Nguy cơ mất an toàn từ các hồ chứa nước bị xuống cấp ở Hòa Bình

NDO -

NDĐT - Theo thống kê, hiện nay Hòa Bình là một trong những địa phương có nhiều hồ chứa nhất cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa nước đều được xây dựng từ lâu nên nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hồ Lầy xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đang bị xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa.
Hồ Lầy xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đang bị xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Hòa Bình Trần Kim Phàn cho biết, hiện nay trên địa bàn có 514 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 33 hồ lớn, còn lại là 481 đập vừa, nhỏ. Các hồ chứa thủy lợi này phục vụ tưới cho khoảng 15 nghìn đến 16 nghìn ha lúa trên địa bàn. Theo UBND tỉnh, qua kiểm tra 33 hồ đập lớn, trong đó hai đập có dung tích hồ hơn ba triệu m3 (hồ Trọng, huyện Tân Lạc và hồ Đầm Bài, huyện Kỳ Sơn) và 31 đập có dung tích nhỏ hơn ba triệu m3 nhưng có chiều cao từ 15m trở lên. Theo đó, đã có 24 công trình được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm năng lực chống lũ và an toàn, không xuất hiện những hư hỏng ở thân đập; còn chín công trình hư hỏng nặng cần được sửa chữa để bảo đảm an toàn. Trong số 481 đập vừa, nhỏ thì có 17 công trình hồ chứa đang thi công, sửa chữa và 65 công trình bị hư hỏng nặng cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để bảo đảm an toàn.

Cũng theo UBND tỉnh Hòa Bình, hiện nay trên địa bàn có năm nhà máy thủy điện nhỏ đang vận hành phát điện tại các huyện Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc và Lạc Sơn với tổng công suất là 13,55 MW. Các đập đều hoàn thành nghiệm thu phát điện từ năm 2011 trở về trước. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá năm đập của các hồ thủy điện này các chủ đập vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý an toàn hồ đập.

Hồ Lầy là hồ chứa nước phục vụ tưới cho 50 ha đất sản xuất của ba xóm Má 1, Má 2 và Cao Phong Tiến Lâm, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Tuy nhiên, hiện nay hồ chứa này đã bị xuống cấp, rò rỉ dưới hạ lưu đập, thân tràn bị hư hỏng nặng, biến dạng mái đập, cống hư hỏng không điều tiết được, tràn đất.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư xã Bắc Phong Triệu Minh Thông cho biết, hồ Lầy được xây dựng những năm 1976-1977 với dung tích thiết kế khoảng tám vạn m3. Hiện nay, hồ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nước thấm qua đập nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân cũng như 50 ha đất sản xuất. Ngoài ra, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn cho thấy, nhiều công trình bị hư hỏng như thân đập thấm nhiều vị trí, cống điều tiết hư hỏng gây thấm chảy lớn qua mang cống; đập đất thấm lớn dọc theo thân đập, đá lát mái thượng lưu bị tụt; rò rỉ dưới hạ lưu đập, cống hư hỏng hoàn toàn không điều tiết được, đường tràn bị hư hỏng, tràn đất, mặt đập lún, thân đập bị xói mòn, sạt trượt và bị nứt, cống tắc, hạ lưu bị xói mòn làm biến dạng công trình, hệ thống máy điều tiết bị xuống cấp nghiêm trọng, nứt tường, nước thấm hai bên tường, tràn xả, lòng hồ bị bồi lấp, sập cống, đầu cống tưới dưới đập bị rò rỉ nên không tích được nước, nhà trạm bị hư hỏng, thấm dột, ống bơm bị han rỉ, thủng, động cơ bị cháy chập... Trong đó có bai Đồng Chóng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, thân bai bị xoáy khoét, sạt lở 2/3 và phá hủy toàn bộ sân tiêu năng; hồ Khoang Bưởi, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn chân mái thượng lưu xói lở hàm ếch dài 50m, rộng 6m, cao 2,4m; hồ Pu Ông, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, cống, tràn bị hư hỏng toàn bộ, lòng hồ bị bồi lắng nhiều, chưa có kênh tưới (đang sử dụng dẫn nước qua khe cạn); hồ Nam Thượng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, đập đất xuống cấp nghiêm trọng, vai đập xuất hiện vùng thấm lớn, cửa cống lấy nước bị bồi lắng nhiều, cống điều tiết bị hư hỏng nặng...

Đặc biệt, qua kết quả kiểm tra đánh giá an toàn thông qua số liệu quan trắc thì hiện nay tất cả các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều không có hồ sơ quan trắc công trình và ghi chép số liệu quan trắc đầy đủ theo quy định, không có lắp đặt thiết bị quan trắc. Bên cạnh đó, theo quy định, các đập thủy lợi có dung tích chứa dưới mười triệu m3 định kỳ bảy năm chủ đập phải tổ chức tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa; kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, trên cơ sở cập nhật tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn và các thay đổi về địa hình, địa mạo, độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực hồ chứa, lập hồ sơ báo cáo trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, trừ hồ thủy điện Hòa Bình còn lại 100% các hồ chứa đều không có tràn điều tiết mà đều là hồ có tràn chảy tự do không có cửa van. Do đó, đối với các hồ chứa trên, các đơn vị quản lý tự lập quy trình vận hành, điều tiết nước để phục vụ tưới là chính, không có điều tiết cắt lũ. Nhưng hiện nay, các đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh do chủ đập chưa bố trí được nguồn kinh phí nên đều chưa thực hiện kiểm định an toàn đập.

Điều đáng nói là các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Ngoài các công trình mới được đầu tư sửa chữa nâng cấp, các công trình còn lại đều đã quá thời hạn kiểm định nên số lượng công trình đập cần kiểm định chất lượng an toàn nhiều dẫn đến cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện kiểm định. Hơn nữa, các chủ đập chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý an toàn hồ đập, như chưa thực hiện đăng ký an toàn đập; lập phương án phòng, chống lũ cho vùng hạ du; phương án bảo vệ đập; phương án phòng, chống lụt bão cho công trình đầu mối; kiểm định an toàn đập; chưa cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ đập; chưa có kinh phí để thực hiện kiểm định an toàn đập... Bên cạnh đó cũng còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn thủy lợi để quản lý khai thác công trình; thiếu kinh phí để duy tu sửa chữa thường xuyên nên dẫn đến các công trình xuống cấp nghiêm trọng; việc mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ vận hành ở cơ sở còn gặp khó khăn; tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ công trình còn nhiều; thiếu chế tài xử phạt dẫn đến việc thiếu trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý, khai thác công trình. Cũng theo ông Trần Kim Phàn nguyên nhân nữa dẫn đến việc các hồ chứa nước trên địa bàn bị xuống cấp là do ảnh hưởng của thời tiết, phong hóa vật chất, vật liệu xây dựng, tác động của con người, động vật. Bên cạnh đó là việc thiếu kinh phí để duy tuy, bảo dưỡng thường xuyên...

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch kiểm định an toàn đập đối với các công trình có dung tích từ 500 nghìn m3 hoặc đập cao từ 12m trở lên với tổng kinh phí cho công tác kiểm định an toàn đập dự kiến là 5.180 triệu đồng. Trong đó, giai đoạn 2013-2015, kế hoạch là 16 công trình, chi phí kiểm định 1.400 triệu đồng, giai đoạn 2015-2020 với 46 công trình, chi phí kiểm định là 3.780 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, khai thác công trình theo hướng có sự tham gia của người hưởng lợi; cần có quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã trong việc quản lý và khai thác công trình; tăng cường đào tạo nâng cao nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ cho lực lượng quản lý khai thác công trình.