Phó Thủ tướng Lê Văn Thành:

Phấn đấu hoàn thành 1.800km cao tốc bắc-nam vào năm 2025

NDO -

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải, sáng 25/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao nhiệm vụ cho ngành trong năm 2022 phải khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam, phấn đấu hoàn thành 1.800km đường cao tốc, để đạt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Bộ Giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Bộ Giao thông vận tải.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, năm 2021, Bộ Giao thông vận tải là một trong những bộ, ngành hoàn thành xuất sắc công tác xây dựng quy hoạch. Ngành giao thông đã nỗ lực không kể đêm ngày, thực hiện quy trình bài bản hoàn thành xuất sắc 5 quy hoạch chuyên ngành; đồng thời cùng lúc, tạo tiền đề thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hơi. Đây là cơ sở quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

Cần quyết tâm lớn, giải pháp cụ thể

Kết thúc năm 2021, trải qua gần 20 năm, nước ta đã hoàn thành khoảng 1.200km đường cao tốc. Đề án đầu tư xây dựng cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đến nay đã được ngành giao thông hoàn thiện. Nếu không tập trung cao trong xây dựng quy hoạch đường cao tốc đến năm 2030 thì vừa qua, ngành khó có thể kịp thời xác định nguồn vốn đầu tư, đề xuất Chính phủ đưa vào chương trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu Covid-19, bảo đảm tiến độ đầu tư trong điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) vào các dự án hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải phải xây dựng được “đường găng” để đến cuối năm 2022, toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc bắc-nam còn lại phải được khởi công, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2024-2025. Bộ Giao thông vận tải phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Dự án này đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, vốn đầu tư cũng đã bố trí thì phải nêu quyết tâm cao, có sản phẩm tương xứng. 

“Nếu không nhận diện rõ khó khăn thách thức để tạo quyết tâm, có sự thay đổi lớn, giải pháp cụ thể sẽ không thể hoàn thành được. Trong quá trình thực hiện, phát sinh vướng mắc gì, ngành giao thông cần trình Chính phủ, Quốc hội để xử lý kịp thời, thông suốt toàn tuyến cao tốc bắc-nam theo đúng mục tiêu Nghị quyết đã đề ra”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Công tác thi công các công trình giao thông trong năm 2021 cũng được bộ tập trung cao độ và đạt kết quả tốt. Đơn cử, tuyến cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã liên tục kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, hoàn thành đạt 99,97% và tích cực tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chỉ trong 3 tháng để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu khoảng 65 triệu m3 vật liệu đất, đá. Tiến độ thi công cơ bản bám sát kế hoạch, bảo đảm hiệu quả giải ngân vốn đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng, một nhiệm vụ không hề dễ dàng để trở thành một trong những bộ giải ngân cao nhất.

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thường xuyên, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản thích ứng phù hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa, khi phục hồi các đường bay phải rà soát nhân lực, đánh giá chất lượng hoạt động các thiết bị sau thời gian nghỉ dịch.

Ngoài các dự án hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không, như: sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các cảng hàng không: Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo,… Lĩnh vực hàng hải, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư cùng nhà nước xây dựng tiếp cảng Trần Đề, tiếp tục xây dựng khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cảng cửa ngõ Lạch Huyện hiện hữu.

Phấn đấu hoàn thành 1.800 km cao tốc bắc-nam vào năm 2025 -0
Thi công cầu vượt nút giao Mai Sơn, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, cao tốc bắc-nam. 

Đối với đường sắt, tập trung vào 3 việc chính: bảo dưỡng hạ tầng đường sắt hiện hữu bảo đảm an toàn; phối hợp cùng các bộ, ngành trình Đề án đường sắt bắc-nam tốc độ cao; nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào,...

Kết quả giải ngân là thước đo hiệu quả điều hành

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, ngay từ đầu năm 2021, bộ đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân.

Bộ Giao thông vận tải đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; riêng quy hoạch hàng không đã được Hội đồng Thẩm định nhà nước thông qua. 

Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, tháo gỡ ngay lập tức các vướng mắc, giúp lưu thông an toàn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, thu hồi các quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Liên quan công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết: "Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành đối với giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép”, bộ đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả giải ngân là thước đo hiệu quả điều hành, là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá cán bộ cuối năm”.

Bộ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý ngay những cơ quan, đơn vị chậm trễ trong công tác giải ngân. Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.

Theo Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Danh Huy, năm 2021, Bộ Giao thông vận tải được giao nguồn vốn khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Các kế hoạch triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tháng liên tiếp các công trình trọng điểm nằm ở vùng dịch phong tỏa nên gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, ngành giao thông đã đạt được kết quả giải ngân rất cao, các dự án triển khai bảo đảm chất lượng.

Trong năm 2022, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, chuẩn bị đầu tư và thực hiện chuẩn bị đầu tư nhiều dự án quan trọng quốc gia. Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50 nghìn tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

“Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu, các chủ đầu tư cần xây dựng tiến độ chi tiết từng hạng mục, quy định cụ thể thời gian từng khâu, cá thể hóa trách nhiệm để nâng cao hiệu quả thi công; triển khai trước một số công việc ở các bước chuẩn bị, không chờ dự án phê duyệt chủ trương mới bắt tay vào làm. Phải lan tỏa tinh thần quyết liệt của Chính phủ, không chỉ ở các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư mà phải đến tận công trường. Phải coi công trường như trận địa, mỗi dự án là một chiến dịch, mỗi cán bộ công nhân là chiến sĩ. Đối với giải phóng mặt bằng, một trong những yếu tố then chốt quyết định tiến độ dự án, cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng về giải phóng mặt bằng, tổ chức cắm cọc bàn giao”, ông Huy nhấn mạnh.