Vì bình yên cuộc sống

Nhận diện tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp

Ở Việt Nam hiện nay, hậu quả về hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp gây ra trong đời sống xã hội là hết sức nặng nề.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Khác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, tội phạm về lừa đảo trong kinh doanh đa cấp chưa được các cấp nghiên cứu sâu dưới góc độ khoa học hình sự và tội phạm học. Bộ luật Hình sự năm 2015 mặc dù đã quy định về hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp song cũng mới chỉ nêu tại điểm d, khoản 1, Ðiều 290. Trên thực tế, các cơ quan tố tụng lại thường vận dụng Ðiều 139 hoặc Ðiều 226b của Bộ luật Hình sự năm 2009 để xử lý các vụ án có hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp.

Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân hứa hẹn trả cho các nhà đầu tư tiền lãi, tiền thưởng hay hoa hồng với số tiền rất cao so với tiền gốc ban đầu bỏ ra. Hoạt động thu hút tài chính theo kiểu đa cấp vào các dự án bất động sản, dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, spa, hàng tiêu dùng, tiền ảo, sản phẩm thông tin số... đang diễn ra trên khắp tỉnh, thành phố và có tính chất phức tạp.

Trên thực tế, các dự án hay sản phẩm, dịch vụ đều là vỏ bọc (bề nổi) che đậy hoạt động huy động tiền của các nhà đầu tư. Bản chất vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước trong cùng một hệ thống. Ðể lấy lại được vốn ban đầu và được hưởng lợi nhuận, người tham gia phải tìm kiếm, lôi kéo thêm những người mới trở thành thành viên cấp dưới để đóng tiền cho họ. Ðến khi không còn nhà đầu tư nào đóng tiền, mạng lưới sụp đổ và người tham gia trước đó sẽ mất hết số tiền đã đầu tư. Cụ thể năm 2017, Công ty CP Việt Nam Toàn Cầu (tại tầng 7 tòa nhà Nam Cường, đường Tố Hữu kéo dài, Hà Nội) xảy ra việc người dân kéo đến đòi tiền và tố cáo công ty chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng của 300 nhà đầu tư từ bắc vào nam, thông qua đồng tiền ảo Bitcoin. Ðầu năm 2018, Công ty Modem Tech (có trụ sở tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng bị người dân tố cáo chiếm đoạt 15 nghìn tỷ đồng của hơn 32 nghìn nhà đầu tư, thông qua việc kinh doanh đồng tiền ảo Ifan.

Phải khẳng định hoạt động kinh doanh đa cấp không có mục tiêu thúc đẩy thật sự, nên để tạo lòng tin và đánh vào tính hám lợi của con người nhằm lôi kéo người dân tham gia, các doanh nghiệp đa cấp thường cung cấp những thông tin sai sự thật về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đã và sẽ tham gia vào hệ thống được hưởng rằng, không cần làm cũng có một số tiền lớn. Ngoài việc huy động tiền, các doanh nghiệp đa cấp còn dùng chiêu trò dồn hàng, ép người tham gia mua sản phẩm giá trị thấp và giá trị sử dụng không có thực (tiền ảo, hàng ảo...) và chế độ trả thưởng theo công thức nhị phân hoặc quy đổi thẻ mua sắm hàng hóa A1, thẻ giảm giá ăn uống, thẻ khuyến mại tại spa… nhưng chỉ sử dụng trong cùng mạng lưới với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường. Thủ đoạn này khá tinh vi, ép buộc người tham gia phải mua với số lượng lớn sản phẩm với giá rất cao thì mới được tham gia vào hệ thống kinh doanh. Khi sản phẩm bán ra với giá quá cao, đương nhiên người tham gia không thể bán lại sản phẩm ở thị trường bán lẻ truyền thống. Và khi người tham gia muốn trả lại sản phẩm thì các doanh nghiệp đa cấp sẽ không mua lại sản phẩm đã bán theo thỏa thuận ban đầu đã cam kết giữa hai bên. Các doanh nghiệp đa cấp sẽ hưởng số tiền chênh lệch giữa sản phẩm mua vào và bán ra.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể hiểu, mô hình này hoạt động theo cấu trúc "kim tự tháp", những người ở trên đỉnh tháp (tức tầng lớp trên cao) sẽ nắm giữ tất cả số tiền của các thành viên mới đóng vào hệ thống sau khi chi trả các khoản phí thù lao cho nhánh dưới theo cam kết, phí vận hành mạng lưới. Tội phạm trong kinh doanh đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Và tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp theo kiểu cấu trúc "kim tự tháp" là hành vi bị cấm trong kinh doanh đa cấp. Thể hiện rõ nhất tại khoản 10 Ðiều 3 Nghị định số 42/2014/NÐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ quy định về việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp "Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia có được chủ yếu từ: việc tuyển người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới" và tại điểm q, Ðiều 5.1, Nghị định đã quy định kinh doanh theo cấu trúc "kim tự tháp" là hành vi bị cấm.

Chúng ta nên nhìn nhận đúng loại hình kinh doanh đa cấp trong xã hội hiện nay. Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp theo kiểu truyền thống (kinh doanh đa cấp chân chính) khác với kinh doanh đa cấp theo cấu trúc "kim tự tháp" mà chúng ta đang nghiêm cấm. Trong kinh doanh đa cấp chân chính, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng từ kết quả bán lẻ sản phẩm của mình hoặc của mạng lưới cấp dưới (đại lý) do mình xây dựng lên. Thí dụ như trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ hiện nay tại Việt Nam, có rất nhiều công ty bảo hiểm nhưng vì sao các công ty vẫn phát triển là do trong phương thức kinh doanh có sự khác biệt với kinh doanh theo cấu trúc "kim tự tháp", vì sản phẩm có thực và cụ thể.

Trong kinh doanh đa cấp theo cấu trúc "kim tự tháp", sự chênh lệch ở doanh số càng lớn thì tiền hoa hồng của người tham gia bị chiếm càng nhiều. Ðây cũng là một trong những lý do mà pháp luật nhiều nước trên thế giới nghiêm cấm chứ không chỉ ở Việt Nam, vì nó thúc đẩy người tham gia tích cực dụ dỗ, lôi kéo thêm nhiều người khác bỏ tiền đóng vào. Nó không thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, đi ngược với bản chất kinh doanh bán lẻ trực tiếp là hàng hóa phải đến tay người tiêu dùng.

Ðặc điểm pháp lý của tội phạm kinh doanh đa cấp này là quyền sở hữu về tài sản. Ðối tượng của tội phạm này chủ yếu là tiền, tài sản của người tham gia. Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội luôn có trước hành vi chiếm đoạt. Và thủ đoạn gian dối có trước hành vi chiếm đoạt. Mục tiêu của nó là để chiếm đoạt được tài sản của mạng lưới người tham gia, do nó không dựa trên hoạt động bán lẻ hàng hóa thật sự và diễn ra liên tục, song hành với thủ đoạn gian dối.

Việc nghiên cứu tính pháp lý của tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp còn có ý nghĩa trong công tác áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm, tiến hành các hoạt động phòng ngừa, chủ động kiện toàn chính sách pháp luật về cách quản lý trong kinh doanh đa cấp, khắc phục những lỗ hổng thiếu sót về khung khổ pháp luật, không để tội phạm lợi dụng gây án. Ðồng thời góp phần tăng cường nhận thức cộng đồng, giúp người dân nhận diện sớm các biểu hiện kinh doanh đa cấp lừa đảo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để tội phạm xảy ra và tái diễn, và không có ngoại lệ đối với người nước ngoài nếu có hành vi lừa đảo trong kinh doanh đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam.