình ảnh bao gồm: giúp người học nhìn vào vấn đề theo các cách thức khác nhau, tăng sự ghi nhớ đối với thông tin quan trọng, tăng hứng thú học tập…

Những trẻ có rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác xã hội qua lại. Trong đó, có không ít trẻ có khiếm khuyết ngôn ngữ, từ hoàn toàn không nói được cho đến chậm phát triển ngôn ngữ, hiểu lời kém, lời nói lặp lại, hoặc ngôn ngữ sáo rỗng và sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn theo nghĩa đen. Điều này gây ra những hệ quả tiêu cực đến các hoạt động chức năng như sinh hoạt, học tập, phát triển và duy trì các mối quan hệ của trẻ. Do vậy, việc dạy và giúp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ học tập và lĩnh hội thông tin bằng hình ảnh sẽ là một giải pháp tốt để có thể giải quyết được những khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Được biết, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản.

Trước hết, biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Cùng với đó, đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ.

Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng.

Tiếp đó, hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam.

Cuối cùng, thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Tự kỷ (Autism) hay rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đều là những thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi và sở thích định hình lặp lại. Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới.

Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây, tỷ lệ này là 1/1.000, thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68 từ 2012.

Tại Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ tự kỷ. Nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Nếu theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới, con số này chừng 500 nghìn người.

Trong thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Từ thực tế đó, việc xây dựng trường học dành riêng cho trẻ được cha mẹ và nhiều nhà chuyên môn thực hiện, giúp các em có môi trường thuận lợi được can thiệp, được học tập, được vận động và vui chơi. Ở các địa phương, cũng bắt đầu hình thành nhiều cơ sở can thiệp đặc biệt, góp phần hạn chế những khó khăn về kinh tế cho gia đình, giúp các em có thể được can thiệp và trị liệu lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.