Người dân vùng “chảo lửa, túi mưa” đoàn kết vượt qua gian khó

NDO -

Trải qua những giai đoạn khó khăn do tác động của sự cố môi trường biển, thiên tai lũ lụt, đại dịch Covid-19, người dân Hà Tĩnh vẫn nắm chặt tay nhau cùng chia ngọt, sẻ bùi. Chính sự đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng chia sẻ yêu thương đã giúp Hà Tĩnh vượt qua gian khó, từng bước vươn lên.

Trong đại dịch Covid-19, gần 5.000 người dân Hà Tĩnh đã được đưa đón, đùm bọc về quê an toàn.
Trong đại dịch Covid-19, gần 5.000 người dân Hà Tĩnh đã được đưa đón, đùm bọc về quê an toàn.

Có tận mắt chứng kiến những mất mát, gian khổ mà người dân vùng “rốn lũ”, “tâm bão” phải gánh chịu; được nếm trải những nghĩa cử, niềm vui và cả những giọt nước mắt sẻ chia trên vùng đất khó, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn và thêm trân quý nghĩa tình đoàn kết người dân nơi đây.  

Rằng qua cơn hoạn nạn, mới  hiểu tận lòng nhau

Khác với những năm về trước, thay vì phải tìm bóng cây râm mát để trú ẩn, tránh nắng, thì nay gia đình ông Nguyễn Văn Dụ ở thôn 6 xã Hà Linh (Hương Khê) vẫn sinh hoạt bình thường dưới tiết trời tháng 6. Mở cửa đón chúng tôi vào nhà, ông Dụ nở nụ cười tươi, phấn khởi trên khuôn mặt đầy lam lũ.

Không vui sao được, bởi dù đã chuyên cần lao động, sản xuất, nhưng cứ sau mỗi mùa mưa lũ, vườn tược, vật nuôi, rồi của cải để dành của người nông dân lần lượt tuôn theo dòng nước. Mơ ước về một ngôi nhà mới kiên cố để ổn định cuộc sống luôn là khát vọng bao đời nay của người dân nơi đây.

Chỉ tay lên khung trần nhà làm bằng gỗ xoan được phủ phía dưới mái ngói đỏ tươi, ông Dụ chia sẻ: Bước sang tuổi 73, vợ chồng tôi mới tận hưởng được cảm giác an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Nếu không nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi sẽ không đủ nguồn lực và quyết tâm để gây dựng ngôi nhà mới. Ngoài số tiền hỗ trợ 70 triệu đồng và số tiền tích góp ít ỏi của gia đình, chúng tôi mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè để xây dựng ngôi nhà cấp 4 kiên cố, rộng hơn 60m2 này.

“Nhà được xây cao ráo, mùa hè thoáng mát, mùa mưa bão có chạn (gác) để tránh lũ. Cảm ơn nhà nước đã mang đến cuộc sống ổn định cho chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Dụ chia sẻ.

Niềm vui trong ngôi nhà mới của ông Nguyễn Văn Dụ là tâm trạng chung của hơn 3.500 gia đình người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai với tổng mức hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân khẳng định: Sự chung tay sẻ chia kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền đã tiếp thêm động lực, niềm tin, để gia đình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài số tiền hỗ trợ theo định mức, các tổ chức đoàn thể tại một số địa phương còn huy động đoàn viên, hội viên hỗ trợ ngày công, vật liệu để các gia đình có những ngôi nhà khang trang hơn.

Người dân vùng “chảo lửa, túi mưa” đoàn kết vượt qua gian khó -0
 Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, ông Nguyễn Văn Dụ ở thôn 6, xã Hà Linh (Hương Khê) đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, thoáng đãng.

Được biết, song hành với nhiệm vụ hỗ trợ người dân “an cư, lập nghiệp”, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Hà Tĩnh còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tiếp sức học sinh nghèo đến trường, lan tỏa giá trị nhân văn trên đất học Hồng Lam như: Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học, Quỹ Khuyến học Nguyễn Du, Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam và hàng nghìn quỹ khuyến học của các dòng họ, các cộng đồng dân cư…, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay.

Theo chia sẻ của đồng chí Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bất kể giai đoạn, thời kỳ nào người Hà Tĩnh cũng phát huy tốt truyền thống văn hóa yêu thương, đùm bọc nhau, kể cả trong thời điểm khó khăn, cam go, sức mạnh đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà khi đối mặt với những hiểm nguy từ dịch Covid-19, chính quyền và người dân vẫn bình tĩnh, chủ động và linh hoạt thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Quả thật, “Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau”, sau khi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, người dân Hà Tĩnh lại hướng vào nam, nơi đồng bào, người thân đang đối mặt với nhiều gian khó khi đại dịch Covid-19 bùng phát ra diện rộng. Ngay tức thì, hơn 1.300 tấn lương thực đã được người làng trên xóm dưới quyên góp, tập hợp gửi vào nam tiếp sức người dân vùng dịch vượt khó. Ngoài việc tổ chức các chuyến bay, tàu hỏa, ô-tô đón gần 5 nghìn công dân là thai phụ, học sinh, người lao động về quê, tỉnh Hà Tĩnh còn cử các đoàn cán bộ y tế hỗ trợ tỉnh Nghệ An và Bình Dương chống dịch nhằm giảm tải áp lực và chia lửa cho tuyến đầu “đánh” dịch.

Đoàn kết để thành công

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng nhấn mạnh: Phát huy dân chủ kết hợp phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tạo thành sức mạnh đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, vừa là cách thức vừa là sợi dây xuyên suốt để Hà Tĩnh sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước.

Để có được sự đoàn kết, thống nhất cao, thời gian qua, cùng với việc quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, quy định nêu gương…, Ban Chấp hành Tỉnh ủy đã ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, quy chế phân cấp quản lý cán bộ, chương trình hành động toàn khóa, Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp… nhằm thường xuyên củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất thực hiện dân chủ trong Đảng, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, nếu không có sự đoàn kết, đồng thuận cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền thì Hà Tĩnh sẽ không thể thực hiện thành công việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho 1.242 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập xã trong một thời gian ngắn. Câu chuyện đặt tên đơn vị hành chính mới gắn với việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ tại 34 xã mới trên cơ sở 80 xã cũ là một trong những minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh đoàn kết trong đảng, đồng thuận cao trong nhân dân trong quá trình thực hiện phương châm Đảng cử, dân tin.  

Nhận định về thời cơ, thuận lợi, cũng như những khó khăn, thử thách, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở bám sát định hướng phát triển của Trung ương, quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ nhân dân, trăn trở với chuyên môn, trách nhiệm trong tham mưu nhiệm vụ. Luôn đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo biết nhận sai và sửa sai, biết bàn thảo dân chủ, sử dụng trí tuệ tập thể, có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm trước mọi công việc…

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và căn dặn Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, sửa chữa thật tốt khuyết điểm sau cải cách ruộng đất, tập trung chăm lo phát triển sản xuất… 65 năm qua, những lời căn dặn của Người luôn là kim chỉ nam, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đoàn kết vượt khó, phấn đấu để “nổi bật lên” như mong muốn của Người lúc sinh thời.