Ngăn chặn khai thác đất trái phép ở Thái Nguyên

Hiện nay, nhu cầu lấy đất làm vật liệu san lấp thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn. Trong khi đó, mỏ đất được cấp phép khai thác quá ít, cơ quan chức năng và chính quyền một số địa phương quản lý lỏng lẻo, cho nên nạn khai thác đất trái phép đang diễn ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông nông thôn và thất thu ngân sách.

 Khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.
Khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.

Huyện Phú Bình đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án, công trình cần đất làm vật liệu san lấp. Phú Bình giáp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cũng là địa phương đang có nhu cầu lớn về đất làm vật liệu san lấp. Ðây là nguyên nhân khiến tình trạng khai thác đất trái phép xuất hiện khắp nơi. Có thời điểm, để hạn chế ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường, nhiều hộ dân dọc tuyến đường chính ở xã Tân Hòa (Phú Bình) đã ngăn chặn ô-tô chở đất trái phép.

Tại xóm Thi Ðua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đất khai thác trái phép được vận chuyển bán cho một số dự án, công trình tại thị trấn. Nhiều xe chạy qua trung tâm huyện Phú Bình với tốc độ cao, gây mất an toàn giao thông, nhưng không được ngăn chặn. Nhiều đồi, núi ở xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn (Phú Bình) bị đào bới để lấy đất. Nhiều vạt rừng bị tàn phá, san ủi làm đường vận chuyển đất. Anh Lê Văn Ðịnh ở xóm Mai Sơn bức xúc: "Xe chở đất khai thác trái phép chạy từ sáng sớm đến tối. Những hôm trời nắng, bụi bay mù mịt, cây cối hai bên đường bị nhuộm bụi đỏ, vật dụng trong nhà dân luôn phủ một lớp bụi. Tuyến đường bê-tông của xóm Mai Sơn bị hư hỏng do nạn vận chuyển đất trái phép". Trên địa bàn huyện Ðại Từ và thị xã Phổ Yên, nhiều hộ dân bán đồi, núi cho người khai thác để lấy đất bán cho một số dự án san lấp đất ruộng làm nhà máy, công trình giao thông đại lộ đông - tây chạy qua địa bàn. Tình trạng tương tự xảy ra trên địa bàn TP Thái Nguyên, TP Sông Công. Theo lý giải của một số đơn vị, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số công trình giao thông, khu đô thị tại TP Thái Nguyên phải sử dụng đất khai thác trái phép từ các xã Tân Cương, Phúc Xuân là do các mỏ được cấp phép khai thác ở xa, cước vận chuyển cao.

Mặt khác, toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ có năm mỏ đất được cấp phép khai thác. Thực tế này khiến giá đất làm vật liệu san lấp tăng cao. Bên cạnh đó, do một số cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở còn chưa kiên quyết ngăn chặn.

Do tránh được các khoản thuế, phí phải nộp cho Nhà nước, cho nên đất khai thác trái phép được bán với giá thấp. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đối phó cơ quan chức năng bằng cách ký hợp đồng nguyên tắc mua đất với một số đơn vị có mỏ đất, nhưng thực tế chỉ sử dụng đất khai thác trái phép do giá rẻ. Nhiều ô-tô vận chuyển đất trái phép, nhưng trên ca-bin đặt biển "Ðất khai thác từ mỏ" để che mắt cơ quan chức năng và người dân.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần yêu cầu các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác nói chung, đất làm vật liệu san lấp nói riêng. UBND huyện Phú Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết không để xảy ra khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp. Nếu không quản lý tốt, Chủ tịch UBND xã, thị trấn bị xử lý trách nhiệm. Một số huyện cũng quán triệt tinh thần này, nhưng trên thực tế, chưa cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm.

Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn Dương Viết Hòa lý giải: "Chúng tôi đã lập biên bản nhắc nhở một số trường hợp, nhưng thẩm quyền xử phạt rất thấp, lực lượng thiếu nên khó ngăn chặn, răn đe". Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Phú Bình) Nguyễn Văn Trọng cho biết, phải có tin báo thì chính quyền mới xử lý. Theo lãnh đạo UBND xã Kha Sơn (huyện Phú Bình), rất khó ngăn chặn tình trạng này do "đầu nậu" đất cử người theo dõi, báo tin khi lực lượng chức năng ra quân, trong khi đó công an xã không có thẩm quyền dừng ô-tô chở đất.

Tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra trong một thời gian dài cho thấy có sự buông lỏng quản lý của một số chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Trước tình trạng này, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần kịp thời làm rõ trách nhiệm quản lý để xảy ra những bất cập nêu trên, xử phạt nghiêm các chủ đất, chủ phương tiện có hành vi vi phạm; đồng thời kiên quyết không thanh toán, quyết toán đối với các công trình, dự án sử dụng đất làm vật liệu san lấp trái phép. Cần khẩn trương quy hoạch các mỏ đất trên địa bàn, rút ngắn thời gian thăm dò, thẩm định, cấp phép mỏ đất để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp.