Người dân cầu cứu vì… thuỷ điện Quảng Tín

NDO - NDĐT - Hàng chục hộ dân ở các thôn Sađacô, thôn 4, thôn 6, thôn 9 và bon Bu Đách, xã Quảng Tín (huyện Đác R’lấp, tỉnh Đác Nông) sinh sống dọc theo con kênh dẫn nước của Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín đang ngày đêm lo lắng trước tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng đến sinh hoạt, canh tác và giao thông.
Nước từ kênh dẫn nước Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín tràn ngập đường giao thông và cây trồng của người dân.
Nước từ kênh dẫn nước Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín tràn ngập đường giao thông và cây trồng của người dân.

Dẫn chúng tôi đi xem con kênh dẫn nước của Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín, Đác Ru chạy qua ngay giữa khu dân cư gây sạt lở đất, nước tràn ngập đường đi và gây ngập úng nhiều diện tích cà phê, anh Lê Văn Phong, cán bộ phụ trách giao thông, thuỷ lợi xã Quảng Tín cho biết: Năm 2007, Công ty TNHH N&S khởi công thủy điện Quảng Tín tại địa phận xã Quảng Tín và Đác Ru, huyện Đác R’lấp với công suất 5MW. Dự án gồm nhà máy và một hệ thống kênh mương, ống dẫn nước dài gần 10 km, trong đó hệ thống kênh dài 4 km, bề ngang rộng 2,5m, chiều sâu 2,5m đi qua địa bàn các thôn gồm thôn Sađacô, thôn 4, 6, 9 xã Quảng Tín.

Theo thiết kế hệ thống kênh dẫn nước đi qua khu dân cư phải được đậy nắp bằng bê tông để đảm bảo an toàn cho người và gia súc, đồng thời không để nước tràn ra ngoài; đối với những đoạn có mái ta-luy dương cao và sát nhà dân thì phải kè bằng đá để không bị sạt lở đất…

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, chủ đầu tư “quên” luôn việc đậy nắp con kênh và kè mái ta-luy để gây sạt lở đất, nước tràn kênh ngập đường giao thông đi lại của người dân, ngập úng cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của hàng chục hộ dân sinh sống dọc hai bên con kênh.

Ông Phạm Văn Trường ở thôn Sađacô bức xúc: “Trước đây, mái ta-luy này cách nhà tôi 7-8m, nhưng chỉ sau ba mùa mưa đất sạt lở vào tận vách nhà chỉ còn cách 0,5m. Mới đây vào lúc 14 giờ ngày 4-8 vừa qua, sau một cơn mưa lớn kéo dài, đã gây sạt lở một đoạn tường rào bằng xi măng dài hơn 5m sát ngay bên hông nhà và làm tường nhà, sân bị nứt nẻ. Thôn lập biên bản gửi ra UBND xã nhưng vẫn không cơ quan nào vào kiểm tra, xử lý. Hàng đêm cả gia đình tôi không ngủ được và luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì ngôi nhà có thể sạt lở sập đổ bất cứ lúc nào”.

Đi dọc theo con kênh khoảng 200m, chúng tôi gặp ông Nguyễn Như Thư, ở thôn 9, nhà cách con kênh khoảng 50m đang hì hục đào đất đắp chặn nước. Ông Thư nói trong nỗi bức xúc: “Tình trạng nước từ kênh của Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín tràn chảy ngập đường và hồ cá, cây trồng của gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn đã xảy ra ba năm nay, nhất là trong những tháng mùa mưa hiện nay mức nước xả rất lớn để nhà máy thuỷ điện hoạt động hết công suất, khiến nước liên tục tràn kênh gây thiệt hại nặng nề. Riêng gia đình tôi đã thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Khổ sở nhất là trong suốt ba năm nay, hàng ngày gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trong thôn ra đến cổng là như “bơi” trong suối nước, xe cộ đi lại rất khó khăn, nhiều hôm cha mẹ đi vắng là các cháu nhỏ sợ không dám lội nước đến trường học vì sợ bị cuốn trôi. Thế nhưng khi người dân kiến nghị doanh nghiệp khắc phục tình trạng nước tràn kênh ảnh hưởng đến đời sống, thì ông Hoàng Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH N&S vẫn ngang nhiên trả lời: “Ông cứ xả nước, ai làm gì được ông, thích thì đi mà làm đơn thư khiếu kiện!”.

Cùng với hoàn cảnh như ông Thư, gia đình bà Phạm Thị Hoài, 64 tuổi, ở đội 2, thôn Sađaco trong vườn trồng được 200 cây cà phê và đào hai ao nuôi cá rộng 2.000 m2. Bà vừa mua 15 triệu đồng cá giống về nuôi thì gặp lúc Công ty TNHH N&S xả nước phát điện làm nước tràn kênh trôi cả hai ao cá và làm chết 20 cây cà phê nhưng công ty không đền bù cho gia đình bà. Bà Hoài than thở: “Năm nay tôi đã lớn tuổi rồi, cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy trăm cây cà phê và hai ao cá trong vườn, nhưng bị Công ty TNHH N&S xả nước phát điện làm nước tràn vào trôi hết, không biết lấy gì mà ăn bây giờ. Tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu ra xã nhưng không ai giải quyết, biết kêu ai bây giờ!”.

Ông Đoàn Thành Minh, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm công an viên thôn Sađaco cho biết: Hàng chục hộ dân ở thôn Sađaco và các thôn 4, 6, 9 và bon Bu Đắch, xã Quảng Tín bị ảnh hưởng, trong đó có 10 hộ dân ở thôn Sađaco là thiệt hại nặng nhất. Mỗi ngày có hàng chục người dân đến trình báo, khiếu nại nhưng công an viên chúng tôi chỉ lập biên bản, giữ gìn an ninh trật tự chứ không giải quyết được. Việc giải quyết là trách nhiệm của chính quyền các cấp”

Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Phan Thành Đạt cho biết: Từ ngày xây dựng kênh dẫn nước Nhà máy thủy điện Quảng Tín vào năm 2009 đến nay không chỉ gây sạt lở đất, làm hư hỏng nhà cửa, nước tràn kênh gây ngập đường giao thông, trôi ao cá, cây trồng mà con kênh này không được che đậy cẩn thận, không có biển báo nên rất nguy hiểm với người dân sinh sống dọc hai bên con kênh.

Trong ba năm qua đã có một người dân rơi xuống con kênh bị nước cuốn chết. Còn đối với gia súc, gia cầm của những hộ sinh sống hai bên con kênh rớt xuống bị nước cuốn chết thì đếm không xuể. UBND xã đã nhiều lần mời lãnh đạo Công ty TNHH N&S lên làm việc và yêu cầu che đậy miệng kênh, xây kè chống sạt lở đất, tường rào và cắm biển báo ở những vị trí nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân, khắc phục ngay tình trạng nước tràn kênh gây ngập đường giao thông và hư hại cây trồng của người dân… nhưng lãnh đạo công ty mà trực tiếp là ông Hoàng Đình Tuấn, Giám đốc công ty chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện, không thực hiện yêu cầu của xã. Sau nhiều lần đề nghị, doanh nghiệp không thực hiện UBND xã cũng bất lực và chỉ biết báo cáo lên cấp trên.

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của Công ty TNHH N&S trong việc đền bù những thiệt hại cũng như khắc phục những hậu quả do tuyến kênh dẫn nước Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín gây ra cho người dân địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đác R’lấp Lê Văn Thị bức xúc: Trong ba năm qua, trước việc người dân làm hàng chục đơn thư cầu cứu gửi tới các cấp, các ngành trong tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Đác R’lấp và xã Quảng Tín đã nhiều lần tiến hành kiểm tra thực tế và yêu cầu Công ty TNHH N&S tiến hành đền bù và khắc phục hậu quả do tuyến kênh gây ra bảo đảm cuộc sống cho nhân dân. Thế nhưng cho đến nay công ty vẫn phát lờ sự chỉ đạo của các ngành chức năng của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Thậm chí ông Hoàng Đình Tuấn, giám đốc công ty đã ký cam kết với hộ ông Phạm Văn Trường công ty sẽ xây bờ kè đá ta luy phía sau nhà để chống sạt lở. Nhưng từ cuối năm 2010 đến nay công ty vẫn chưa thực hiện, để gia đình ông Trường cũng như hàng chục hộ dân sinh sống và sản xuất hai bên con kênh ngày đêm lo lắng, thắc thỏm.