Nhiều hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

NDO -

Bên cạnh những sai phạm trong việc quản lý và sử dụng kit test liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã và đang được các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý theo quy định, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế khác trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.

Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố công khai các báo cáo kết quả kiểm toán. (Ảnh: NGỌC THẮNG)
Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố công khai các báo cáo kết quả kiểm toán. (Ảnh: NGỌC THẮNG)

Ngày 1/7, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán chuyên đề việc huy động quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ (kiểm toán chuyên đề).

Đã chi 351.177 tỷ đồng phòng, chống dịch

Ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 cho biết, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tính đến ngày 31/12/2021 là 376.217 tỷ đồng; trong đó, đến cuối năm 2021 đã phân bổ, sử dụng 351.177 tỷ đồng. Về cơ bản, nguồn lực toàn xã hội (chủ đạo là nguồn lực nhà nước) đã được phân bổ, các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ các địa phương 142.017 tấn gạo. “Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ bản phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động gây sốc, tiêu cực của đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội...”, ông Lê Tùng Lâm nhấn mạnh.

Kết quả kiểm toán chuyên đề chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác huy động, phân bổ nguồn lực; quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm khác; việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền; thu dịch vụ xét nghiệm và các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, từ năm 2020-2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, trong đó có một số đơn vị được kiểm toán mua kit test từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á giá trị hơn 2.161 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Có tình trạng mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị. Tháng 4/2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, qua kiểm toán cho thấy có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng, kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy; một số đơn vị chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… còn hạn chế. Về chi cho công tác phòng, chống dịch, có tình trạng chi trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định nhưng lại chưa chi trả kịp thời kinh phí cho nhiều đối tượng.

Nhiều hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 -0 Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: NGỌC THẮNG)

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, việc quản lý các nguồn huy động chưa đầy đủ, chặt chẽ, sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch chưa kịp thời. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa phân phối, sử dụng kịp thời các khoản hỗ trợ dẫn đến tồn quỹ cuối năm lớn (chiếm 35% kinh phí huy động). Một số Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chưa nộp kịp thời nguồn huy động về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh... Tình trạng thu dịch vụ xét nghiệm cao hơn giá quy định cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra: Một số cơ sở y tế thu cao hơn mức quy định số tiền 58,7 tỷ đồng, giá kit test có biến động rất lớn trong nhiều thời điểm chống dịch, có lúc được thu từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kit test; thu dịch vụ xét nghiệm không đúng đối tượng quy định 15,3 tỷ đồng; thu của người bệnh các chi phí sẽ được ngân sách nhà nước quyết toán liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm 3 tỷ đồng...

Các chính sách hỗ trợ còn chậm

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời, sát thực tiễn, chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh nên chưa bao quát và theo kịp với diễn biến dịch… gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ thuế còn thấp so dự kiến. Tổng số tiền gia hạn, giảm thu từ các gói hỗ trợ chính sách thuế năm 2020 chỉ bằng 9,2% số dự kiến gia hạn, giảm thu; năm 2021 chỉ bằng 5,6% dự kiến.

Đến cuối năm 2021, có 48 trong số 100 tổ chức tín dụng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, 52 trong số 100 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện miễn, giảm lãi phí giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách còn một số hạn chế, chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn tới khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách và tiềm ẩn rủi ro đối với khách hàng trong việc tiếp cận chính sách. Mức giảm của lãi suất cho vay bình quân chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân trong năm 2020, dẫn đến biên độ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao trong năm 2020 và 2021; các tổ chức tín dụng chưa chủ động giảm lãi suất cho vay ở mức tương ứng với mức giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được vay vốn với chi phí hợp lý.

Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế, gói hỗ trợ Nghị quyết số 42/NQ-CP chỉ giải ngân được 14.023 tỷ đồng, đạt 22,77% so với tổng kinh phí dự kiến 61.580 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và các văn bản có liên quan cũng đạt kết quả thấp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, qua kết quả kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.400 tỷ đồng, xử lý khác hơn 3.300 nghìn tỷ đồng. Đồng thời đưa ra các kiến nghị xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định trong việc thu sai đối tượng, giá dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định; các khoản chi không đúng quy định, sai chế độ… và các giải pháp kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, lao động, ngân hàng trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.