Mưa đá xuất hiện tối 22/8 ở TP Hồ Chí Minh khá bất thường

NDO -

Theo đại diện Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng mưa đá xuất hiện tối 22/8 ở TP Hồ Chí Minh khá bất thường. 

Mưa đá có kích thước từ 1-3cm tại khu vực TP Thủ Đức (Ảnh: Anh Tuấn).
Mưa đá có kích thước từ 1-3cm tại khu vực TP Thủ Đức (Ảnh: Anh Tuấn).

Tối ngày 22/8, những hình ảnh được người dân cung cấp cho thấy, mưa đá xảy ra tại TP Hồ Chí Minh ở một số khu vực như Bình Chánh, TP Thủ Đức, Cát Lái. Thời điểm xảy ra từ khoảng 18 giờ 35 đến 18 giờ 45 (khoảng 10 phút). Kích thước hạt mưa đá khá to, từ 1 đến 3cm.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, nguyên nhân xảy ra mưa đá là do áp cao cận nhiệt đới lấn tây, đẩy lượng ẩm lớn từ biển về phía đất liền, trong khi áp cao cận cũng tạo thời tiết nắng nhiều, nhiệt độ không khí cao.

Cụ thể, nhiệt độ ở một số khu vực như Nhà Bè: 35 độ C, Biên Hòa, Tây Ninh: 34,5 độ C. Với điều kiện nhiệt ẩm cao không khí có sự bất ổn định lớn (xáo trộn rất mạnh), dòng không khí chuyển động đi lên (dòng thăng) đưa khối mây nóng ẩm lên rất cao, vượt qua tầng đối lưu (càng lên cao nhiệt độ càng giảm, cho đến mực 0 độ C hơi nước bị ngưng kết (đóng băng - cơ chế như nước đá), khi hạt đủ lớn, thắng được lực trọng trường rơi xuống đất thành các hạt đá, gọi là mưa đá.

Hiện tượng mưa đá hôm qua khá bất thường. Thông thường, mưa đá xảy ra ở Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh vào thời điểm đầu mùa mưa và gần kết thúc mùa mưa, khoảng tháng 5, tháng 6 và cuối tháng 10.

Hằng năm, tại Nam Bộ cũng thỉnh thoảng có mưa đá xảy ra như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An… TP Hồ Chí Minh cũng đã có mưa đá xảy ra. Đợt gần nhất là ngày 19/7 ở khu vực Tân Bình. Tuy nhiên, mưa chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn (vài phút). Kích thước hạt mưa đá cũng chỉ như hạt ngô, và xảy ra vào thời điểm tháng 5-6 là chủ yếu, chưa ghi nhận trận mưa đá nào vào cuối tháng 8 như trận mưa ngày  hôm qua.

Ông Quyết nhận định, cuối tháng 8, sang tháng 9, tháng10 là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ, sẽ xuất hiện những trận mưa có lượng lên tới hang trăm mm trong vài giờ, gây ngập lụt đô thị. Mưa kèm dông, lốc xuất hiện nhiều hơn, nhất là thời điểm tháng 10, 11 khi bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động xuống vĩ độ thấp, hoàn lưu của nó ảnh hưởng xuống cả các tỉnh phía nam, thời điểm cuối năm, gió chuyển hướng (gió tây nam giảm và thay thế bằng trường gió đông bắc), những thay đổi này thường gây nên các hiện tượng dông, lốc, gió giật.

Trong trận mưa tối 22/8 còn xuất hiện hiện tượng lốc, vòi rồng ở Bến Tre. Đây cũng là hiện tượng khá hiếm đối với khu vực Nam Bộ.

Những hiện tượng bất thường này cho thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan diễn ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn và phá vỡ những quy luật thông thường.

Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan này, người dân cần có các biện pháp phòng, tránh.

Cụ thể, cần kiểm tra tình trạng mái tôn của nhà, gia cố cho chắc chắn. Quan sát những cây cổ thụ gần nhà, phát hiện tình trạng mục cần báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý.

Khi có mưa, dông thấy dấu hiệu gió mạnh, sấm, sét, cần đóng chặt các cửa nhà, cửa sổ, rút các thiết bị điện ra khỏi ổ, không đứng gần chỗ có nước đọng …. để phòng tránh dông, sét, chủ động kê cao đồ đối với vùng trũng thấp thường xuyên ngập. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình, trang web của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ…