Mùa sương muối ở Hà Nội

Ðã lâu lắm anh mới có dịp đứng trong sương và nhìn sương rõ ràng như lúc này. Sương muối cuối năm là độc lắm. Sương lặng lẽ luồn qua áo sống, ngấm vào da thịt, buốt lạnh thấu xương. Nếu như chiều nay, cầu Chương Dương không tắc, anh đã không đứng chết dí ở giữa cây cầu Long Biên già nua, ọp ẹp này. Mọi ngày, tuần tự hai lần, anh phóng xe qua cây cầu mới chẳng mấy khi có thời gian ngó sang chiếc cầu mà "xương cốt" đã rời đi từng đoạn.

Hình ảnh xưa cũ, quá khứ chỉ cách hiện tại một khúc sông, chỉ cần ngoái đầu là thấy ngay. Dòng người, xe đạp, xe thồ, vẫn cặm cụi ngược xuôi trên chiếc cầu cũ. Trông từ xa chẳng khác gì đàn kiến mải miết ngược xuôi trên thân cây già khẳng khiu, khô khốc.

Giờ thì anh cũng chẳng khác gì một con kiến giữa đường không có lối rẽ nào khác. Sương xuống nhiều hơn, có thể đưa tay hứng lấy. Sương mù se lại thành những hạt mưa li ti. Buốt tê tái, anh rùng mình. Hệt như cái giá lạnh mấy chục năm trước nằm rất sâu trong ký ức tuổi thơ. Cũng trên đầu cầu này, đêm đông anh thường đứng dưới ngọn điện đỏ quạch, co ro chờ mẹ. Gió sông Hồng lồng lộng thốc hoang dại, ánh đèn như một ngọn đèn dầu không đủ sáng. Sương muối thấm vào những dầm cầu, đọng thành giọt chảy dài như những giọt nước mắt trên má, thấm vào môi mằn mặn. Chờ mẹ không biết đến bao giờ. Chỉ đến khi chuyến tàu đêm âm thầm, lầm lũi qua hết cầu, mới thấy bóng mẹ tất tả, xiêu vẹo vén màn sương mù hiện ra. Gió to quá, chỉ sợ cuốn mẹ lên trời...

Có tiếng còi xe phía sau, anh ngoảnh lại. Cả dòng người đang rục rịch chuyển động. Không thể nhìn rõ đâu là xe thồ, xe đạp, người gồng gánh. Chỉ thấy loáng thoáng những gương mặt đầy vẻ lo toan. Nhìn lên phía trước chỉ thấy những tấm lưng, nhưng cũng có thể đoán ra những khuôn mặt và ánh mắt những người ấy.

 Anh cho xe bám theo dòng người hối hả sang cầu. Bất giác anh ngó xuống dòng sông. Sông Hồng trơ lòng, cạn kiệt. Cái bãi giữa ngày xưa ngút ngàn mía, đu đủ, rau xanh, những vạt ngô trổ cờ, nay không còn. Hình như tất cả vừa bị gió và sóng cuốn trôi. Chỉ có sương muối là vẫn ngày xưa: Cháy xém từ ngọn rau, táp xoăn những nụ hoa vừa kịp nhú. Sương đọng thành muối, thấm tới thịt xương người nghèo khó như thế hệ mẹ anh ngày trước.

Dòng người vẫn lặng lẽ qua cầu. Người ta bảo rằng, tính tuổi thọ thì cầu Long Biên đã bắc qua hai bờ thế kỷ. Ðúng mà cũng không đúng. Cây cầu vắt qua cuộc đời bao người lao động, bao kiếp đời lam lũ. Nó dài dằng dặc như cuộc đời gian truân, lăn lộn mưu sinh. "Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu". Cây cầu của người nghèo, ai đếm được có bao nhiêu nhịp? Nay mai sắp có, sẽ có một, hai, ba, bốn, năm... chiếc cầu mới vắt qua sông Hồng. Hiện đại, hoành tráng hơn bây giờ nhiều. Anh thầm mong đến một ngày sẽ không còn những người nghèo lam lũ, tất tả qua cây cầu này...