Nhiều khó khăn trong việc cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn ở Ninh Thuận

NDO -

NDĐT - Ngày 24-9, Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, nắm bắt tình hình thực hiện công tác cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2019 và dự kiến kế hoạch triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Trẻ em dân tộc thiểu số Ra Glai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đưa đến tận nhà.
Trẻ em dân tộc thiểu số Ra Glai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch đưa đến tận nhà.

Ninh Thuận hiện có 28 xã miền núi và 21 xã đặc biệt khó khăn (chiếm gần 35% số xã trong tỉnh); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới chiếm 8,34%. Toàn tỉnh có sáu huyện: Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái và TP Phan Rang- Tháp Chàm; dân số 590.467 người, số dân ở vùng nông thôn gần 486.030 người. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.640 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 39,7 triệu đồng/năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Phan Quang Thựu, đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt ước đạt 94%, trong đó tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn khoảng 71%. Những năm qua, tỉnh ưu tiên xây dựng các hệ thống cấp nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nhờ đó nhiều vùng khó khăn nói trên người dân đã được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Công tác vệ sinh môi trường cũng có nhiều chuyển biến. Nhận thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường được nâng cao. Nhiều vùng đồng bào dân tộc đã xây dựng được hố xí hợp vệ sinh, cách ly giữa gia súc, gia cầm, vật nuôi với con người.

Ninh Thuận đã xây dựng và nâng cấp mở rộng 40 hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó hoạt động bền vững là 26/40 công trình, hoạt động bình thường là 14/40 công trình, với tổng kinh phí nhà nước đầu tư hơn 700 tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 455.600 người dân nông thôn.

Đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, đang quản lý hầu hết hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, năm 2019, dự kiến doanh thu tiền nước là hơn 42 tỷ đồng và lắp đặt đồng hồ đạt hơn 4 tỷ đồng, đáp ứng cho công tác quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ nhà nước không phải cấp bù.

Bên cạnh đó, địa phương đã có nhiều cố giắng trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Đến hết năm 2019, tỷ lệ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt 75%. Số hộ dân nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 38%. Tỉnh đang thiếu nhiều nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu này.

Phó Giám đốc Sở Y tế Mai Thị Phương Ngọc cho biết, năm 2019, 49/49 trạm y tế xã có nhà vệ sinh; 181/219 trường học có công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn theo Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12-5-2016 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt, cho nên nguồn nước vô cùng khan hiếm, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; những hủ tục, tập quán trong vùng đồng bào cũng ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Một số công trình xây dựng trước đây đã xuống cấp, hạn hán gay gắt đã khiến cho một số hệ thống cấp nước có nguy cơ thiếu nước nguồn, cần phải tìm nguồn nước khác bổ sung. Một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận với nước sạch do thiếu vốn xây dựng công trình. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 100% dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó 90% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, Ninh Thuận rất cần có nguồn kinh phí lớn, nhất là sự hỗ trợ của Trung ương và các nhà tài trợ.

Theo dự kiến kế hoạch quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng 20 công trình cấp nước trên địa bàn các huyện với tổng kinh phí 195 tỷ đồng;

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận Lê Bá Phương cho biết, toàn ngành cần xây mới 130 công trình và nâng cấp 133 nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn. Dự kiến nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 hơn 60 tỷ đồng…

Từ năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận tập trung phát huy tối đa việc đầu tư xây dựng công trình tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nước từ các hệ thống cấp nước sinh hoạt sẵn có; nâng cấp hệ thống cấp nước, bảo đảm chất lượng nước và cấp nước đến tận hộ gia đình để thuận tiện việc quản lý và thu tiền sử dụng nước. Kết hợp các công trình thủy lợi với các công trình cấp nước sinh hoạt, tận dụng triệt để các nguồn nước tự chảy để giảm giá thành công trình cấp nước. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, vận động để tận dụng nguồn vốn các Chương trình, các nhà tài trợ... vì thực tế, nhiều vùng không có nguồn nước phải dẫn xa hàng chục km và từ hai đến ba cấp bơm, nước phải qua nhiều khâu xử lý do đó suất đầu tư cao. Do đó, địa phương mong muốn được tiếp tục thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, việc giải ngân từ các nguồn vốn vay ODA, WB... và vay lại vốn từ nguồn của tỉnh vay của Trung ương để thực hiện chương trình rất chậm, Phó Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận Phạm Thị Minh Thư cho biết, nguyên nhân là do một phần địa phương thiếu vốn đối ứng, nên tỷ lệ vay vốn của các nguồn vốn vay có quy ước về tỷ lệ vốn đối ứng thường giải ngân rất thấp (tùy theo vốn đối ứng của địa phương, phía vay giải ngân tương xứng với tỷ lệ theo quy ước). Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm đấu nối của Đoàn kiểm toán Nhà nước rất chậm, tỉnh thường nhận nguồn vốn giải ngân vào cuối năm, nên rất vất vả trong việc chi trả đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Bá Phương, phản ánh, việc chậm kiểm đếm sẽ gây lãng phí trong việc sử dụng công trình. Trong thời gian qua, có nhiều trường đã xây dựng xong các công trình nước sạch, nhà vệ sinh trong trường học, nhưng do chưa được kiểm đếm, nên chưa bàn giao đưa vào sử dụng, có công trình xây dựng xong vẫn khóa cửa để đó đợi gần một năm sau mới kiểm đếm, khiến cho nhiều công trình bị hỏng, mất trang thiết bị... dẫn dến phát sinh kinh phí tu bổ, sửa chữa.

Lý giải về giải ngân nguồn vốn vay chậm và ít của Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, bà Nguyễn Hiền Minh, Chuyên gia tư vấn Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu trong năm 2019, nguồn vốn ODA để cho địa phương vay là 17 tỷ đồng, nhưng địa phương không có vốn đối ứng thì mặc nhiên phía cho vay sẽ khó giải ngân vì phải tuân thủ quy ước. Do đó, địa phương nên cân nhắc và tuân thủ đúng việc chi vốn đối ứng, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc vay được vốn đề đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam, tỉnh rất khó khăn, nhưng luôn xác định việc đầu tư cho vệ sinh nước sạch nông thôn hoàn toàn bằng vốn ngân sách Nhà nước, sau năm 2020, nếu có thực hiện cổ phần hóa, thì Nhà nước vẫn phải nắm phần chủ trì, vì đây là mục tiêu chiến lược để Nhà nước điều hành về nhiệm vụ chính trị trong việc cấp nước sạch cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, không đặt lợi ích cổ phần hóa lên trên mục tiêu phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân, vì ¾ diện tích tự nhiên tại Ninh Thuận là vùng sâu, vùng xa. Do đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ vốn cho Ninh Thuận phát triển chương trình.

Phó vụ trưởng Vụ Nguồn nước và Nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) Hoàng Anh Tuấn, đã ghi nhận những khó khăn của Ninh Thuận trong công tác nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2019 và dự kiến kế hoạch triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, đoàn công tác sẽ báo cáo Bộ để có hướng quan tâm, giúp cho tỉnh đạt được mục tiêu đề ra, vì Ninh Thuận là một trong 21 tỉnh thực hiện chương trình vay vốn Ngân hàng Thế giới để triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, nếu không có được nguồn lực tương xứng, Ninh Thuận sẽ vô cùng khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra.