Phấn đấu hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc qua Bình Thuận đúng tiến độ

NDO -

Chiều 9/12, Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cho hai Dự án đường bộ cao tốc đi qua Bình Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 

Thi công gói thầu XL04 đường cao tốc bắc nam, Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đoạn qua xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Thi công gói thầu XL04 đường cao tốc bắc nam, Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đoạn qua xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Cùng làm việc còn có Ban Quản lý dự án giao thông 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư cùng các nhà thầu thi công.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cả hai dự án qua Bình Thuận đạt tỷ lệ 100%; đã hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư và đã bố trí tái định cư cho các hộ. Hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm: Viễn thông, nước, điện trung hạ thế, điện cao thế 110kV trên địa bàn huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Hiện còn 1 vị trí đường điện, viễn thông tại nút giao ĐT720 và 1 trạm viễn thông BTS tại nút giao Quốc lộ 55 đang triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành việc di dời các hạng mục trên trước ngày 15/12/2021. Riêng đối với công trình đường điện cao thế 500kV, 220kV, có 18 vị trí nằm ngoài ranh giải phóng mặt bằng, địa phương đang triển khai các thủ tục liên quan, chậm nhất trong quý II/2022 sẽ hoàn thành việc di dời.

Về nhu cầu vật liệu xây dựng, Dự án cao tốc bắc - nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cần khối lượng 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường cao tốc. Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư không gặp vướng mắc về vật liệu đắp đất nền cho dự án. Riêng đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp. Sau khi được Bộ Giao thông vận tải cho phép tận dụng đá đào nền đường để xay nghiền thành vật liệu đắp, khối lượng đất đắp cần phải mua mới là 7,5 triệu m3. Ban Quản lý dự án 7 đã đề xuất 20 mỏ vật liệu phục vụ đất đắp cho dự án và đã được UBND tỉnh thống nhất, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết. Đến nay, địa phương đã cấp phép khai thác 9 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 3,4 triệu m3. Riêng đối với các mỏ đề xuất cấp phép cho nhà thầu theo “cơ chế đặc thù”, tỉnh đã thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch khoáng sản và khoanh định khu vực không đấu giá.

Phấn đấu hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc qua Bình Thuận đúng tiến độ -0
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc đoạn qua Bình Thuận. 

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, đối với 10 mỏ xin cấp mới mà các nhà thầu  đề nghị, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã nhận được 5 hồ sơ. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến và xử lý để sớm cấp phép theo tinh thần Nghị quyết 60 của Chính phủ ngay trong tháng 1/2022.

UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4227/UBND-KT ngày 8/10/2021 điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất các mỏ vật liệu vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết các thủ tục đất đai phục vụ đường cao tốc trên địa bàn huyện Bắc Bình. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy giải quyết 3 mỏ với trữ lượng khoảng 1,3 triệu m3. Sở Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định 1 mỏ với trữ lượng đất đắp khoảng 400 nghìn m3.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, việc cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai thực hiện. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo sở, ngành liên quan bám sát, phối hợp chặt chẽ với đơn vị nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu, cũng như di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đối với việc giải phóng mặt bằng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đoạn này chỉ còn một trụ điện cao thế, một trạm biến áp ở huyện Hàm Tân chưa được giải tỏa để bàn giao cho chủ đầu tư. UBND tỉnh Bình Thuận đang chỉ đạo quyết liệt và sẽ hoàn thành việc di dời trụ cao thế ngay trong tháng 12/2021.

Đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho rằng tiến độ cấp phép mới và nâng cấp công suất các mỏ còn chậm so với yêu cầu. Đến hết năm 2021, các gói thầu chậm hiện nay chính là phải tập trung ở khối lượng đất đắp nền đường. Ban Quản lý dự án 7 cho biết, cần bổ sung thêm thiết bị máy móc, tận dụng mùa khô tổ chức tăng ca để thi công. 

Thời gian qua, Ban Quản lý dự án 7 đã họp với các nhà thầu đánh giá nguyên nhân chậm trễ. Theo đó, các nhà thầu ký cam kết thực hiện đúng tiến độ khối lượng, sản lượng, giải ngân đến cuối năm. Nếu việc thi công tiếp tục chậm trễ sẽ bị phạt và chuyển khối lượng công việc sang nhà thầu khác.

Phấn đấu hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc qua Bình Thuận đúng tiến độ -0
Sau khi đã bóc hữu cơ, do thiếu đất đắp nhà thầu không thể tiếp tục thi công một đoạn tuyến dài hơn 1.000m qua xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, Dự án cao tốc bắc - nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận phát triển mà còn kết nối, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thứ trưởng ghi nhận những kết quả mà tỉnh Bình Thuận cùng các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công đã thực hiện trong thời gian qua.

Về tiến độ, thủ tục trong việc cấp phép các mỏ đất cho các nhà thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, dù có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu thì tiến độ vẫn chậm, cần khẩn trương cấp phép cho các chủ mỏ. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm sát sao hơn nữa, trên tinh thần ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh nhất cho các mỏ đất phục vụ cho dự án. Đối với các mỏ mới, các nhà thầu nhanh chóng thăm dò, lập hồ sơ, thẩm định cấp phép khai thác và sau khi hoàn tất thủ tục đưa vào khai thác ngay để đáp ứng nhu cầu vật liệu, bảo đảm tiến độ thi công.

“Nếu không hoàn thành thủ tục các mỏ vào tháng 1/2022 thì khó hoàn thành đúng tiến độ. Chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành dự án cao tốc đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.