Nghị quyết số 68 của Việt Nam: Chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết

NDO -

“Người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư – là chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19 này”.

Chuyên gia André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Chuyên gia André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Đây là những nhận định của chuyên gia André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi về gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 đã được Chính phủ triển khai từ đầu tháng 7 này.

Hướng đi đúng đắn của Việt Nam

Phóng viên: Ông có đánh giá gì về Nghị quyết số 68 của Việt Nam trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19?

Chuyên gia André Gama: ILO rất vui mừng với việc Việt Nam đưa ra Nghị quyết mới này. Trong thời điểm làn sóng Covid mới vẫn đang tiếp tục diễn tiễn khó lường trên cả nước, chúng tôi cho rằng việc Chính phủ có thể hành động một cách nhanh chóng như vậy để hỗ trợ cả người lao động, gia đình họ và doanh nghiệp là một điểm sáng.

Chúng tôi kêu gọi Chính phủ và người dân Việt Nam không nên nhìn nhận gói hỗ trợ này, và cả các biện pháp hỗ trợ khác đối với đại dịch Covid-19, trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó là sự đầu tư để bình ổn nguồn thu nhập gia đình, cuộc sống của người lao động, bình ổn nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ tiền mặt, thu nhập cho các gia đình để có thể tiếp tục mua hàng, mua dịch vụ, từ đó nền kinh tế có thể tiếp tục được duy trì và hồi phục từ những tổn thất do đại dịch gây ra.

Phóng viên: Để nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng này tới người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính và điều kiện hỗ trợ đã được giảm tối đa. Ông đánh giá thế nào về hướng tiếp cận và hỗ trợ này của Việt Nam?

Chuyên gia André Gama: Chúng tôi cho rằng, đây chắc chắn là hướng đi đúng đắn. Với những gì diễn ra trên thế giới, chúng tôi rút ra rằng khi các thủ tục hành chính phức tạp, rất nhiều người, đặc biệt là những người đang cần được hỗ trợ nhiều hơn, khó có khả năng hoàn thành các giấy tờ yêu cầu như là xác nhận họ đang làm trong ngành nghề, lĩnh vực nào đó, khiến họ khó có thể nhận được hỗ trợ.

Vì vậy, việc giảm thiểu các thủ tục hành chính là một bước đi quan trọng. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cần tiếp tục xem xét xem liệu giảm như vậy đã đủ chưa, hay vẫn cần tiếp tục giảm thiểu hơn nữa trong tương lai. Nói cho cùng, đây là hướng đi đúng đắn để bảo đảm rằng những người cần được hỗ trợ hơn sẽ nhận được hỗ trợ và chúng ta không bỏ lại ai ở phía sau trong đại dịch Covid-19 này.

Thời điểm để rà soát lại chính sách an sinh xã hội

Phóng viên: ILO có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để gói hỗ trợ đối với người lao động có thể phát huy được hiệu quả và hỗ trợ thiết thực hơn?

Chuyên gia André Gama: ILO thường xuyên cập nhật về tình trạng của các gói hỗ trợ mà các quốc gia thành viên triển khai để đối phó với Covid-19, để từ đó xác định ra đâu là những cách làm tốt nhất. Dĩ nhiên, việc hỗ trợ này phụ thuộc rất lớn vào tình hình của mỗi quốc gia, nên những biện pháp được áp dụng ở châu Âu nơi có tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội ở mức rất cao có thể không phù hợp với những quốc gia có bộ phận người lao động phi chính thức lớn như Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể thấy rằng, các biện pháp càng mang tính đại chúng và sử dụng các chương trình, các kênh sẵn có để hỗ trợ thường bảo đảm sự công bằng tốt hơn và có hiệu quả tốt hơn.

Tất nhiên, các chương trình mang tính đại chúng, toàn dân, có tính chất bao cấp có thể khá tốn kém do các chương trình này hướng tới tất cả dân số. Do vậy, với trường hợp như của Việt Nam, có thể có phương án tương tự thay thế như là các chương trình dành cho toàn bộ người lao động trong một ngành nào đó hoặc tại một khu vực địa lý nào đó.

Vì sao lại như vậy? Đó là do rất khó có thể xác định và tiếp cận được người lao động trong nền kinh tế phi chính thức. Từ những dữ liệu mà chúng tôi thu thập được trên thế giới, chúng tôi thấy rằng họ là một trong những nhóm lao động đang phải chịu thiệt hại nhiều nhất từ những tác động về mặt kinh tế của đại dịch Covid-19. Do đó, đây là vài điểm cần lưu ý khi thiết kế, triển khai các biện pháp phản ứng với đại dịch.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về khuyến nghị trên?

Chuyên gia André Gama: Tại Việt Nam, cũng như ở quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức trong lực lượng lao động ở mức cao, lên tới 71%, bao gồm cả lao động trong ngành nông nghiệp. Điều đó đặt ra một thách thức lớn khi thiết kế và thực hiện các gói hỗ trợ liên quan đến Covid-19. Do nhiều người lao động không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, các chương trình hướng tới một số nhóm lao động cụ thể có thể trở nên rất phức tạp, tốn kém, và mất thời gian để có thể thực hiện được.

Đó là một trong những lý do vì sao ILO nói riêng, và Tổ chức Liên hợp quốc nói chung, thường khuyến khích các biện pháp hỗ trợ Covid-19 nên có cách tiếp cận mang tính đại chúng, với các lý do nói trên.

Dĩ nhiên là các chương trình mang tính đại chúng, toàn dân, có những mặt trái, thường tốn kém hơn cách tiếp cận mục tiêu. Do đó, chúng ta có thể tính đến phương án nằm ở giữa các chương trình dành cho toàn dân và các chương trình hướng tới các nhóm đối tượng hẹp.

Chẳng hạn, các gói hỗ trợ Covid-19 có thể hướng tới các nhóm dân số cụ thể chịu tác động nặng nề của đại dịch (như một số tỉnh, thành hoặc các ngành kinh tế cụ thể), từ đó được áp dụng cho toàn bộ dân số trong các nhóm này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần luôn nhớ rằng, trong một thế giới đang hội nhập ngày một sâu rộng, suy giảm kinh tế có thể nhanh chóng lan từ một ngành hoặc khu vực địa lý này sang các ngành hoặc khu vực khác.

Khi chúng ta tìm cách vượt qua dòng lũ quét do đại dịch Covid-19 mang lại, điều quan trọng là chúng ta phải đứng vững được dựa trên chính các nguyên tắc đoàn kết đã tạo dựng nên xã hội. Trong quá trình đó, chúng ta nên chấp nhận phương án là sẽ hỗ trợ cả những người mà không cần giúp đỡ, hơn là rủi ro sẽ không hỗ trợ được những người đang rất cần được giúp.

Vì vậy, Nghị quyết số 68-NQ/CP là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ, và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Giờ là lúc chúng ta cần chờ đợi quá trình thực hiện để có thể đánh giá mức độ thành công của chính sách mới này.

Phóng viên: ILO cho rằng, các giải pháp hỗ trợ trong Nghị quyết số 68 giống như cây cầu bắc qua dòng nước xiết, vậy Việt Nam cần vượt qua thế nào cho hiệu quả?

Chuyên gia André Gama: Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư – là chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết, nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19 này.

Chúng ta cần nhớ rằng, quá trình vượt qua những dòng nước xiết ấy cũng đồng thời mở ra những cơ hội quan trọng. Chúng tôi cũng cho rằng, đây cũng là thời điểm chúng ta nên nhìn lại những hỗ trợ đang có, nhất là những hỗ trợ thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.

Nhiều chính phủ trên thế giới hiện nay đang mở rộng cánh cửa đăng ký để người lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách miễn giảm đóng góp và cho họ được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ Covid-19 nhất định.

Nếu Việt Nam có thể áp dụng một sáng kiến tương tự, điều đó sẽ trở thành một thành tố quan trọng bổ sung cho các nỗ lực hiện tại để đạt được các mục tiêu che phủ bảo hiểm xã hội đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân).

Hơn nữa, trong bối cảnh chính sách hiện tại, khi Chính phủ đang thảo luận sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để xem xét làm thế nào có thể đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội, để có khả năng đối phó tốt hơn với những thách thức trong tương lai.

Cụ thể là, nếu chúng ta có thể giúp hệ thống an sinh xã hội có khả năng phản ứng tốt hơn với các cú sốc, chúng ta sẽ có thể bảo đảm rằng, nếu xảy ra khủng hoảng lần tới, Chính phủ sẽ không phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay khi triển khai hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19