Ngăn chặn dịch xâm nhập hệ thống cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu

NDO -

Với vị trí cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Đông Nam Bộ, hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang chịu áp lực rất lớn trong việc vừa duy trì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải.
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải.

Thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”

Với vị trí chiến lược, hết sức quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Đông Nam Bộ và phía nam, các doanh nghiệp cảng trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, trong đó giải pháp “3 tại chỗ” được ưu tiên hàng đầu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Công Vinh đã liên tục kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp cảng nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Quan hệ Chính quyền và Công vụ Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT)  cho biết, ngay khi dịch bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng, ngày 17/7, 350 cán bộ, công nhân thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ) đã được test Covid-19 và tiến hành cách ly làm việc ngay tại cảng.

Cảng đã tận dụng 3 tòa nhà để bố trí cho nhân viên ăn, ở cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Các nơi ở đều có máy lạnh, quạt, gối, nệm… Khu vực ăn nghỉ, sinh hoạt, làm việc được bố trí độc lập giữa các bộ phận; thực hiện giãn cách giữa các nhóm công việc với nhau. Đồng thời, cảng cũng tổ chức xét nghiệm Covid-19 2 lần/tuần cho toàn thể người lao động công ty.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng ngay lập tức cảng Gemalink cũng đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho gần 500 cán bộ, công nhân. Đại diện cảng Gemalink cho biết: Gemalink là cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải nên chúng tôi cũng xác định phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Ngoài thực hiện nghiêm yêu cầu “3 tại chỗ, để tránh nguy cơ lây nhiễm, cảng tăng cường kiểm soát chặt người/phương tiện ra-vào cảng, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tổ chức xét nghiệm PCR 3 ngày/lần cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu của một nền kinh tế, trong đó cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải có vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, việc ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập hệ thống cụm cảng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và được tỉnh ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bởi nếu cảng biển bị đóng cửa do dịch, tàu không thể ghé, hoạt động xuất nhập khẩu bị dừng lại thì nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Kiểm soát chặt lực lượng thuyền viên

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng tàu thuyền đến/rời cảng biển Vũng Tàu là 47.866 lượt tàu (trong đó có 3.622 lượt tàu biển nhập và xuất cảnh; 7.119 lượt tàu biển hoạt động tuyến nội địa và 37.145 lượt phương tiện thủy nội địa) tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, dù dịch bệnh bùng phát nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cảng trên địa bàn tỉnh vẫn rất hiệu quả. Mật độ phương tiện, lưu lượng hàng hóa thông qua các cảng tăng cũng đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch cao tại các cảng.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Thức cho biết, tham gia hoạt động tại cảng biển, ngoài đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là cán bộ tuyến đầu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (y tế kiểm dịch quốc tế; cảng vụ hàng hải; biên phòng cửa khẩu cảng; hải quan; y tế kiểm dịch động vật/thực vật) thì đối tượng là thuyền viên nhập cảnh, thuyền viên đến từ vùng có dịch hay từ hoạt động thay đổi thuyền viên, cũng gây áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch. Tính từ đầu năm đến nay đã có 243 tàu Việt Nam và nước ngoài từ nước ngoài về Vũng Tàu để thay đổi 1.661 thuyền viên. 

Do đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cảng biển, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng tạm thời không cho thuyền viên vào bờ, nhất là thuyền viên nước ngoài hoặc thuyền viên đến từ vùng dịch. Đồng thời yêu cầu các chủ tàu nhập cảnh hoặc tàu đến từ vùng có dịch phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp cảng, hoa tiêu xây dựng “Phương án phòng, chống dịch” cho mỗi tàu trước khi tàu vào cảng.

Tổng Giám đốc Vungtauship Nguyễn Khắc Du cho biết, do thực hiện nhiệm vụ dẫn tàu, tiếp xúc với các thuyền viên của tàu nước ngoài và tàu từ vùng dịch về nên nguy cơ lây nhiễm cho hoa tiêu khá cao. Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Vungtauship đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch cho hoa tiêu, như: trang bị đồ bảo hộ sử dụng 1 lần; giảm số người trên xe đưa đón hoa tiêu; phun xịt khử khuẩn tàu, xe đưa hoa tiêu..

Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất ban hành phương án cho tàu, thuyền đến 19 tỉnh, thành phía nam đang giãn cách xã hội. Theo đó, tàu, thuyền trước khi vào khu vực cảng biển, thuyền trưởng tàu biển nhập cảnh phải khai báo tình hình sức khỏe thuyền viên trên tàu trong thời gian tối thiểu 14 ngày để cung cấp cho CDC địa phương.

Trước khi nhập cảnh, tàu biển phải vào vị trí neo đậu được chỉ định bởi cảng vụ và chỉ được vào làm hàng sau khi các thủ tục kiểm dịch hoàn thành. Thủ tục ra, vào cảng cho tàu biển được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong thời gian tàu làm hàng, thuyền viên, hành khách không được lên bờ (trừ trường hợp thay thuyền viên hoặc trường hợp khẩn cấp). Chỉ những người có nhiệm vụ mới được lên, xuống tàu và tuân thủ tuyệt đối sự giám sát, cấp phép của Biên phòng cảng. Tàu biển phải thiết lập lối đi riêng, thiết lập khu vực làm việc ngoài cabin cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc.

Mới đây, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Phó Thủ tướng khẳng định, hệ thống cảng biển có vị trí rất quan trọng trong lưu thông hàng hóa, do đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải giữ cho được “vùng xanh” an toàn tại các cảng biển.

Báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 7 tháng năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng container thông qua cảng biển ước khoảng 14,7 triệu TEU, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng container thông qua cảng đạt khoảng 2,9 triệu TEU, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, lý do hàng container qua cảng biển tăng mạnh, bất chấp dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đón thêm 8 tuyến tàu mẹ với kích cỡ lớn trên 140 nghìn DWT.