Nghị quyết 406 sớm đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa lớn

NDO -

Ngày 22/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp nối chuỗi chính sách chăm lo cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19 trong nội dung Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá cao quyết sách kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể hiện rõ ý nghĩa hết sức nhân văn nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết: Sau thư kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức chung tay phòng, chống Covid-19, thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc tốt nhất đời sống cho người dân. Quốc hội hết sức quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; đặc biệt lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 406.

Nhìn lại bối cảnh khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát với biến chủng Delta, đời sống người dân, doanh nghiệp, người lao động tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, thiếu ăn, thiếu mặc, thuốc men chữa bệnh.

Theo ông Hà Sỹ Đồng: “Sau khi kiểm soát được dịch, người lao động trở lại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy để sản xuất thì chúng ta cần có chính sách kịp thời để giải quyết khó khăn do dịch bệnh gây ra và khôi phục lại sản xuất”.

Động lực phát triển sản xuất, kết nối thị trường lao động

Ông và nhiều cử tri rất quan tâm việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từng bước ổn định sản xuất, chuẩn bị hành trang trở lại cuộc sống bình thường mới.

“Thời gian vừa qua, thị trường bị gián đoạn, đứt gãy, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, vì vậy, Nghị quyết 406 sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động hoạt động trở lại, kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kết nối thị trường lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói. 

Về các chính sách cụ thể được nêu trong Nghị quyết sẽ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, theo ý kiến của đại biểu Hà Sỹ Đồng, mặc dù Nghị quyết 406 có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp nhưng chưa được nhiều, mạnh mẽ, chưa có sức lan tỏa, độ bao phủ chưa lớn.

Ông cho biết, “Nhu cầu của các doanh nghiệp và người dân rất rất lớn nhưng chính sách chỉ hỗ trợ được một phần”. Nhân dịp này, ông cũng chia sẻ với Quốc hội: Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, do nguồn lực của năm 2021 và cả năm 2020 phải gồng mình chống dịch nên chính sách trong Nghị quyết 406 mang tính động viên, chưa có đột phá lớn. “Chúng tôi mong chính sách này được triển khai sớm, có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân sớm hưởng lợi”.

Ông cho biết, doanh nghiệp cả nước cũng như doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, dừng sản xuất, lao động phải đi tìm việc làm khác. Nhiều người từ sản xuất công nghiệp về quê, quay lại công việc làm ruộng hoặc các công việc trong ngành nông nghiệp.

Kiến nghị cần có thêm các chính sách tài khóa, tài chính tiếp theo của Quốc hội, Chính phủ từ nay đến cuối năm, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: Qua nghiên cứu báo cáo kinh tế, xã hội cho thấy tình hình tài chính năm nay rất khó khăn. Ngân sách dự phòng phải chi cho công tác phòng, chống Covid-19 rất lớn.

Từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ có nhiều biến động về tình hình thế giới và khu vực cũng như trong nước, vì thế cần có chính sách linh hoạt như xem xét, rà soát lại lĩnh vực đầu tư công để tiết kiệm và đầu tư vào lĩnh vực cần thiết nhất.

Về tài chính, Chính phủ cần cân nhắc, đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa để có nguồn lực đầu tư lĩnh vực trọng tâm, đột phá. Với chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hệ thống ngân hàng cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn sớm hơn, nhanh hơn với lãi suất phù hợp.

“Thời gian qua tình hình sản xuất bị ngưng trệ, dòng tiền bị ngưng lại trong quá trình chu chuyển nên cần khơi thông ngay để dồn lực đầu tư, bảo đảm cân đối được kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh còn nguy cơ tiềm ẩn rất lớn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Cần ưu đãi tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 với những chính sách miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp là kịp thời, thiết thực trước những yêu cầu cấp bách hiện nay, thể hiện sự tích cực, chủ động đồng hành vào cuộc của Quốc hội và Chính phủ.

Nghị quyết 406 sớm đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa lớn -0
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Trường đại học FPT Cần Thơ đánh giá, quyết sách ban hành ngay đầu kỳ họp thứ hai sẽ giúp cho doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long – nơi có khoảng 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thêm động lực, nguồn lực tài chính tập trung vào sản xuất, kinh doanh.

Riêng việc miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế phát sinh phải nộp trong quý III và quí IV sẽ hỗ trợ đông đảo các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể có thể hồi phục sản xuất, kinh doanh nhanh chóng.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho biết thêm: Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với nhiều quy định hỗ trợ tiền cho người dân, công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập, hỗ trợ lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương, khôi phục sản xuất do tác động của dịch Covid-19, tạo thêm niềm tin để người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua đại dịch.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng, việc thực hiện Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 68 của Chính phủ tạo động lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới; chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn đại dịch.

Về những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, ổn định đời sống sắp tới, theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm của đất nước, với sản lượng, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành nông nghiệp.

Trong khi nhiều ngành tăng trưởng âm do đại dịch nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương, trong đó có sự đóng góp to lớn của nông nghiệp vùng này và nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong khôi phục, phát triển sản xuất. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ chung, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách đủ mạnh, đồng bộ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ cần có gói tín dụng ưu đãi khôi phục lại sản xuất nông nghiệp với lãi suất từ 3 - 4%/năm, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ phục vụ cho sản xuất; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay trong những tháng dịch bệnh kéo dài cho nông dân, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, khoa học công nghệ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm trụ đỡ nền kinh tế phát triển bền vững.