Ngày giáp Tết ở khu công nghiệp

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, không khí sản xuất vẫn hối hả nhằm bảo đảm tiến độ các đơn hàng. Bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước.

Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng trao trợ cấp tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong các khu công nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG
Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng trao trợ cấp tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong các khu công nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG

Sau những ngày lao động vất vả, hơn 200 người lao động, đoàn viên thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội lại có những giờ phút thư giãn khi tham dự chương trình “Tết sum vầy-Xuân bình an” được tổ chức vào ngày trước Tết Nguyên đán, tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Thay bộ quần áo bảo hộ lao động, những người công nhân trở thành diễn viên không chuyên, góp vui những tiết mục văn nghệ, tham gia thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả Tết…

Nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động

Năm 2021, Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trải qua giai đoạn lao đao do có các ca mắc Covid-19, hàng trăm cán bộ, công nhân viên phải tạm nghỉ việc để cách ly, công ty bị phong tỏa. Tuy vậy, năm qua công ty vẫn bảo đảm việc làm, tiền lương và tiền thưởng cho hơn 6.200 người lao động. Tết Nguyên đán Nhâm Dần, công ty đã chi trả  tháng lương  thứ 13 và thưởng Tết cho người lao động, tổ chức thăm, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Đức Nhân cho biết, đón Tết Nguyên đán, công ty đã quyết định tăng lương và thưởng Tết cho người lao động xấp xỉ những năm trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không tổ chức tiệc liên hoan cuối năm, thay vào đó, đơn vị đã phát tiền mặt và tặng suất quà Tết  tất cả người lao động. 

Còn các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hỗ trợ 50% chi phí, phối hợp công đoàn ngành giao thông vận tải Hà Nội tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa công nhân lao động về quê đón Tết. Sáng 29/1 (tức ngày 27 Tết), những chuyến xe ô-tô đưa công nhân về quê đón Tết sẽ lần lượt lăn bánh đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Cầm trên tay túi quà Tết nặng trĩu, chị Lương Thị Tình (công nhân Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết: “ Tết năm nay, được các ban, ngành, công ty quan tâm, tôi đã có tiền và quà để lo Tết cho gia đình. Tôi còn được tặng một vé xe ô-tô về Thanh Hóa. Chắc chắn hết kỳ nghỉ, tôi sẽ trở lại làm việc hăng say hơn”. 

Chiều cuối năm âm lịch, tại Công ty TNHH Yazaki, Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng), hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Anh Phan Văn Hưng, công nhân bộ phận may của Công ty Yazaki phấn khởi cho biết, Tết Nguyên đán năm nay, anh và lao động của công ty được thưởng một tháng lương và một phần quà Tết trị giá 300 nghìn đồng. Chị Bùi Thị Hồng, công nhân công ty chia sẻ thêm, chị rất vui vì nhận được nhiều mặt hàng thiết thực tại Gian hàng di động 0 đồng. Dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tặng 10 nghìn gói an sinh, mỗi gói trị giá 300 nghìn đồng dưới hình thức phiếu mua hàng cho người lao động. Khoảng 15 nghìn đoàn viên, người lao động khó khăn được nhận trợ cấp, quà tặng, được tặng vé xe về quê đón Tết. Mức quà tặng, trợ cấp đa dạng, từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người kèm theo túi quà trị giá 300 nghìn đồng… Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng Đinh Thúy Hà cho biết, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều công nhân quê ở xa không về quê, mà ở lại đón Tết tại các khu nhà trọ. Các doanh nghiệp đã trích kinh phí hỗ trợ các trường hợp này 1 triệu đồng/người. 

Ngày giáp Tết ở khu công nghiệp -0
Công nhân lao động Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) nhận quà Tết của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. Ảnh: NGỌC ÁNH 

Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động  của các doanh nghiệp và đời sống công nhân, lao động, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nắm chắc tình hình nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhất là bảo đảm không bị nợ lương, thưởng Tết ở các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc giải thể... UBND thành phố Hải Phòng  cũng trích ngân sách 4 tỷ đồng để hỗ trợ Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình “Tết sum vầy-Xuân bình an” cho công nhân, lao động. Có khoảng 257 nghìn công nhân, lao động tại Hải Phòng được nhận quà dịp Tết từ các cấp công đoàn với kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố, công đoàn ngành tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết các lao động thuê trọ, chuyên gia, người lao động nước ngoài ở lại Hải Phòng đón Tết, đồng thời, tặng gói hỗ trợ “An sinh Covid-19” cho người lao động là các F0, F1 đang cách ly tại nhà. Tại  Quảng Ninh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh  Tô Xuân Thao cho biết, công đoàn các cấp chủ động xã hội hóa, vận động doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vé tàu, vé xe cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp về quê và trở lại doanh nghiệp làm việc sau Tết. Chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức “Tết sum vầy-Xuân bình an” năm 2022 cho đoàn viên và người lao động trong tỉnh; phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp, các siêu thị, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng đẩy mạnh chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, cung cấp sản phẩm, dịch vụ ưu đãi, giảm giá cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Tiếp tục mở rộng sản xuất

Tại nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp Đình Vũ, Nomura, Tràng Duệ, Vsip… của thành phố Hải Phòng những ngày này, không khí sản xuất vẫn hối hả. Từng đoàn xe chở công nhân nhộn nhịp vào ca, nhằm bảo đảm tiến độ các đơn hàng sớm. Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP Vinachem tại Khu công nghiệp Đình Vũ vui vẻ cho biết, với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, đơn vị không chỉ hoàn trả hết nợ vay đầu tư, mà còn bảo đảm hoạt động có lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Tết năm nay, công nhân, lao động của công ty được thưởng tháng lương thứ 13 với mức bình quân hơn 11 triệu đồng/người. Mặc dù nguồn nguyên liệu quặng a-pa-tít thiếu, nhưng công ty vẫn duy trì hoạt động liên tục bằng việc chạy luân phiên các dây chuyền sản xuất, công nhân vẫn duy trì các ca sản xuất. Công nhân có quê ở xa được công ty động viên đã thực hiện ăn Tết tại chỗ, bảo đảm dây chuyền sản xuất không ngừng nghỉ trong dịp Tết.

Tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long (Khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) hơn 3.000 công nhân vẫn duy trì sản xuất ba ca liên tục. Các dây chuyền sản xuất đều hoạt động hết công suất, bảo đảm đúng thời gian hoàn thành các lô hàng đã ký với những đối tác lớn. Dự kiến năm 2022, công ty sản xuất hơn 149.000 tấn sợi dệt các loại. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, song công ty đã sản xuất được hơn 142.000 tấn sợi dệt các loại, đạt 100% kế hoạch năm. Việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục được giữ vững với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng. 

Với tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin Covid-19 khá lớn và các chính sách thích ứng linh hoạt của Chính phủ và của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào khả năng phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép, điện tử, sắt thép... tại các khu công nghiệp đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2022. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, cuối năm 2021, công ty đã khai trương thêm nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Bình Dương và ngay trong quý I năm nay sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy tại tỉnh Long An. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn thu hút được lượng lớn các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng nhà máy, phân xưởng, duy trì chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm 2022. Ngày 10/1, tại khu công nghiệp thị xã Quảng Yên, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), sử dụng hơn 20 ha đất, tỷ suất vốn đầu tư đạt 419 tỷ đồng/ha (tương đương hơn 18,1 triệu USD/ha) cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh. Đây là dự án đầu tiên đăng ký hoạt động tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên kể từ khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương.