An toàn giao thông

Ngăn ngừa vi phạm trật tự an toàn giao thông sau giãn cách

Ngay sau khi một số địa phương bước đầu kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nới lỏng giãn cách, tại một số nơi, nhất là ở khu vực ngoại ô, lợi dụng đêm tối, vắng bóng lực lượng chức năng, các đối tượng thanh, thiếu niên đã tụ tập phóng xe với tốc độ cao, vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội,...

Lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các tuyến trọng điểm sau khi nới lỏng giãn cách.
Lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các tuyến trọng điểm sau khi nới lỏng giãn cách.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Danh cho biết, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 21/9 (đêm Trung thu) vừa qua, tại đường tỉnh 321C, thuộc khu Hạ Khê, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê), đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng giữa bốn xe máy khiến năm người tử vong, hai người bị thương,... Tất cả bảy nạn nhân của vụ việc đều là các thanh, thiếu niên trú ở huyện Cẩm Khê đi chơi Trung thu. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và huyện Cẩm Khê kiểm tra tình trạng nồng độ cồn và ma túy trong máu đối với các nạn nhân; kiểm tra tình trạng đội mũ bảo hiểm của nạn nhân và xác minh dấu hiệu đua xe trái phép dẫn đến hậu quả vụ việc. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị, quá trình xử lý và giải quyết hậu quả vụ việc và tang lễ cho các nạn nhân cần thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Do vụ tai nạn xảy ra trong đêm khuya, không có nhân chứng, phần lớn các nạn nhân đã chết, hai người bị thương đang cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, hôn mê, gây khó khăn cho công tác điều tra. Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát toàn bộ camera an ninh trên địa bàn để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Ban đầu xác định, trước khi xảy ra vụ tai nạn, một số nạn nhân đã uống rượu, sau đó chạy xe với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ được tay lái dẫn tới xảy ra vụ tai nạn thương tâm nêu trên. Tại hiện trường vụ tai nạn, cơ quan chức năng chỉ phát hiện một chiếc mũ bảo hiểm. Lực lượng chức năng của tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này.

Ở nhiều địa phương, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thực hiện nới lỏng giãn cách, đã xuất hiện một số nhóm thanh, thiếu niên, tụ tập lạng lách, đánh võng, bốc đầu, nẹt pô trên các tuyến đường, làm mất trật tự an toàn giao thông và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử, tối 17/9 vừa qua, tại xã đảo Vĩnh Trung, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cơ quan công an địa phương đã bố trí lực lượng chặn bắt, xử lý một nhóm thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu, đua xe trái phép gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đánh giá, do nhiều địa phương áp dụng giải pháp phòng, chống dịch, yêu cầu người dân hạn chế ra đường hoặc chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, dẫn tới lưu lượng giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì ứng trực tại các chốt để kiểm tra, phát hiện trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và trật tự an toàn giao thông. Do đó, giao thông trên phạm vi cả nước từ đầu năm trở lại đây cơ bản thông suốt, không xảy ra ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông cửa ngõ ra vào địa phương và tại các chốt kiểm soát dịch. Chín tháng qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc tiếp tục được cải thiện, cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm so cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, những ngày gần đây, đã nảy sinh một số vấn đề nổi cộm trong điều kiện các địa phương đang căng sức phòng, chống dịch bệnh. Hành vi uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện vẫn xảy ra ở một số nơi, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Mặc dù đã có một số chuyển biến, song số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm bị phát hiện. Các chương trình kiểm soát nồng độ cồn đang được thực hiện tốt và phát huy tác dụng, song ý thức và hành vi của một bộ phận người dân cùng sự yếu kém của hệ thống vận tải công cộng tại các địa phương tiếp tục là thách thức lớn trong kiểm soát nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm tỏ ra liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Theo đánh giá của các chuyên gia về an toàn giao thông, sơ bộ nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do nhiều địa phương chưa chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó dịch, áp dụng đột ngột; hướng dẫn về vận tải và kiểm soát dịch thiếu thống nhất và chưa đầy đủ, gây "sốc tâm lý" trong một bộ phận người dân, nhất là ở các đối tượng thanh, thiếu niên. Các giải pháp nhằm kiểm soát dịch, hạn chế lưu thông dẫn tới hành vi vi phạm tốc độ và phát sinh đua xe trái phép. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý để ứng phó, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh để xử lý hiệu quả. Vì thế, cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy,... phối hợp tuyên truyền tạo sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận trong nhân dân; lên phương án phòng, chống đua xe trái phép và xử lý kiên quyết hành vi chống người thi hành công vụ, truy tố các đối tượng quá khích, manh động để răn đe và bảo đảm tính nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đồng thời, có phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để bị động, gây ùn tắc khi người dân được phép đi lại trên các phương tiện vận tải đường bộ ngay sau khi các địa phương nới lỏng biện pháp giãn cách.