Niềm vui được mùa

Đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã gây thiệt hại rất lớn đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Vượt lên những khó khăn và thách thức, nông dân Quảng Bình, Quảng Trị đã dồn sức cho sản xuất vụ đông xuân. Trời không phụ lòng người, vụ đông xuân này, lúa được mùa, được giá đã mang lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây.

Nông dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thu hoạch vụ lúa đông xuân trong niềm vui được mùa, được giá.
Nông dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thu hoạch vụ lúa đông xuân trong niềm vui được mùa, được giá.

Chúng tôi về Lệ Thủy, huyện trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình khi người dân đang hối hả vào vụ gặt. Đây là huyện vùng lũ bị thiệt hại nặng nhất trong nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình khi cơ sở hạ tầng phục vụ, nguồn lực sản xuất thiệt hại rất lớn. Được sự trợ giúp của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), của tỉnh Quảng Bình cũng như sự nỗ lực vượt khó của mỗi người dân, huyện Lệ Thủy lập thành tích mới trong sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hán phấn khởi cho biết, địa phương gieo 10.200 ha lúa, năng suất bình quân đạt hơn 70 tạ/ha, cá biệt có những xã diện tích lúa lớn nằm ven sông Kiến Giang đạt 75 đến 77 tạ/ha. Nông dân Võ Thanh Minh ở xã An Thủy chia sẻ: “Chưa có năm nào được mùa như năm nay, bông lúa chắc, mẩy và ít hạt lép. Giá bán tại ruộng hơn 6.500 đồng/kg, còn lúa thành phẩm 7.800 đồng/kg cho nên nông dân rất vui vì vừa được mùa, được giá”. Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cũng cho biết, trong điều kiện diện tích đất sản xuất không tăng, muốn nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, xã An Thủy đã chọn đột phá bằng việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào canh tác để tăng năng suất và sản lượng lúa. Cùng với đó, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích để tạo thành các cánh đồng diện tích lớn, đầu tư nuôi cá, vịt để mang lại hiệu quả cao.
 
 Tại huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình, nhiều xã cũng có năng suất lúa cao vượt trội như: Gia Ninh hơn 71 tạ/ha, An Ninh hơn 70 tạ/ha. Đáng chú ý, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, xã An Ninh có năng suất dẫn đầu toàn huyện với 76 tạ/ha. Giám đốc HTX Nguyễn Duy Viên cho biết, cánh đồng lớn của HTX có diện tích hơn 200 ha. Nhờ chủ động canh tác tốt và đưa giống lúa chất lượng vào sản xuất cho nên năng suất lúa của nhiều xã viên đạt rất cao. Anh Nguyễn Văn Phong, xã viên HTX Thống Nhất vui vẻ trò chuyện: “Lũ lớn năm ngoái gây thiệt hại lớn đối với người dân vùng chiêm trũng nhưng cũng bù lại là những cánh đồng vàng. Tôi làm ruộng đã lâu mà bây giờ mới chứng kiến ruộng lúa có năng suất gần 80 tạ/ha như thế này. Gia đình tôi thu hơn 10 tấn lúa, giá lúa cao cho nên càng vui hơn”. Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, vụ này, nông nghiệp Quảng Bình thắng lợi lớn. Năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Lúa vừa được mùa vừa được giá, nông dân thu hoạch đến đâu đều bán được đến đó cho nên vừa có thu nhập khá, vừa có vốn để mua giống, vật tư nông nghiệp sản xuất vụ hè thu.
 
 Cũng như ở Quảng Bình, các trận lũ lịch sử cuối năm 2020 qua đi, người nông dân tỉnh Quảng Trị tiến hành cải tạo lại ruộng đồng bị bùn, đất vùi lấp để kịp gieo lúa đông xuân 2020 - 2021. Những ngày này, qua ngõ nhà nông nào cũng nghe xôn xao tiếng cười, nói mừng vui của ngày mùa bội thu. Ông Võ Văn Đình ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa thu hoạch xong 3,5 ha lúa. Ruộng lúa của ông Đình cho năng suất 76 tạ/ha, bán lúa tươi ngay tại đồng cho các doanh nghiệp thu mua với giá 6.800 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải, toàn huyện gieo cấy gần 7.000 ha lúa đông xuân. Đến thời điểm này nông dân vừa thu hoạch xong và chuẩn bị xuống giống vụ hè thu. Năm nay lúa được mùa lớn, được nắng, được giá và rất ít sâu bệnh cho nên nông dân đỡ tốn chi phí đầu tư hơn. Sau khi trừ các khoản, người dân còn lãi được khoảng 60% trị giá của mỗi ki-lô-gam lúa.
 
 Chia sẻ với chúng tôi niềm vui được mùa của xã viên, Giám đốc HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (Quảng Trị) Nguyễn Hữu Đạt nói: “Chưa bao giờ lúa của HTX được mùa như vụ đông xuân này, bình quân đạt 62 tạ/ha (trước đây chỉ hơn 50 tạ/ha). HTX gieo 45 ha lúa tại ba xã Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Sơn của huyện Triệu Phong theo phương thức canh tác tự nhiên, sử dụng giống lúa chất lượng cao HN6. Đây cũng là sản phẩm gạo của tỉnh Quảng Trị được chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. HTX đang liên kết dài hạn với các doanh nghiệp thu mua toàn bộ lúa cho thành viên với giá 10 nghìn đồng/kg.
 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá, toàn tỉnh gieo 25.600 ha lúa đông xuân, đạt hơn 100% kế hoạch. Nét nổi bật trong vụ này là diện tích lúa chất lượng cao đạt 19 nghìn ha, năng suất lúa đạt trung bình hơn 60 tạ/ha. Đây là lần đầu năng suất lúa vụ đông xuân của tỉnh Quảng Trị đạt cao như vậy. Có được kết quả đáng mừng này, theo Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Bình Mai Văn Minh là nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ NN và PTNT, Quảng Bình đã trích ngân sách, quỹ cứu trợ để mua toàn bộ giống lúa mới, chất lượng cao cung cấp cho người dân kịp sản xuất vụ đông xuân với diện tích gần 30 nghìn ha. Mặt khác, sau lũ, đồng ruộng được bồi lắng lượng lớn phù sa và sâu bệnh giảm nhiều cho nên lúa sinh trưởng tốt. Đến vụ thu hoạch, lúa nặng trĩu bông, hạt tròn, mẩy và chắc. Đó còn là nỗ lực vượt khó của người nông dân trong gieo trồng, thâm canh lúa và các cây trồng khác để bù đắp cho những thiệt hại bởi mưa lũ lịch sử năm trước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, ngay từ đầu vụ, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật; hơn 90% diện tích sử dụng giống lúa bảo đảm phẩm cấp, nhiều giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao được đưa vào sản xuất. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giảm chi phí đầu tư trên đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, chủ trương liên kết sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên, hữu cơ và thích nghi biến đổi khí hậu, nhất là chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân được hưởng ứng cao. Doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân chăm lo sản xuất trên đất đai của mình cho nên thu nhập ngày càng cao hơn. Hiện, nông dân các tỉnh đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để xuống giống vụ hè thu với kỳ vọng có thêm được vụ lúa bội thu, góp phần nâng cao đời sống sau một năm đầy gian nan.