Những người mở lối vào hang động

Đằng sau vẻ tếu táo, hài hước của họ là thái độ nghiêm túc thật sự trong luyện tập. Cũng phải thôi vì khám phá hang động không chỉ là sở thích hay trải nghiệm của mỗi cá nhân mà còn là một môn thể thao, hoạt động du lịch mạo hiểm hay cứu hộ khẩn cấp và trên hết là thể hiện ý thức bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ cảnh quan mà ở đây là các hang động, nguồn nước từ các thành viên của Câu lạc bộ hang động Hà Nội (Hanoi Caving Club-HCC).

Ông Steven W.Frye hướng dẫn kỹ năng khám phá hang động cho các thành viên của HCC.
Ông Steven W.Frye hướng dẫn kỹ năng khám phá hang động cho các thành viên của HCC.

Việt Nam là một trong số ít các nước có nhiều hang động đẹp nhưng bên cạnh một số hang động đã được khai thác sử dụng cho mục đích du lịch, còn có những nơi chưa được khám phá và khảo sát. Đây là lý do để HCC ra đời và trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của các thành viên cùng có chung đam mê.  

Cuộc chơi nghiêm túc

Chuyến đi tới Khu du lịch sinh thái Cửa Hương, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) của chúng tôi tuy không có chủ tịch HCC là Phạm Văn Mạnh do anh bận công tác ở miền trung nhưng vẫn có hai phó chủ tịch HCC là Vũ Văn Giáp và Lê Văn Khoa (Ben Khoa), người mà tôi đã liên hệ trước đó. Phải nói là thật may mắn cho chúng tôi khi có mặt tại đây đúng dịp này bởi buổi tập có sự xuất hiện của hai chuyên gia hang động của Mỹ đến từ Hiệp hội hang động Mỹ (NSS), Steven W. Frye và Dean Wiserman, cựu Chủ tịch NSS. 

Trước đây, các thành viên HCC chỉ tập luyện dựa trên những bài tập, hướng dẫn theo phong cách châu Âu mà họ đã học được từ thầy Vương Hữu Nghĩa, một thành viên lặn hang động người Pháp gốc Việt của NSS. Trong khi đó, NSS tư vấn, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên của Công ty tổ chức các tour mạo hiểm Jungle Boss ở Quảng Bình theo phong cách Mỹ mà cụ thể là kỹ thuật đu dây và xử lý trên dây đơn. 

Cũng vì vậy mà không biết sự có mặt của hai ông Frye và Wiserman có phải là lý do không nhưng rõ ràng, chuyến đi thực địa của HCC đã nhận được sự quan tâm của nhiều người có chung đam mê leo núi, thám hiểm hang động, đặc biệt khi thành phần đoàn có cả những cán bộ Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam.

Chỗ chúng tôi tập trung là một núi đá vôi thấp, địa hình thích hợp cho việc tập luyện. Tại đây có hai cửa hang, trong đó một cửa hang có thể bắt gặp ngay từ bên ngoài và được người dân địa phương gọi là hang Cửa Hương, còn một hang bên trong ẩn khuất sau những rặng cây và nằm sát chỗ các thành viên HCC hạ lều. Sau khi dỡ ba-lô từ trên ô-tô xuống, một số người khẩn trương thay trang phục, đeo thiết bị an toàn, đội mũ bảo hiểm, đi găng tay chuyên dụng và leo lên lắp đặt ba dây đu ở độ cao hơn 10m. 

Ben Khoa cho biết, nhiệm vụ này chỉ dành cho các thành viên có kỹ năng thành thục bởi họ có thể quan sát, đánh giá địa hình và chọn vị trí chắc chắn để lắp đặt dây đu bảo đảm an toàn cho toàn nhóm, trước khi tất cả bước vào buổi tập.

Và rồi không gian khu núi đá vôi trở nên sôi động hơn vì sự xuất hiện của hai chuyên gia hang động NSS cùng đoàn cán bộ Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam sau đó. Chỉ dành vài phút giới thiệu bản thân và làm quen, hai ông Frye và Wiserman nhanh chóng hướng dẫn các thành viên HCC kỹ thuật đu dây và xử lý trên dây đơn. 

Cái cách họ gần gũi và nhiệt tình trong công việc khiến chúng tôi có cảm giác tất cả dường như đang khẩn trương tập luyện để chuẩn bị cho cuộc khám phá một hang động nào đó, đặc biệt khi ông Frye lúc nào cũng nhấn mạnh, dù đây là một buổi tập, họ vẫn phải đặt sự an toàn của mỗi cá nhân lên trên hết.

Chính vì thế, khi Ben Khoa tâm sự với tôi rằng chỉ một buổi tập là có thể đu dây lên xuống, việc nhớ được các thiết bị an toàn thật không dễ với một người mới bắt đầu, nhất là những thiết bị này đều ít nhiều gắn với các từ tiếng Anh như đai an toàn là harness, thiết bị đu dây là stop hoặc rack, khóa tay leo ascender, móc khóa là carabiner… Nếu nhớ được, bạn phải biết rèn luyện thuần thục các thao tác đúng cách với từng thiết bị bởi chỉ cần một sai sót đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân và ảnh hưởng đến những thành viên khác, trong khi cứu hộ dưới lòng đất là một việc rất khó khăn. 

Thế mới có chuyện những người mới tập có thể bị kẹt dây bất cứ lúc nào khi đang treo mình trên cao và lúc đó, họ sẽ cần ít nhất một đến hai người cứu hộ trong khoảng thời gian dài đủ làm họ kiệt sức và khó thở vì đống dây và móc khóa.

Những người mở lối vào hang động -0
Ông Dean Wiserman trao đổi với các thành viên của HCC. 

Ngoài ra, để trở thành một nhà thám hiểm hang động và cứu hộ giỏi, còn phải có kinh nghiệm sinh tồn và xuất sắc ở nhiều môn thể thao, trong đó thể lực là yếu tố rất quan trọng. Nói vậy bởi quãng đường đi bộ tới một miệng hang có khi dài 6-7km hoặc hơn thế, đòi hỏi người thám hiểm phải quen trekking, rồi khả năng leo núi và bơi lặn do nhiều hang có những mạch nước, con suối và thậm chí là hồ nước bên trong. 

Không có gì ngạc nhiên khi một số thành viên HCC trước lúc đến với đam mê khám phá hang động đều từng chơi các môn thể thao khác nhau, chẳng hạn như Phạm Đức Dương, Hoàng Thùy Dương đã trekking những đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, Đặng Huy Hùng chơi dù lượn một thời gian hay ấn tượng nhất có lẽ là “Iceman” Dương Minh Quang, vốn là một giáo viên thể chất của một trường quốc tế ở Hà Nội, có thể bơi từ chân cầu Long Biên (Hà Nội) đến cửa biển Ba Lạt (Thái Bình) với quãng đường 200km trong ba ngày vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng bất ngờ khi biết ông Frye đã 68 tuổi và mới theo đuổi niềm đam mê khám phá hang động từ năm… 50 tuổi, trong lúc ông Wiserman đã 51 tuổi nhưng bắt đầu khám phá hang động từ năm 10 tuổi. Kinh nghiệm và sự gần gũi của họ khiến ai cũng muốn được chỉ dẫn, học hỏi đến quên thời gian và vì thế, buổi tập của HCC có lẽ sẽ trôi qua bữa trưa nếu không vì những khách mời như chúng tôi bắt đầu cảm thấy đói bụng. Về sau, trong bữa ăn, Ben Khoa có tiết lộ rằng, các anh thường chỉ ăn nhẹ rồi tập xuyên buổi, thậm chí tập cả buổi tối để tất cả quen với việc treo mình trong điều kiện chỉ có đèn chiếu sáng trong hang. 

Hang động không chỉ để khám phá

Hệ thống hang động ở Việt Nam thường là các hang động nằm trong các vùng núi đá vôi có kiểu địa hình karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) phát triển. Và vùng núi đá vôi ở Việt Nam có diện tích khá lớn, lên tới 50.000-60.000 km2, chiếm gần 15% diện tích đất liền tập trung chủ yếu ở bốn tiểu vùng Việt Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn), Đông Bắc Bộ (Quảng Ninh), Tây Bắc Bộ (Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình) và Bắc Trung Bộ (Quảng Bình). 

Theo tìm hiểu thì đến năm 2000, các công trình điều tra, nghiên cứu hang động ở Việt Nam chỉ phát hiện được khoảng 200 hang động, nhưng đến nay, con số này đã lên tới gần 1.000 hang động. Vì thế, việc HCC thành lập vào tháng 3/2021 tuy muộn, khi phần lớn các thành viên đều đã đi hang được 3-4 năm, câu lạc bộ dần trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người có chung đam mê khám phá hang động. 

Theo Ben Khoa cho biết, hang có hang nước và hang khô, hang ngang và hang sâu, trong đó hang sâu đòi hỏi người thám hiểm phải thành thạo kỹ năng đu dây và cứu hộ. Vì thế, nếu nghĩ ẩn sâu trong lòng hang, dưới lòng đất là một thế giới tối tăm, ẩm thấp, không một tia nắng ấm áp của mặt trời, không có sự sống, thực tế đó lại là một thế giới lộng lẫy, tráng lệ và kỳ ảo, có sức hấp dẫn đặc biệt với bất cứ ai. Và bên cạnh những vẻ đẹp tự nhiên do tạo hóa sinh ra, các hang động còn chứa đựng những dấu tích khảo cổ học, những di tích lịch sử-văn hóa đặc sắc của dân tộc và có giá trị để phát triển du lịch. 

Vì thế, mong muốn của HCC, như Ben Khoa tâm sự, các anh hy vọng đi được nhiều hang nhất có thể, hiện họ mới đi cùng nhau hơn 10 hang, giúp mọi người hiểu hơn về hang động và thám hiểm hang động. Thực tế thì HCC cũng đang phát triển thành một câu lạc bộ chuyên nghiệp khi họ tham gia hỗ trợ cho nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, lịch sử, địa chất, du lịch và cứu hộ cũng như lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn hang động. 

Bằng chứng là tháng 12/2021, các thành viên HCC là Văn Mạnh, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Trường Thịnh, Lê Thanh Huyền, Minh Quang cùng những đồng nghiệp như Jungle Boss thực hiện chuyến khảo sát hang Tiên Nữ ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), trước khi họ vẽ sơ đồ hang dài 2.622 m, có độ cao 59 m này. Trước họ vào năm 2006 mới chỉ có đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh khảo sát hang Tiên Nữ. 

Theo Trường Thịnh chia sẻ, nếu đi hết hang chỉ mất khoảng 1 giờ thì để đo đạc chi tiết, họ mất đến 5 giờ và cần ít nhất ba người. Bù lại, HCC trở thành những người đầu tiên vẽ được sơ đồ hang ở Việt Nam và đến nay, họ đã vẽ lại được sơ đồ ba hang, bên cạnh hang Na, huyện Quản Bạ (Hà Giang) và hang Vô Thanh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). 

Người họa sĩ 42 tuổi ưa thích các môn thể thao mạo hiểm này còn cho biết thêm, vẽ lại sơ đồ hang, bên cạnh việc chụp ảnh, quay phim, ghi chú các điểm neo giữ, hạ lều, các đặc điểm bên trong, là một cách để các anh chia sẻ vẻ đẹp của hang động, cũng là để nhóm cứu hộ có thể tiếp cận khi có người gặp nạn và trên hết là giúp mọi người ý thức hơn trong việc bảo tồn hang động, gìn giữ môi trường.

Theo dõi các thành viên HCC tập luyện, rồi nghe họ tâm sự, chia sẻ, tôi chợt nhận ra môn khám phá hang động không còn là cuộc chơi của một cá nhân mà là hoạt động mang tính tập thể cao. Cũng vì thế mà trong thời điểm dịch Covid-19 năm 2021 bùng phát,  gặp được thầy Nghĩa, rồi hai ông Frye và Wiserman, nhóm đã hiểu rõ hơn mục tiêu mà NSS muốn nhóm hướng đến là đào tạo những chuyên gia hang động hàng đầu tại Việt Nam, phục vụ cho mọi công việc liên quan hang động và cứu hộ. 

Và như ông Frye, người bắt đầu khám phá hang động Việt Nam từ năm 2018 và hiện là đại diện của NSS tại Việt Nam, tiết lộ, mùa thu tới, NSS có kế hoạch đưa các chuyên gia cứu hộ hang động từ Ủy ban cứu hộ hang động Mỹ hỗ trợ cho HCC, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam và bất cứ ai, tổ chức nào quan tâm đến cứu hộ hang động. Đồng thời, NSS sẽ phối hợp các nhà thám hiểm hang động Việt Nam tìm kiếm, khám phá những hang động mới, trong khi ông Wiserman sẽ tổ chức và dẫn các đoàn thám hiểm tiếp tục khám phá những hang động mới tại Quảng Bình. Ngoài ra, tiến sĩ Wiserman và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang thảo luận để đưa sinh viên Mỹ tới nghiên cứu tại Vườn quốc gia này.

Buổi tập chỉ gói gọn trong một ngày ở An Tiến đó đã giúp HCC có thêm những thành viên mới ngoài 19 gương mặt cũ nhưng nếu các phượt thủ, những người ưa khám phá, mạo hiểm thường nói rằng “không được để lại gì ngoài những dấu chân” ở nơi họ đến thì với HCC, như Trường Thịnh tâm sự, ngoài dấu chân, họ còn muốn để lại những tấm hình đẹp, những phát hiện mới, một sơ đồ mới ở mỗi hang động mà họ đặt chân tới.