Nhiều địa phương kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

NDO -

Tỉnh Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu vừa có quyết định kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14-15 ngày. Tỉnh Bình Định kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 15 ngày.

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra một trường hợp ra đường không thật sự cần thiết.
Lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra một trường hợp ra đường không thật sự cần thiết.

Sáng 31/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn địa bàn tỉnh thêm 15 ngày; yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 2/8.

Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo 1 trong 3 phương án, đó là: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và linh động cùng lúc 2 phương án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành, thực hiện của các doanh nghiệp.

Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày -0
 Chốt kiểm tra khu vực phong tỏa tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, áp dụng từ 15 giờ ngày 2/8. Cùng với đó, tiếp tục dừng các cơ sở, hộ kinh doanh đồ ăn thức uống, kể cả mua hàng mang về cho đến khi có thông báo mới.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương huy động tất cả mọi nguồn lực, phân công đúng người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 9/7, tỉnh Đồng Nai áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16. Sau đó, địa phương này tiếp tục quyết định kéo dài giãn cách đến hết ngày 1/8.

An Giang giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trong tỉnh diễn biến rất phức tạp, UBND tỉnh An Giang đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Chiều 31/7, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 trên phạm vi toàn tỉnh thêm 14 ngày, đến hết ngày 15/8.

Sau đó, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho phù hợp.

Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày -0
 TP Châu Đốc kiểm tra lưu động các trường hợp lưu thông trên đường phố.

Tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông) từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, trừ trường hợp thật cần thiết như cấp cứu, công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc tại cơ quan dưới 50%, người ở nhà phải làm việc trực tuyến và không tự ý ra ngoài khi không thật sự cần thiết; không áp dụng quy định này đối với các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm ấp cách ly với khóm ấp, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện.

Đồng thời, có kế hoạch chăm lo công tác an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là khẩn trương triển khai các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐT-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh “vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng” chấp hành và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát tốt, ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Giãn cách xã hội toàn tỉnh Bình Định theo Chỉ thị 15/

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và có bổ sung một số biện pháp của tỉnh

Ngày 31/7, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp báo, thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh phía nam và khu vực Duyên hải miền trung đang có những diễn biến hết sức phức tạp, với chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm.

Những ngày gần đây, tỉnh Bình Định liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới từ các tỉnh phía nam về và ngoài cộng đồng, trong đó có nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và có bổ sung một số biện pháp của tỉnh (trừ thị xã An Nhơn và một số địa phương thực hiện theo các Quyết định của UBND tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ).

Theo đó, thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 1/8/2021 trên phạm vi toàn tỉnh Bình Định. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 15 người trong một phòng; không tụ tập từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng...

Nhiều địa phương kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 -0
Bình Định đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine Covid-19.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra đường sau 21 giờ hằng ngày nếu không có lý do chính đáng. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 15 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Tiếp tục dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép bán mang đi, không được bán tại chỗ và phải đóng cửa từ sau 21 giờ hàng ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu người dân hạn chế việc di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch và ngược lại, trừ việc đưa người dân về tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp tục tạm dừng và tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Vận động người dân không tổ chức đám cưới; trường hợp phải tổ chức đám cưới thì không quá 20 người; tổ chức đám tang không quá 40 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phi Long cũng đề nghị mỗi người dân trong tỉnh bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh. “Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ; vì vậy, nhân dân không cần thiết phải tích trữ hàng hóa”, ông Nguyễn Phi Long nói.

Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” nhằm tiếp tục duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Tỉnh Bình Định cũng đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy của tỉnh đặt tại trụ sở UBND tỉnh Bình Định (Số 01 Trần Phú, thành phố Quy Nhơn) để trực tiếp chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7 và chế độ thông tin, báo cáo. Sở Chỉ huy của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo toàn diện; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành theo khối, lĩnh vực và các nhiệm vụ được phân công.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong những ngày gần đây, đã có trên 16.000 người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tự túc phương tiện hoặc thuê xe dịch vụ để trở về địa phương. Trong số này, có rất nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 15 giờ ngày 31/8, Bình Định đã ghi nhận 181 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có nhiều trường hợp ghi nhận trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây tại các ổ dịch như xã Cát Tường (huyện Phù Cát), xã Nhơn Phong, phường Đập Đá (thị xã An Nhơn)...

Do đó, từ 6 giờ ngày 1/8/2021, Bình Định quyết định tạm thời dừng tiếp nhận công dân Bình Định tự ý, tự phát trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những công dân Bình Định có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, UBND tỉnh sẽ phối hợp Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam xây dựng kế hoạch đón công dân Bình Định về tỉnh bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bạc Liêu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, ngày 31/7 đã ký quyết định số 1237/QĐ-UBND về việc kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra,  thời gian áp dụng kéo dài bảy ngày, kể từ 0 giờ ngày 2/8.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành.

Nhiều địa phương kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 -0
 Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu những ngày qua rất nỗ lực kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch. (Ảnh: TRỌNG DUY)

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Tỉnh Bạc Liêu trước đó đã thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 0 giờ ngày 19/7/2021.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, đến ngày 31/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 76 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, số người đang cách ly tập trung 1.724 người, 3.282 trường hợp đang cách ly tại nhà.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam