Mưa, lũ gây nhiều thiệt hại tại Trung Bộ và Tây Nguyên

Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1388/CĐ-TTg gửi các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên về việc tập trung ứng phó mưa, lũ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bị ngập sâu cục bộ, gây ách tắc giao thông trên tuyến.
Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bị ngập sâu cục bộ, gây ách tắc giao thông trên tuyến.

Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn; đồng thời bố trí chỗ ở, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị đói, rét.

Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa, lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài; sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ...

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 17/10 và sáng 18/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã gây ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, các khu đô thị tại nhiều địa phương. Sáng 18/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, Gia Lai tiếp tục lên, sau đó dao động ở mức cao; các sông ở Kon Tum đạt đỉnh và sẽ xuống. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Mưa lớn kéo dài, cùng với các hồ đập xả tràn điều tiết nước đã khiến nhiều địa phương tại Trung Bộ và Tây Nguyên bị ngập sâu, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân. Tại Hà Tĩnh, hệ thống giao thông tại một số địa phương ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Vũ Quang... bị sạt lở, ngập lụt cục bộ. Để chủ động ứng phó, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ, dựng các biển thông báo cấm di chuyển ở những nơi ngập sâu.

Đồng thời, xây dựng phương án sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp. Tại Quảng Ngãi, ngày 17/10, một trận lốc xoáy kèm mưa lớn quét qua địa bàn năm xã thuộc huyện Bình Sơn, làm 92 nhà của người dân bị hư hỏng, tốc mái, trong đó thiệt hại nặng nhất là xã Bình Thạnh, Bình Chánh và  Bình Nguyên. Ngoài ra, một công trình văn hóa ở xã Bình Đông  bị hư hỏng nặng.

Tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), nhiều khu vực cũng bị ngập cục bộ, xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở, làm tê liệt nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Lũ thượng nguồn đổ về kèm theo mưa lớn đã khiến một số tuyến đường ở TP Hội An bị ngập sâu. Từ ngày 16 đến 17/10, trên địa bàn huyện Tây Giang xảy ra mưa rất to, nước sông suối trên địa bàn dâng cao gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

Tại tỉnh Quảng Bình, sóng to, gió lớn đã đánh vỡ nhiều đoạn của tuyến kè Nhật Lệ dài hơn 800 m ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới. Đây là công trình quan trọng được xây dựng nhằm bảo vệ, gia cố tuyến đê biển Nhật Lệ. Sáng 17/10, trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai) có mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông, gây ngập cục bộ nhiều khu vực, nhiều tuyến đường giao thông và cây trồng của nhân dân. Nhờ chủ động xây dựng các phương án từ trước, nên địa phương đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Những ngày qua, tại Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to trên diện rộng. Từ 13 giờ ngày 17/10, hồ chứa thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) nằm ở thượng nguồn sông Bồ đã thực hiện lệnh vận hành điều tiết qua tràn và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, khoảng từ 1.300 - 1.600 m3/giây, đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Ban chỉ huy PCTT tỉnh cho biết, lực lượng chức năng tại Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm hai người dân bị mất tích do lật thuyền trong lúc đánh cá trên sông Bồ.

Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, làm mực nước trên các sông lên ở mức dưới báo động 1, gây ngập lụt, chia cắt cục bộ ở vùng miền núi. Trong mưa lớn, một người mất tích do bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện miền núi Đakrông. UBND huyện Đakrông đang phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm nạn nhân.
Sáng 17/10, tại xóm Tát, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp, làm sập một ngôi nhà có bốn người đang ngủ. Hậu quả làm một người tử vong, ba người trong gia đình bị thương. Ngoài ra, mưa lớn còn gây thiệt hại 18,5 ha ngô và 0,8 ha lúa trên địa bàn huyện. Ngành chức năng trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra.

Tại tỉnh Kon Tum, trong ngày 16 và 17/10, mưa to, gây sự cố mất điện một số khu vực, làm 28 căn nhà bị thiệt hại, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 67 hộ dân đến nơi ở an toàn. Mưa, lũ cũng làm một số tuyến đường bị sạt lở ta-luy âm, dương, đất tràn mặt đường gây ách tắc giao thông… Tỉnh chỉ đạo các lực lượng khẩn trương  triển khai các biện pháp khắc phục.

Tại Quảng Ngãi, vào lúc 0 giờ 55 phút ngày 17/10, một trận lốc xoáy kèm mưa lớn quét qua địa bàn năm xã thuộc huyện Bình Sơn khiến một người bị thương. Nạn nhân là ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1968, ở thôn Thanh Trà, xã Bình Khương). Theo báo cáo nhanh của huyện, lốc xoáy làm 92 nhà của người dân bị hư hỏng, tốc mái từ 25 - 100%, trong đó thiệt hại nặng nhất là xã Bình Thạnh (34 nhà), Bình Chánh (26 nhà) và Bình Nguyên (21 nhà). Một công trình văn hóa ở xã Bình Đông bị hư hỏng 50%.

Cùng ngày, lãnh đạo huyện Bình Sơn đến hiện trường kiểm tra tình hình thiệt hại để có hướng hỗ trợ. Từ sáng sớm 17/10, chính quyền các địa phương huy động lực lượng xung kích phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ đóng trên địa bàn huyện thu dọn vật liệu xây dựng bị đổ nát, giúp dân sửa chữa nhà cửa bị tốc mái.