Quảng Nam nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, công tác giảm nghèo ở Quảng Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,9% (năm 2016) xuống còn 5,23%, nhiều xã đã vượt ra khỏi danh sách nghèo và có hàng nghìn hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, một phần do công tác tổ chức, thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn bất cập. Do vậy, tỉnh đang triển khai, lồng ghép nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khu tái định cư của người dân xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.
Khu tái định cư của người dân xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt
 
Trở lại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam trong những ngày giữa tháng 6 này, chúng tôi cảm nhận diện mạo các bản, làng nơi đây đang “thay da đổi thịt”; đường sá được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến cho việc đi lại của người dân thuận lợi hơn trước.

Nhà cửa dọc hai bên đường qua các trung tâm huyện, xã được xây dựng kiên cố, khang trang. Đáng chú ý, các hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường giao thông, trường học, y tế… thường xuyên được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển sản xuất, học tập và khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt.
 
 Nam Trà My là một trong những huyện ở miền núi cao có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại giữa các thôn hết sức khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; một bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại trợ cấp của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân từ thiện; nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ, chi tiêu trong hộ gia đình chưa hợp lý, người dân chưa biết tích lũy để tái đầu tư, sản xuất.

Thời điểm đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 70,89%; trong đó, hơn 99% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều khó khăn.
 
Trước tình hình đó, huyện Nam Trà My xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng cho nên đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp để tổ chức thực hiện; trong đó, xác định chính sách khuyến khích thoát nghèo là động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã phối hợp tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thoát nghèo, từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 và lồng ghép từ các nguồn vốn khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên để hỗ trợ cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, tạo động lực, định hướng phát triển kinh tế tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
 
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Trần Duy Dũng cho biết, để công tác giảm nghèo đạt kết quả, cùng với quy hoạch và triển khai xây dựng 115 khu dân cư xanh, sạch, đẹp; vận động người dân không sinh con thứ 3 trở lên, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, giảm bớt các lễ hội, tập trung cho sản xuất… huyện tập trung đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới và gắn với sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện. UBND huyện triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, lao động giúp hộ nghèo đăng ký thoát nghèo” giai đoạn 2016 - 2020 với phương châm “Ba cán bộ, công chức, người lao động giúp một hộ đăng ký thoát nghèo”.
 
Để giúp các hộ đăng ký thoát nghèo tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, khoa học kỹ thuật và biết cách làm ăn nhằm thoát nghèo bền vững, UBND huyện đã phân công 91 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện giúp đỡ 2.320 hộ nghèo, 74 hộ cận nghèo.

Ngoài ra, tranh thủ các nguồn lực khác hỗ trợ điều kiện sản xuất cho 139 hộ mới thoát nghèo và 426 hộ nghèo thuộc nhóm hộ nghèo chính sách. Với cách làm sáng tạo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện giảm được 2.367 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 70,89% (năm 2016) xuống còn 31,06% (năm 2020); đồng thời giảm 133 hộ cận nghèo.

Nhiều xã có số hộ nghèo thoát nghèo cao như: Trà Cang, Trà Linh, Trà Mai, Trà Dơn, Trà Nam, Trà Vân... Chủ tịch UBND xã Trà Nam, Nguyễn Thành Phương cho biết, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, sau khi phân loại hộ nghèo, xác định danh sách hộ được hỗ trợ sinh kế, UBND xã giao cho người dân tự mua giống về trồng, nuôi, cây con sống thì mới được nghiệm thu, hỗ trợ tiền.

Qua đó người dân tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm để nâng cao ý thức tổ chức sản xuất và tự vươn lên trong hành trình thoát nghèo.

“Qua 5 năm triển khai, đến nay, trong số 229 hộ đăng ký đã có 221 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo, giảm gần 40% so với đầu năm 2016” - đồng chí Nguyễn Thành Phương phấn khởi nói.
 
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, tháng 4-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Sau khi có nghị quyết, các huyện nghèo, xã nghèo và thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, vay vốn ưu đãi, học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Qua 5 năm thực hiện, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành và các địa phương triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Một số địa phương như: Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành... đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến việc giảm nghèo. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 29.449 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 12,9% (năm 2016) xuống còn 5,23, đồng thời giảm được 11 xã nghèo đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; giảm 18 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi và nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
 
 Khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo
 
Những kết quả đạt được đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, hạn chế. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước; một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo có mức đầu tư thấp, còn dàn trải, chồng chéo, sự hỗ trợ còn mang tính bình quân; việc lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, đồng bộ. Vẫn còn một số địa phương, hộ dân không muốn thoát nghèo hoặc có tư tưởng “xin” nghèo để hưởng chính sách.
 
 Đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhìn nhận, còn tồn tại những bất cập, hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan như điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra thì nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững. Mặt khác, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo mang tính bao cấp, thiếu điều kiện ràng buộc, chậm được tích hợp, hướng dẫn. Nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu và chưa thu hút được doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nông thôn miền núi để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân.
 
 Đồng chí Phan Việt Cường cho biết, mục tiêu của tỉnh Quảng Nam trong những năm tới là tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện, xã nghèo, thôn nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nghèo; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,87%; các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm và tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm hơn 3%/năm.
 
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra bảy nhóm giải pháp cơ bản, trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đồng thời, thực hiện sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí cấp ủy viên đứng điểm, theo dõi, chỉ đạo. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên được phân công theo dõi, đứng điểm các địa bàn huyện, thị xã và thành phố phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện.
 
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tăng cường nguồn vốn ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; có cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời có chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo theo từng vùng, khu vực, nhóm đối tượng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân cho các huyện nghèo, xã nghèo, đặc biệt là các huyện, xã miền núi có tỷ lệ nghèo cao chưa hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương; ưu tiên đầu tư cho các dự án, công trình phát huy hiệu quả nhanh như: Giao thông, thủy lợi, quy hoạch sắp xếp dân cư… gắn với phát triển sản xuất, tiếp cận thuận lợi dịch vụ xã hội cơ bản.
 
Các cấp ủy, các ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững cụ thể, phù hợp. Tăng cường huy động đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo; nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo miền núi, biên giới.

Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo gắn với lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.

Các địa phương kịp thời nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả; phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; chú trọng hơn nữa các mô hình liên kết chuỗi giá trị, nhất là mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy, hải sản; những mô hình giải quyết việc làm tại chỗ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, địa phương…
 

Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã huy động được hơn 12.370 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Trong đó, số tiền thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 1.737 tỷ đồng; nguồn thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia 8.572 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh 1.592 tỷ đồng và nguồn vốn huy động thực hiện khác hơn 300 tỷ đồng…