Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 địa phương

NDO -

7 địa phương phía bắc sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến vào sáng ngày 16/12 tới.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tháng 10/2021 (Ảnh: Minh Duy).
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tháng 10/2021 (Ảnh: Minh Duy).

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp 6 tỉnh, thành phố phía bắc khác gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến vào 7 giờ 30 ngày 16/12 tới.

Đây là phiên giao dịch việc làm trực tuyến mở rộng lần thứ tư, với sự tham gia của nhiều địa phương ở khu vực phía bắc. Đồng thời, là phiên giao dịch việc làm theo hình thức trực tuyến lần thứ ba sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát kể từ tháng 9 vừa qua.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến diễn ra tại một số địa phương có nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Đồng thời, là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, kết nối người tìm việc vào công việc phù hợp, góp phần làm giảm giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định trong tình hình mới. Hình thức này vẫn bảo đảm được quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 25/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp năm địa phương khác là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối thị trường việc làm ở các địa phương.

Phiên giao dịch này đã thu hút 78 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 8.602 vị trí việc làm. Trong đó, có 1.015 vị trí việc làm tại Hà Nội, 2.000 vị trí việc làm tại tỉnh Bắc Giang, 1.885 vị trí tại tỉnh Bắc Ninh, 1.583 vị trí tại tỉnh Thái Nguyên, 1.133 vị trí tại tỉnh Thanh Hóa và 986 vị trí tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm lao động qua đào tạo, từ công nhân kỹ thuật đến đại học và trên đại học với 69% chỉ tiêu tuyển dụng; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chỉ chiếm 31%. Ngành cần tuyển nhiều lao động dịp này là kinh doanh, công nghiệp sản xuất điện tử, nhân viên kỹ thuật, thợ vận hành máy...

Nếu đáp ứng được yêu cầu công việc, đa số người lao động sẽ nhận được mức lương từ 7 triệu đồng trở lên, thậm chí từ 15 triệu đồng trở lên... 

Riêng tại địa bàn Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết, đến ngày 10/12, toàn Thành phố đã hỗ trợ tiền mặt và cho vay gần 5,2 triệu lượt đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguồn ngân sách hỗ trợ hơn 6.200 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 5.833 tỷ đồng. Nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 405,8 tỷ đồng.

Thành phố đã hỗ trợ hơn hai triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với 12/12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố, với kinh phí 1.536,9 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng chi trả hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp. Tổng kinh phí chi trả đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Lao động và việc làm