“Phòng truyền thống” của già làng Kpuih Peo

Già làng Kpuih Peo ở xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai), từ trước đến nay luôn được bà con người Gia Rai ở vùng biên giới nhắc đến như là một tấm gương vượt khó trong lao động sản xuất, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân cách làm kinh tế ổn định cuộc sống, phát huy sức mạnh đoàn kết quân - dân, góp phần xây dựng thôn làng giàu đẹp.

Già làng Kpuih Peo.
Già làng Kpuih Peo.

Hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi tôi đến thăm nhà ông Kpuih Peo, già làng Do, ở xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) là phòng khách được ông thiết kế như một “phòng truyền thống”. Không phân chia thành các chủ đề, các mảng khen thưởng, thành tích…, nhưng tại đây già làng Kpuih Peo đã giới thiệu những hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, tình đoàn kết quân dân, đặc biệt là hơn 50 bằng khen, giấy khen, một Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba, ghi nhận công lao, thành tích đóng góp của ông Kpuih Peo cho dân làng và vùng đất biên giới của Tổ quốc.

Già Kpuih Peo đã 60 tuổi, tiếng nói của ông không chỉ được người dân làng Do mà cả khu vực vùng biên giới huyện Đức Cơ lắng nghe, tôn trọng. Ông Kpuih Peo cho biết: Những năm qua, kinh tế gia đình của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên một bước. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người, đặc biệt là có thanh niên bị các đối tượng xấu lợi dụng làm điều sai trái. Kinh nghiệm cho thấy, muốn vận động tốt thì trước hết bản thân mình và gia đình phải tích cực chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, từ đó mọi người mới nghe và làm theo. Bằng uy tín của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ với đồng bào những gì mình biết, mình hiểu vào bất cứ thời gian nào, khuyến khích đồng bào chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.

Kể về việc vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, già làng Kpuih Peo chia sẻ: Đối với bà con dân tộc mình thì cây lúa, hạt gạo là nguồn chủ lực. Nhưng từ lâu do đất đai đã dành cho thâm canh các loại cây công nghiệp, nên diện tích cây lúa thu hẹp. Hằng năm, nguồn thu từ bán cà-phê, điều, cao-su, mì của người dân cũng rất cao, có nhà cả 200 - 300 triệu đồng, cao hơn trồng lúa nhiều. Nhưng vì không biết tích lũy, có tiền là cả ngày rủ nhau uống rượu, tiêu xài vào những thứ không cần thiết, cho nên cứ đến mùa giáp hạt, người dân lại thiếu đói. Mình là đảng viên, thấy như thế buồn cái bụng lắm. Vừa báo cáo chính quyền tìm hướng giải quyết, vừa trao đổi với Công ty 74 (Binh đoàn 15) kêu gọi hỗ trợ gạo để giải quyết cái đói trước mắt, sau đó nhờ đơn vị tạo điều kiện để bà con trồng lúa trên đất tái canh cây cao-su cho hướng lâu dài.

Có đất, có giống lúa, lại có phân bón của bộ đội hỗ trợ, nhưng để cây lúa sống được trên đất, cho bông, cho hạt lại không dễ. Già làng Kpuih Peo lại tiên phong trồng “cây lúa canh tác”. Ban đầu ông nhận một héc-ta. Không để thất thu, “bại trận”, già làng tranh thủ đi học tập kinh nghiệm của người dân các địa phương khác đã trồng, nhờ thêm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Công ty 74 giúp đỡ. Mùa vụ đầu tiên ông trúng lớn, thu về gần sáu tấn lúa. Thấy già làng làm được, có nhiều lúa, thế là bà con trong làng đến đăng ký nhận đất tái canh cây cao-su trồng thêm lúa, khoai lang, đậu phộng. Nhiều hộ dân đăng ký nhận chăm sóc cho cây cao-su mới trồng, vào làm công nhân để tăng thu nhập. Kinh tế phát triển, nhận thức về thời gian lao động của người dân cũng thay đổi. Trước đây tám giờ đi làm, ba giờ chiều về, tối ra đường sợ “con ma”, thì nay ba giờ sáng người dân đã đi cạo mủ cao-su, mà không còn sợ con ma rừng nữa, đến 5 - 6 giờ chiều mới về, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết được gắn chặt.

Cùng với động viên, hướng dẫn dân làng phát triển kinh tế, già làng Kpuih Peo còn là tấm gương về vận động, tuyên truyền đấu tranh, cảnh giác trước mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thông qua các ngày lễ hội, các cuộc họp, hoặc trực tiếp đến từng hộ gia đình, già làng Kpuih Peo tập trung tuyên truyền để người dân tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; không tin, không nghe, không đi theo kẻ xấu; sát cánh cùng cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng và cán bộ, chiến sĩ Công ty 74, khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, đều báo cáo kịp thời để chính quyền xã xử lý. Vì vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được ổn định, giữ vững.

Kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của già làng Kpuih Peo. Ông Kpuih Peo đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba; cấp ủy, chính quyền địa phương, Công ty 74 tặng hơn 50 bằng khen, giấy khen các loại.

Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty 74 (Binh đoàn 15) cho chúng tôi biết: “Già làng Kpuih Peo nói là làm và làm được nhiều việc tốt cho dân làng. Cứ nhìn cái “phòng truyền thống” của già làng Kpuih Peo, thì biết những việc ông đã làm và được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận”.

Trên đường về nhà, tôi nhớ mãi lời ông nói: “Hằng ngày cứ nhìn các bằng, giấy khen trong “phòng truyền thống”, tôi tự nhắc nhở mình cần phải làm nhiều việc tốt hơn nữa cho bà con…!”