Phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

NDO -

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm Covid-19. Thời gian gần đây, số ca mắc trên địa bàn có xu hướng giảm, tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sản xuất tại các khu công nghiệp.

Kiểm tra thân nhiệt người lao động tại Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình.
Kiểm tra thân nhiệt người lao động tại Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình.

Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, theo báo cáo của 63 doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua đã có hơn 12 nghìn lao động nhiễm Covid-19. Một số doanh nghiệp có số ca nhiễm nhiều, chiếm đến hơn 60% tổng số lao động như Công ty Minh Trí, Công ty Environ, Công ty Ha Hae… Đến nay, người lao động rục rịch quay lại làm việc, tuy nhiên với chủ trương mở cửa, chung sống với dịch bệnh như hiện nay, nguy cơ các doanh nghiệp tiếp tục “mất lao động” do lây lan nguồn bệnh là khó tránh khỏi.  

Thông tin cho phóng viên, Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình cho hay: Hiện đơn vị có 10 nhà máy với tổng cộng 18.000 lao động chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Giai đoạn vừa qua, mỗi ngày, công ty có khoảng vài nghìn công nhân thay phiên nhau trở thành F0. Trong khi đó, hầu hết đơn hàng với các đối tác đã được ký hợp đồng từ năm 2021, nguy cơ không hoàn thành thời gian, tiến độ giao hàng rồi bị phạt, hủy hợp đồng của chúng tôi là rất cao.

 Hiện nay, việc tổ chức xét nghiệm đã gây khó khăn nhiều đến tài chính của doanh nghiệp, chi phí cho công tác phòng chống dịch quá lớn, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Mặt khác, khi dịch bệnh lan rộng sau dịp nghỉ Tết, doanh nghiệp không thể khoanh vùng được đối tượng nguy cơ cao nên rất khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình -0
 Tỉnh Thái Bình bố trí xe tiêm vaccine lưu động đến các doanh nghiệp có đông lao động.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, sau dịp Tết xuất hiện chủng virus mới là Omicron nên tốc độ lây lan rất nhanh, nhất là tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và do đặc thù của mặt hàng sản xuất đòi hỏi không gian tương đối kín, càng tăng mức độ nhiễm trên diện rộng.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian hiện nay là phép thử chính xác nhất về việc chủ động chống dịch trong các doanh nghiệp nói chung, trong khu công nghiệp nói riêng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, hướng dẫn của cơ quan y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện đến các doanh nghiệp và yêu cầu chấn chỉnh kịp thời các “lỗ hổng” trong phòng chống dịch, trong đó nhấn mạnh đến phương châm “bốn tại chỗ”, doanh nghiệp nào tự lo cho doanh nghiệp đó, không trông chờ, ỷ lại vào tỉnh.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Qua theo dõi, có một số đơn vị chuẩn bị khá tốt về vật tư và nhân lực để triển khai công việc quan trọng này, như Công ty may Texhong (khu công nghiệp Phúc Khánh) tự bỏ kinh phí mua hàng chục nghìn bộ test nhanh. Bên cạnh đó, huấn luyện đội ngũ hơn 40 người là công nhân để lấy mẫu tại chỗ cho người lao động khi đến làm việc.

Đối với việc kiểm soát lượng công nhân đi về trong ngày, Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tích cực tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch không chỉ ở nơi làm việc, mà ngay cả khi về nhà. Hạn chế tiếp xúc và quan trọng nhất vẫn là phải khai báo trung thực, kịp thời để có biện pháp ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.

Để có môi trường an toàn dịch bệnh, ổn định sản xuất ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp có cách làm hiệu quả, đó là liên hệ chặt chẽ với địa bàn dân cư (nơi người lao động cư trú), đồng thời cập nhật nhanh các bản tin dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp. Khi có ca F0 trong khu vực người lao động sinh sống, sẽ dễ dàng kiểm soát, theo dõi sát sao sức khỏe, thậm chí đề nghị công nhân đó tạm thời không đến doanh nghiệp làm việc.

Phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình -0
 Công ty Toyoda tại huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) hoạt động ổn định do làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Qua trao đổi, chúng tôi thấy, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp rất lo lắng về diễn biến dịch hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Họ tâm sự, giờ vướng dịch, dừng hoạt động sản xuất là ảnh hưởng đến cả đơn hàng của cả năm. Vì thế, doanh nghiệp chuyển biến rất rõ trong phòng chống dịch, không phó mặc cho chính quyền địa phương.

 Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng trong việc thiếu lao động cục bộ tại một số thời điểm do số công nhân là F0 quá lớn, Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình đã xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tuyên truyền, lấy ý kiến công nhân, người lao động còn đủ điều kiện sẽ làm thêm giờ, có trả lương và hiện nay hầu hết 100% công nhân, người lao động đều nhận thức rõ và đồng ý.

Để công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, nhất là việc duy trì xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm xác suất để phát hiện, bóc tách F0.

Thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở tỉnh Thái Bình đang duy trì làm tốt việc cung cấp kịp thời danh sách người lao động là F0 đến các ngành, địa phương để quản lý, giám sát tại nơi cư trú.

Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cũng chủ động phối hợp các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Tư vấn hỗ trợ đầu tư và dịch vụ khu công nghiệp, các Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cử lực lượng bảo vệ phối hợp địa phương trong việc cách ly y tế, giám sát tại nhà khi có yêu cầu.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng khá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp; nguy cơ thiếu lao động đang xảy ra cục bộ tại một số thời điểm. Tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình hiện có hơn 210 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 74.000 lao động. Vì vậy, việc duy trì sản xuất, kinh doanh cần phải đặt trong mục tiêu chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.