Những băn khoăn trong công tác thực hiện đề án trẻ hóa cán bộ lãnh đạo ở Bình Định

NDO -

NDĐT - Năm 2013, Tỉnh ủy Bình Định có Quyết định số 904-QĐ/TU, ban hành “Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 - 2020” của tỉnh. Đây là bước đột phá trước yêu cầu cấp thiết của công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án có khá nhiều bất cập, lúng túng và không theo đúng nội dung đã phê duyệt.

Những băn khoăn trong công tác thực hiện đề án trẻ hóa cán bộ lãnh đạo ở Bình Định

Đề án có mục tiêu tuyển chọn những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có hệ thống, trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là bước đột phá nhằm thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và tăng tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh.

Theo quy định tại nội dung đề án, để được xem xét bổ nhiệm, cán bộ trẻ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể: phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tập trung (có chuyên ngành phù hợp lĩnh vực lãnh đạo, quản lý) đạt loại khá trở lên; trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp hoặc đang học trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị; ngoại ngữ, tin học đạt trình độ B trở lên; tuổi từ 40 tuổi trở xuống đối với cả cán bộ nam và nữ; có thời gian công tác ít nhất là 5 năm (không kể thời gian tập sự) trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Đảng, chính quyền, đoàn thể (tính từ thời điểm đề cử, bổ nhiệm).

Với nguồn cán bộ tuyển chọn tại chỗ, cán bộ trẻ được bổ nhiệm phải là những người thật sự có năng lực đã được quy hoạch chức danh cấp phó của chính các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương. Mặc khác, theo yêu cầu của đề án, quy trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo phải bảo đảm khách quan, chặt chẽ, thật sự công tâm; chống các biểu hiện cá nhân, cục bộ địa phương và các biểu hiện tiêu cực khác.

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các cơ quan chức năng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định quyết định chọn 11 đơn vị, triển khai thực hiện thí điểm, cụ thể: Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT-DL), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Theo lộ trình tổ chức, đến năm 2015, thí điểm thực hiện tăng thêm một cấp phó trẻ đối với 1/3 số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương. Đến quý II năm 2015, sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện đề án này.

Đến giữa năm 2015, Bình Định đã bổ nhiệm được bảy cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương, gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Công thương, Sở GD-ĐT, Sở Y tế và Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đề án có khá nhiều bất cập, phần lớn cán bộ được bổ nhiệm chưa đáp ứng các điều kiện theo đề án quy định, như: tốt nghiệp đại học không đúng với điều kiện quy định; chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với lĩnh vực lãnh đạo, quản lý; chưa bảo đảm trình độ chính trị theo yêu cầu (có trường hợp được bổ nhiệm trước sau đó mới cử đi học cao cấp chính trị); có trường hợp đã hơn 40 tuổi…

Theo đề án, cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 - 2020 với yêu cầu cụ thể là đào tạo, rèn luyện và thử thách. Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ không làm tăng thêm chỉ tiêu biên chế được giao cho từng cơ quan đơn vị khi thí điểm tăng thêm một chức danh cấp phó cho một số sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương của tỉnh. Toàn bộ nội dung đề án không hề nói đến việc “luân chuyển” các cán bộ trẻ được bổ nhiệm theo đề án vì cán bộ trẻ được tuyển chọn, bổ nhiệm đã được xác định là cán bộ lãnh đạo tăng thêm theo “đề án thí điểm” không tính vào chỉ tiêu biên chế của cơ quan, đơn vị.

Tại khoản 8 của nội dung đề án về phần quản lý, đánh giá cán bộ trẻ được tuyển chọn, ghi rõ: “Trong thời hạn bổ nhiệm hoặc hết thời hạn bổ nhiệm mà cán bộ được bổ nhiệm tăng thêm không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cấp ủy cùng cấp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc cấp có thẩm quyền miễn nhiệm hoặc không bổ nhiệm lại; đồng thời, bố trí công tác khác cho phù hợp với khả năng”. Điều này có thể hiểu, những cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm theo diện này cần phải trải qua quá trình rèn luyện, thử thách, cần phải đánh giá mức độ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian “bổ nhiệm thí điểm”.

Thế nhưng, sau một thời gian được bổ nhiệm thí điểm, bảy cán bộ này, ngoài một người buộc phải hủy bỏ, thu hồi quyết định (ông Nguyễn Đức Hoàng, Sở Ngoại vụ), thì có đến bốn người đã được luân chuyển đến các cơ quan khác (ông Nguyễn Đình Kha từ Phó Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; ông Trần Đình Chương từ Phó Giám đốc Sở TN-MT sang làm Phó Giám đốc Sở KH-CN; ông Phạm Tấn Thành từ Phó Giám đốc Sở Công thương sang làm Viện phó Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội; ông Đặng Văn Phụng từ Phó Giám đốc Sở GD-ĐT sang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh).

Việc “luân chuyển” các cán bộ lãnh đạo được trẻ hóa là điều bất thường vì căn cứ vào đề án để tuyển chọn, bổ nhiệm thí điểm nhưng sau khi bổ nhiệm lại không tiếp tục thực hiện đúng các quy định tại nội dung của đề án! Phải chăng, không cần tổng kết, không cần xem xét khả năng, không cần đánh giá quá trình công tác, mục đích của việc “luân chuyển” này là để hợp lý hóa những trường hợp “không đủ điều kiện” vẫn được tuyển chọn bổ nhiệm theo đề án thí điểm trước đây?!

Những cán bộ lãnh đạo trẻ được tuyển chọn, bổ nhiệm cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể theo Đề án 904 của tỉnh Bình Định trong các năm 2014, 2015 đã không được thực hiện đúng theo nội dung đề án đã được phê duyệt. Phần lớn các cán bộ lãnh đạo trẻ được bổ nhiệm chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện của đề án đặt ra.

Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng ở Bình Định đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 25-2-2019, Ban Chấp hành T.Ư có Quy định số 179-QĐ/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ đã yêu cầu phải kiểm tra việc bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ khi bổ nhiệm. Tuy nhiên, đến nay, Bình Định vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, đúng theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư đối với các trường hợp bổ nhiệm sai quy định tại đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ.