Người dân khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ (Hà Tĩnh) mong sớm nhận đủ đất sản xuất

NDO -

Sau hơn 10 năm nhường đất thực hiện dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, các hộ dân ở khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ, xã Thọ Điền, Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn chưa nhận đủ đất sản xuất như cam kết của chính quyền.

Đại diện lãnh đạo xã Thọ Điền (Vũ Quang) chia sẻ khó khăn do thiếu đất sản xuất cùng người dân.
Đại diện lãnh đạo xã Thọ Điền (Vũ Quang) chia sẻ khó khăn do thiếu đất sản xuất cùng người dân.

Những chậm trễ trong quá trình chuyển đổi, bàn giao đất của chính quyền địa phương không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mà còn gây ra nhiều khó khăn khi nảy sinh thêm vướng mắc mới, khiến người dân lo lắng, bức xúc. 

10 năm đợi chờ

Ngày rời xa khu vực lòng hồ để nhường đất cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, người dân xã Hương Điền (Vũ Quang) mang theo nhiều kỳ vọng về cuộc sống khấm khá tại nơi ở mới. Trong tổng số 300 hộ dân nhường đất cho dự án, qua xét duyệt chỉ có 136 hộ đủ điều kiện và có nguyện vọng đến ở tại khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ (nay thuộc xã Thọ Điền). Những tưởng khi về nơi ở mới, các hộ dân sẽ được nhận đầy đủ chính sách hỗ trợ, đền bù để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất như lời hứa của lãnh đạo huyện, thế nhưng suốt 10 năm qua, người dân nơi đây vẫn chờ đợi và không biết đến bao giờ mình mới nhận đủ đất sản xuất như lời hứa ban đầu.

Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền, Đặng Khánh Trình cho biết: Thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, năm 2009 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thu hồi hơn 1.000 ha đất rừng để cấp cho người dân tái định cư sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 319 ha diện tích đất rừng tự nhiên vẫn chưa được chuyển đổi và tiến hành bàn giao cho các hộ dân. Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu cấp trên thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Ông Lê Quang Toại thôn Đăng (Thọ Điền) bức xúc: Khi vận động chúng tôi nhường đất cho dự án, cán bộ hứa đến nơi mới sẽ được cấp đầy đủ tư liệu sản xuất, thế nhưng 10 năm qua chúng tôi  chịu thua thiệt đủ bề khi không có đất sản xuất. Theo quy định, 2 đứa con của tôi lập gia đình sau năm 2006 không đủ điều kiện nhận đất tái định cư. Cả 4 gia đình với 13 nhân khẩu sống nhờ vào suất hỗ trợ, bồi thường của tôi. Nhưng đến nay tôi cũng chỉ mới nhận được ½ diện tích đất sản xuất. “Cực chẳng đã” 2 đứa con của tôi phải đi khắp nơi để mưu sinh. Gặp đợt dịch Covid-19 bùng phát, các con muốn về nhưng thiếu đất sản xuất nên nguyện vọng ổn định cuộc sống ở quê nhà bất thành.

Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền Phạm Quang Tùng cho biết, không chỉ gia đình ông Lê Quang Toại, tất cả các hộ dân ở khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ hiện nay cũng rất bức xúc vì thiếu đất sản xuất. Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND Thọ Điền, trên cơ sở 1.035 ha đất rừng được UBND tỉnh thu hồi, giao cho người dân, huyện Vũ Quang đã bàn giao hơn 210 ha đất cho người dân làm nhà ở, còn lại 824 ha diện tích đất được cấp để người dân làm tư liệu sản xuất.

Năm 2014, UBND xã đã tiến hành bàn giao đất sản xuất đợt một với diện tích hơn 500 ha. Đến năm 2017, trong quá trình chuẩn bị bàn giao đất đợt 2 cho người dân chúng tôi mới biết được diện tích đất còn lại chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nên địa phương không đủ cơ sở, thẩm quyền bàn giao đất cho người dân mặc dù xã đã nhận bàn giao và cắm mốc thực địa. Từ đó đến nay, tồn đọng này vẫn chưa được giải quyết.

Sự tắc trách của cấp có thẩm quyền?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ chậm trễ trong việc chuyển đổi, bàn giao 319 ha đất sản xuất cho người dân sản xuất, trong tổng số 500 ha đất đã được bàn giao cho người dân sản xuất bấy lâu nay, có đến 270 ha đất rừng vẫn chưa được chuyển đổi. Như vậy, trong nhiều năm qua, người dân đã sản xuất trái phép trên đất rừng tự nhiên. Sự tắc trách của cấp có thẩm quyền đã đẩy người dân vi phạm pháp luật mà chính bản thân họ cũng không biết.

Xin đừng hứa suông -0
 Thổ nhưỡng khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ (Thọ Điền) rất thích hợp với cây trồng có múi.

Qua tìm hiểu được biết: Năm 2009, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 1.035 ha đất rừng, trong đó có 632 ha diện tích đất lâm nghiệp (600 ha thuộc đối tượng rừng tự nhiên sản xuất, 32 ha đất rừng sản xuất). Về nguyên tắc, để giao đất cho người dân sản xuất, cấp có thẩm quyền phải tiến hành thủ tục chuyển đổi 632 diện tích đất rừng sang mục đích sử dụng khác. Thế nhưng tại thời điểm đó, cấp có thẩm quyền chỉ làm hồ sơ chuyển đổi 313 ha, số còn lại vẫn chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi nên việc giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Hạt Kiểm Lâm Vũ Quang cho rằng, theo quy định Luật đất đai 2013, nhà nước chỉ giao đất rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển, không giao đất rừng tự nhiên cho hộ gia đình cá nhân. Muốn giao số đất rừng còn lại trong tổng số hơn 1.000 ha diện tích đất rừng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi trước đó thì phải tiến hành thủ tục chuyển đổi đất rừng. Theo quy định mới, việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác không thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Bên cạnh những tồn tại trên, người dân và chính quyền địa phương còn phản ánh: Đối chiếu với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, các hộ dân ở khu tái định cư Khe Na, Khe Gỗ sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất sau tái định cư như: hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề… Tuy nhiên đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Rõ ràng, sự chậm trễ của cấp có thẩm quyền không những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân còn nảy sinh ra những khó khăn mới, cần có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành để giải quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của nhân dân.