Những sáng kiến vượt khó, đi lên

Tại Chương trình tôn vinh “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức có ba gương mặt tiêu biểu để lại ấn tượng sâu sắc. Họ đại diện cho 128 sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ hơn 25 nghìn sáng kiến ra đời trong gian khó, để tôn vinh. Dù đem lại giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng cho đơn vị hay mang ý nghĩa lớn lao cho cộng đồng xã hội, nhưng tất cả đều có điểm chung, đó là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ suy nghĩ khác biệt, không đi theo lối mòn.

Thợ lò Phạm Thành Công trong ca làm việc.
Thợ lò Phạm Thành Công trong ca làm việc.

Sáng kiến cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu của anh Dương Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Phát triển sản phẩm mới công đoạn xử lý bề mặt, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đưa vào áp dụng sản xuất  làm lợi cho doanh nghiệp hơn 30 tỷ đồng. Trong môi trường làm việc đòi hỏi cải tiến sản xuất  được đặc biệt chú trọng, Samsung luôn nỗ lực  khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động cải tiến: tổ chức cuộc thi nội bộ về cải tiến hằng năm, trao tặng giải thưởng. Những hoạt động này kích thích sáng tạo của nhân viên. Hằng năm, đã có hàng chục nghìn sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, mang lại nhiều đóng góp hữu ích trong hoạt động sản xuất. Là một kỹ sư trẻ, anh Hùng luôn tâm niệm cần cố gắng nỗ lực mỗi ngày, trong lao động sẽ có những sáng tạo. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu công việc, kỹ sư Dương Văn Hùng dành nhiều thời gian học hỏi đồng nghiệp, những người đi trước, rồi tự nghiên cứu, tìm tòi. Bên cạnh tích cực tham gia phong trào “lao động giỏi-lao động sáng tạo” do Công đoàn phát động, anh Hùng còn tự đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ năm 2018 đến 2020, anh Hùng có hơn 50 ý tưởng cải tiến lớn nhỏ, đều được ghi nhận. Năm 2021, sáng kiến tham gia  chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, do Công đoàn phát động giúp thời gian thao tác tháo lắp điện thoại giảm 14 lần, tình trạng bẩn và xước gần như được loại bỏ. Đáng chú ý, cải tiến này có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm khác. Anh Hùng cho biết, những sáng kiến của anh bắt nguồn từ sự thôi thúc vượt qua khó khăn trong thực tiễn sản xuất. Càng đứng trước khó khăn, mình càng phải sáng tạo để có thể áp dụng trong sản xuất, xuất phát từ những suy nghĩ khác biệt, không theo lối mòn.

Trong những tháng ngày cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, Thượng úy Lê Thị Hòa và Đại úy Phạm Thị Hòa, cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền-Bộ Công an chứng kiến nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến đầu chống dịch choáng, ngất liên tục  do sốc nhiệt. Hai chị đã trăn trở làm sao để giảm bớt nhiệt độ cơ thể của nhân viên y tế khi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ trong thời gian dài. Sau một thời gian dài thai nghén, được sự ủng hộ của lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, đồng nghiệp, các chị đã cho ra đời sản phẩm “Áo chống sốc nhiệt” . Đây là một trong những sáng kiến, giải pháp của Công đoàn Bệnh viện Y học cổ truyền-Bộ Công an tham gia Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Sản phẩm được mặc bên trong áo bảo hộ nên không ảnh hưởng tới vai trò, tác dụng của áo bảo hộ. Khi mặc áo chống sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể được giảm từ 5-7 độ, giảm thiểu được tối đa việc choáng ngất do sốc nhiệt. Sau khi đưa vào thử nghiệm thành công, xưởng may dã chiến của bệnh viện đã được thành lập ngay trong đêm 2/6/2021. Bộ sản phẩm được Hội đồng khoa học của bệnh viện nghiệm thu, đánh giá cao.  Đến nay, cung cấp gần 1.000 bộ áo cho cán bộ y tế của bệnh viện tham gia phòng, chống dịch, nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện tuyến đầu. Thượng úy Lê Thị Hòa khiêm tốn chia sẻ: Áo thiết kế đơn giản, bằng lưới, ba lỗ, thân áo bốn túi đựng đá khô. Đó chỉ là một sáng kiến nhỏ mà ai cũng có thể nghĩ ra được, là món quà tri ân của  những người ở tuyến sau dành tặng đồng nghiệp tuyến đầu chống dịch, xuất phát từ sự thôi thúc của con tim, sự quan sát tỉ mỉ và thấu hiểu khó khăn trong công việc của đồng đội.  Trước đó, năm 2020-2021, các chị cùng các đồng nghiệp trong Khoa Chống nhiễm khuẩn đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng, như: Sản phẩm “ kính chắn giọt bắn” cung cấp cho nhân viên y tế của bệnh viện và một số đơn vị bạn; “Túi đựng đồ vải” cung cấp cho các khoa trong toàn bệnh viện.   

Với sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm  bảo đảm an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao”, anh Phạm Thành Công, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty cổ phần Than Hà Lầm (TKV) đã làm lợi cho công ty hơn 33,6 tỷ đồng. Sáng kiến này có giá trị làm lợi “khủng” nhất ngành than trong tổng số 4.032 sáng kiến đăng ký tham gia chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Sáng kiến được đánh giá cao về tính thực tiễn, đặc biệt có thể áp dụng đối với các lò chợ cơ giới hóa khi lò chợ gặp phay phá, cắt đá. Đây cũng là giải pháp lần đầu áp dụng để khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế độ dốc theo phương tại công ty cũng như trong toàn Tập đoàn. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Than Hà Lầm Trịnh Ngọc Toản nhận xét: Gần 20 năm làm mỏ, đoàn viên Phạm Thành Công  đã  cống hiến nhiều sáng kiến độc đáo từ lòng đất. Bình quân mỗi năm anh có khoảng 10 sáng kiến, chủ yếu áp dụng lĩnh vực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giúp tăng năng suất, tiết giảm chi phí, hợp lý hóa sản xuất. Năm 2020, Công ty cổ phần Than Hà Lầm có 160 sáng kiến, riêng anh Phạm Thành Công đóng góp chín sáng kiến. “Tình yêu nghề, bám sát thực tiễn đã giúp tôi xác định những khó khăn trong quá trình sản xuất để tìm ra các nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục để cải tạo môi trường làm việc cho người lao động. Theo tôi, để có một sáng kiến tốt, tôi luôn có những suy  nghĩ khác biệt, không đi theo tư duy cũ, lối mòn cũ”- anh Công chia sẻ.