Quyết liệt để Hà Nội nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới

Cùng với sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ người dân Thủ đô trong hai tuần thực hiện giãn cách xã hội vừa qua đã góp phần quan trọng để thành phố Hà Nội kiểm soát được tình hình dịch Covid-19. Ðây là nền tảng quan trọng cho thành phố bước vào đợt giãn cách tiếp theo với mục tiêu sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Người dân quận Ðống Ða tiêm vắc-xin tại điểm tiêm nhà thi đấu Trịnh Hoài Ðức (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH
Người dân quận Ðống Ða tiêm vắc-xin tại điểm tiêm nhà thi đấu Trịnh Hoài Ðức (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Chủ động, linh hoạt

Dù công ty cho nghỉ giãn cách, nhưng anh Vũ Hữu Ngọc ở chung cư CT4 Vimeco (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn dậy từ 6 giờ sáng. Ăn lót dạ xong, anh vội xuống chốt trực phòng, chống dịch bệnh của tổ dân phố để kiểm soát người ra vào. "Ðứng hàng giờ ngoài trời nóng bức cũng rất mệt, nhưng tôi thấy vui vì đã góp phần nhỏ bé bảo vệ cho sự an toàn của chính tòa nhà gia đình mình ở", anh Ngọc chia sẻ.

Tại Hà Nội, hàng nghìn chốt kiểm soát dịch với nòng cốt là cán bộ tổ dân phố và người dân đã được lập nên trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt những người vi phạm quy định về phòng, chống dịch, những tấm "lá chắn" từ cơ sở này đang phát huy hiệu quả trong cuộc chiến với Covid-19. Nhiều mô hình hay nhanh chóng được triển khai, như "vùng xanh" tại quận Hoàng Mai đã lan tỏa ra rộng khắp các địa phương khác. Phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thực hiện "vùng xanh" trong "vùng đỏ" kết hợp giữa cách ly y tế chặt chẽ với xét nghiệm diện rộng để bóc tách tất cả F0 và "khoanh" lại tại ngõ 105 phố Vọng Hà. Quận Thanh Xuân áp dụng mô hình "3 lớp+" gồm các chốt chặn từ tổ dân phố đến các trục đường chính, kết hợp với các tổ tuần tra lưu động trên địa bàn.

Một vấn đề mà người dân lo ngại trong những ngày các khu chợ đầu mối và nhiều siêu thị tạm đóng cửa vì liên quan đến một số ca F0 từ một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, đã được thành phố khắc phục ngay. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương phối hợp các địa phương tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu dân cư, để cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các địa phương cũng rất chủ động, linh hoạt khi thực hiện phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ để hạn chế số người đi ra ngoài, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tại quận Cầu Giấy, sau khi chợ Ðồng Xa tạm dừng hoạt động do phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, UBND phường Mai Dịch bố trí hai điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Mai Dịch và sân thể thao B5. Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Phạm Văn Lợi cho biết, tại hai điểm bán hàng này, lực lượng chức năng bố trí các gian hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô với giá bán bằng giá tại siêu thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài 12 đối tượng được quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-TTg ngày 1/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội thực hiện rà soát, triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc diện được hỗ trợ. Ðến nay, thành phố đã thống kê tổng số hộ nghèo được hưởng chính sách riêng của Hà Nội lần này là 3.180 hộ. Mỗi hộ sẽ nhận được một suất quà trị giá một triệu đồng, gồm: Gạo, đường, mì chính, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm… Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể có nhiều sáng kiến, mô hình mới giúp đỡ các nhóm đối tượng khó khăn. Liên đoàn Lao động thành phố với mô hình "Xe buýt siêu thị 0 đồng", Thành đoàn Hà Nội với mô hình "Siêu thị mini 0 đồng"... đã giúp đỡ hàng chục nghìn người lao động và sinh viên bị mắc kẹt ở Thủ đô bớt một phần khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị sử dụng ngân sách các cấp của thành phố tạm dừng triển khai mua sắm trang, thiết bị từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (trừ trang, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác) để dồn nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội trong trường hợp cần thiết.

8_8_8_4-1628380469274.jpg
Chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ  

Nhanh hơn, quyết liệt hơn

Tận dụng "thời gian vàng" giãn cách, các lực lượng chức năng của thành phố đang chạy đua để ngăn ngừa dịch bệnh như truy vết, xét nghiệm diện rộng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; đồng thời chủ động các phương án cho kịch bản xấu hơn bằng việc thành lập các khu cách ly tập trung hàng chục nghìn người, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nặng quy mô 500 đến 700 giường. Riêng trong đợt này, thành phố triển khai tiêm diện rộng trên tất cả các quận, huyện, thị xã với khoảng 1 triệu liều vắc-xin, bảo đảm an toàn cao.

Tất cả những biện pháp ấy đã giúp cho Hà Nội kiểm soát tốt tình hình thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn những khó khăn phức tạp, trong đó diễn biến dịch bệnh vẫn ở mức nguy cơ cao. Ðến nay, 30 quận, huyện của Hà Nội đều có ca mắc. Dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng, chợ truyền thống và các khu dân cư đông. Vẫn có các ca bệnh không rõ nguồn lây. Do đó, việc thành phố tiếp tục giãn cách đến 6 giờ ngày 23/8/2021 là cần thiết, được người dân đồng thuận, ủng hộ cao.

Cùng với sự chủ động, quyết liệt của cơ quan chức năng, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn nhận được sự tham gia, chung tay hơn nữa của người dân và tất cả các cấp, các ngành. Bởi trong những ngày qua, còn có cơ quan, đơn vị, người dân có biểu hiện thực hiện chưa nghiêm. Người ra đường, đến nơi làm việc còn đông; còn có tình trạng đối phó, cố tình vi phạm. Một số nơi việc tổ chức triển khai chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm. Do đó, Bí thư Thành ủy Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Biện pháp đúng và trúng, nhưng thực hiện không nghiêm thì cũng làm giảm tác dụng. Trọng tâm công tác phòng, chống dịch hiện nay là thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có như vậy mới có điều kiện để khoanh vùng, bóc tách hết mầm bệnh còn tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng, để thành phố có cơ hội chiến thắng dịch Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất". 

QUỐC TOẢN