Quan tâm hướng dẫn sinh kế để người lao động có việc làm ổn định

NDO -

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý đề cập các nhóm giải pháp an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh, chủ động thích ứng lâu dài khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.
Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri bày tỏ quan tâm, cho ý kiến. Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về chủ đề được nêu tại Diễn đàn, đưa ra những kiến nghị, đề xuất sát với tình hình thực tiễn ở tỉnh Điện Biên.

Phóng viên: Tại Diễn đàn Kinh tế 2021 vừa qua, các chuyên gia đã đề cập các nhóm giải pháp an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh. Xin bà cho biết, với thực tế tỉnh Điện Biên thì nhóm giải pháp nào là khả thi, phù hợp?

Bà Lò Thị Luyến: Tại Diễn đàn kinh tế 2021, các chuyên gia đã đề cập 9 nhóm giải pháp hoàn thiện và bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế  nói chung, nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nói riêng. 

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hiệu quả nhất là cần triển khai đồng bộ cả 9 nhóm giải pháp, có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.

Về ưu tiên lựa chọn, theo tôi, trước tiên là nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch Covid- 19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện các chính sách; tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành, rút gọn, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính để bảo đảm tính kịp thời.

Vấn đề quan trọng khác là bố trí đầy đủ nguồn lực và thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Mặt khác, tăng cường ưu tiên đầu tư nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…; hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại về an sinh xã hội.

Phóng viên: Để thực hiện các nhóm giải pháp đó, theo bà, Điện Biên cần cụ thể bằng hành động gì?

Bà Lò Thị Luyến: Để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh nói riêng, gắn với tình hình thực tiễn tỉnh Điện Biên, chúng tôi cho rằng cần triển khai một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đó là cần tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã ban hành bằng việc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tới người dân và các đối tượng thụ hưởng. Cần khuẩn trương rà soát, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm các chính sách được triển khai kịp thời, chính xác. Cung cấp thông tin, số liệu về tác động của đại dịch đến các nhóm đối tượng cho cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở xây dựng, hoạch định chính sách.

Tiếp tục hướng dẫn sinh kế để người dân có thể tự bảo đảm cuộc sống tối thiểu của cá nhân và gia đình, khuyến khích người nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhà nước chỉ hỗ trợ những việc mà người dân không có khả năng, không tự làm được (hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động…).

Phóng viên: Xin bà cho biết, vừa qua, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã tác động như thế nào đến các nhóm dễ tổn thương là người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Điện Biên?

Bà Lò Thị Luyến: Sau 3 đợt dịch phát sinh tại tỉnh Điện Biên đến ngày 7/12 đã có 489 ca mắc; hàng chục nghìn F1 phải cách ly; địa phương phải giãn cách xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân; trong đó, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người lao động. 

Người lao động tại Điện Biên phần lớn là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, lao động tự do (làm thuê theo mùa vụ); buôn bán kinh doanh nhỏ; một bộ phận lao động làm công nhân ở các công ty lớn ngoài tỉnh… Vì khó khăn do giãn cách xã hội, cách ly y tế, công ty cắt giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động… đa số người lao động ở Điện Biên không có việc làm, không có thu nhập, buộc lòng họ phải trở về nơi cư trú cùng gia đình kiếm kế sinh nhai cầm cự. 

Với nhóm lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số, bình thường đã khó khăn, khi dịch bệnh xảy ra thì càng khó khăn hơn. Số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 36.374 hộ (chiếm tỷ lệ 26,76%); trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi khi mất việc làm, giảm thu nhập thì sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến đời sống, cái ăn, cái mặc vì họ hầu hết đều không có tài sản tích lũy. 

Một tác động tiêu cực của đại dịch tới đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà chúng ta phải kể đến đó là tác động tới giáo dục. Thực hiện giãn cách xã hội, vùng thành thị, nơi có điều kiện có thể triển khai ngay hoạt động dạy học trực tuyến, nhưng với miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì không thực hiện được do thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh rất hạn chế… dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, cơ hội học tập giữa các vùng miền. 

Ảnh hưởng dịch bệnh đến các nhóm dễ tổn thương (như người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội…) tại tỉnh Điện Biên cũng chung thực trạng là mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Thống kê sơ bộ, đến ngày 22/11, Điện Biên đã hỗ trợ 1.978 người sử dụng lao động, 28.713 người lao động trên địa bàn tỉnh với số tiền 31.714 triệu đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tích cực vào cuộc hỗ trợ hơn 9.000 lao động tìm được việc làm; đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 8.100 lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Đặt mục tiêu bao phủ vaccine cho toàn dân tại địa phương, dù có rất nhiều khó khăn, song đến ngày 24/11, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 95,1%, mũi 2 đạt 43,6%; trẻ em từ 15-18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 90,1%. Việc tiêm vaccine phòng dịch được tỉnh quan tâm, ưu tiên đối tượng có bệnh nền, người cao tuổi, người lao động... tốc độ tiêm chủng trên địa bàn nhanh và tỷ lệ bao phủ vaccine cao so với các tỉnh trên cả nước.