Ngăn chặn nạn khai thác cao lanh trái phép ở Phú Thọ

Thời gian gần đây, nạn khai thác cao lanh trái phép ở một số địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài khiến nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, các tuyến đường xuống cấp, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân.

Một điểm khai thác cao lanh trái phép tại thị xã Phú Thọ.
Một điểm khai thác cao lanh trái phép tại thị xã Phú Thọ.

"Chảy máu" tài nguyên

Theo phản ánh của người dân, tại một số xã của các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Ðoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh và thị xã Phú Thọ,… tình trạng người dân xin hạ cốt nền để phát triển sản xuất đang diễn ra ồ ạt với quy mô lớn. Qua tìm hiểu, thực chất việc hạ cốt nền để phục vụ sản xuất chỉ là cái cớ, còn mục đích chính nhằm khai thác cao lanh trái phép. Một người dân (xin được giấu tên) ở xã Ðào Xá (huyện Thanh Thủy) cho biết, có nhiều cách để khai thác cao lanh trái phép. Có trường hợp xin nạo vét, hạ cốt nền, có trường hợp doanh nghiệp mua theo hợp đồng sang tay.

Tùy từng khu vực trữ lượng cao lanh nhiều hay ít, chất lượng tốt hay xấu mà doanh nghiệp thỏa thuận mức giá với người dân. Ngoài việc mua đứt của người dân để khai thác thì một số doanh nghiệp mua xong rồi bán lại cho đơn vị khác khai thác. Tinh vi hơn, cao lanh được khai thác từ đất mua của người dân sẽ được vận chuyển khỏi địa bàn hoặc mật báo cho các cơ quan chức năng bắt giữ. Sau đó, chính các đối tượng này sẽ tìm mọi cách để đấu giá, mua lại số cao lanh "tang vật" và mang đi tiêu thụ một cách hợp pháp.

Ước tính, mỗi năm có hàng chục quả đồi tại Phú Thọ bị san phẳng, hàng trăm nghìn tấn cao lanh được vận chuyển khỏi địa bàn và tài nguyên khoáng sản đang từng ngày, từng giờ bị chảy máu. Anh Nguyễn Tuấn Ðịnh ở huyện Ðoan Hùng cho biết: Việc khai thác cao lanh trái phép đã đến lúc báo động. Nhiều quả đồi, nhiều diện tích ao hồ bị "xẻ thịt" tan hoang. Thậm chí, phần đất đồi nương ngày xưa chúng tôi khai hoang trồng sắn, trồng keo nhưng giờ chính quyền cũng giao cho cá nhân hoặc công ty vào đầu tư với mục đích phát triển mô hình kinh tế trang trại (nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả) nhưng bản chất là hợp thức hóa đất đồi để đưa máy móc, phương tiện vào khai thác khoáng sản. Quá trình khai thác khiến nhiều tuyến đường bị băm nát, xuất hiện ổ trâu ổ gà, bụi bẩn lầy lội. Chủ tịch UBND xã Bằng Doãn (huyện Ðoan Hùng) Ðinh Văn Hùng thông tin thêm: Trên địa bàn xã cũng có trường hợp người dân làm đơn xin hạ cốt nền. Trong quá trình san hạ cốt nền phát hiện cao lanh, đã tự ý mang bán không báo cáo chính quyền địa phương. Khi UBND xã phát hiện, đã tiến hành lập biên bản tạm dừng, không cho khai thác và vận chuyển.

Có thể nói, tình trạng khai thác cao lanh trái phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và môi trường.

Cần ngăn chặn kịp thời

Hầu hết các điểm khai thác cao lanh trái phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có sự đồng thuận, giúp sức của một số hộ dân và sự buông lỏng quản lý, "bật đèn xanh" của chính quyền các cấp cơ sở. Vì lợi ích trước mắt, một số hộ dân sẵn sàng bán cả quả đồi cho các đối tượng có nhu cầu thu mua cao lanh để đưa máy móc vào khai thác. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các điểm khai thác đều có chung "kịch bản" là người dân làm đơn xin hạ cốt nền gửi cơ quan có thẩm quyền (cấp xã, huyện) và dễ dàng được chấp nhận. Ðây cũng chính là giấy phép, là "bùa hộ mệnh" để các đối tượng lợi dụng san hạ cốt nền khai thác cao lanh trái phép. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy) Nguyễn Văn Dũng cho biết: Hằng năm, xã vẫn cấp phép cho một số hộ dân được phép hạ cốt nền lấy mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều nhà dân xin hạ cốt nền có diện tích nằm trong rừng, xa dân cư, cho nên rất khó kiểm soát có hay không việc lợi dụng hạ cốt nền để khai thác cao lanh trái phép. Ðược biết, năm 2017, xã Sơn Thủy đã báo cáo cơ quan chức năng, đề nghị có biện pháp chấn chỉnh tình trạng lợi dụng hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép,... Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn diễn ra và chính quyền địa phương chưa tìm ra hướng xử lý dứt điểm.

Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) Nguyễn Xuân Toản cho biết, việc người dân lợi dụng xin hạ cốt nền để khai thác cao lanh trái phép có chiều hướng gia tăng và để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này thì vai trò của chính quyền địa phương là rất lớn. Theo góc độ quản lý nhà nước, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao công tác tuyên truyền, có giải pháp ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời tăng cường công tác thanh tra tại các địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, trình UBND tỉnh ban hành quy định, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có trách nhiệm quản lý về việc lợi dụng san hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, nhiều nơi người dân còn xin nạo vét ao hồ "trá hình" để khai thác cao lanh. Chẳng hạn Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Liên Hoa (huyện Phù Ninh) mượn danh nghĩa nạo vét lòng hồ, lòng đập Gia Bà phục vụ tưới tiêu để đưa máy móc vào khai thác cao lanh rầm rộ như một đại công trường. Từ đây, hàng trăm tấn cao lanh đã được vận chuyển đi, trong khi chính quyền địa phương không hề có động thái gì vào cuộc, ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận. Trong một diễn biến khác, theo điều tra của chúng tôi, tình trạng khai thác đất, cao lanh trên địa bàn xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) diễn ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Thời gian qua, cơ quan chức năng thị xã Phú Thọ đã vào cuộc kiểm tra, xử lý những công trường khai thác cao lanh trái phép tại khu 8, khu 15,… Tuy nhiên, vì lợi nhuận rất lớn, nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng xin hạ cốt nền để khai thác cao lanh trục lợi. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ), lợi dụng việc san gạt mặt bằng để mở rộng khu công nghiệp, các đối tượng đã cấu kết với Ban quản lý khu công nghiệp khai thác cao lanh. Thậm chí, trong một thời gian dài, tại xã Hà Thạch, một cơ sở chế biến cao lanh nằm trong phạm vi cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà (thuộc phân khu II, Tổng cục VIII, Bộ Công an) ngang nhiên hoạt động, nhưng chính quyền xã Hà Thạch khẳng định không biết chuyện đó và không có cơ sở khai thác, chế biến cao lanh nào tại địa bàn được cấp phép.

Thực tế việc khai thác cao lanh trái phép đang diễn ra tại nhiều địa phương nhưng rất ít bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Chỉ đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc, chính quyền mới có động thái đình chỉ và tịch thu. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đã có sự đồng lõa, tiếp tay của chính quyền địa phương, khi để tình trạng khai thác cao lanh trái phép một cách ngang nhiên, rầm rộ như hiện nay mà không có bất kỳ một biện pháp nào ngăn chặn?