Mở lại hoạt động tại các “vùng xanh” phải bảo đảm chắc chắn, an toàn

Sáng 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam ghi nhận những chuyển biến tích cực của tỉnh Tiền Giang trong việc cố gắng kiểm soát dịch bệnh, dập dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân F0 cũng như thực hiện kịp thời các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân phường Tân Phú, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đi siêu thị trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Người dân phường Tân Phú, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đi siêu thị trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Tiền Giang như: số ca nhiễm còn nhiều, số ca tử vong cao; ổ dịch trong cộng đồng vẫn còn xảy ra; công tác quản lý địa bàn ở một số nơi còn lỏng lẻo; bỏ sót đối tượng cần truy vết… Phó Thủ tướng đưa ra một số định hướng, giải pháp giúp Tiền Giang tháo gỡ, khắc phục những hạn chế trong phòng, chống dịch.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cùng đoàn công tác làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Ðồng Tháp. Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, tỉnh phải tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch, giảm sâu tỷ lệ tử vong; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tầm soát và tách F0; kiểm tra chặt người từ vùng dịch về, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Tổ chức lại các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm. Ðối với các khu vực phong tỏa, địa phương cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm, phải thần tốc truy vết, ngay sau đó thu hẹp vùng khoanh lại. Ðịa phương cần thận trọng, dần mở lại hoạt động tại các “vùng xanh” bảo đảm an toàn.

Phải sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào… Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đến thăm cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khu ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh.

Tối 17/9, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Kiên Giang đã thực hiện giãn cách gần hai tháng qua. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, với tinh thần không thể giãn cách mãi, Kiên Giang phải xác định mốc thời gian cụ thể để chấm dứt. Kiên Giang cần quán triệt thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Tổ Covid cộng đồng, lực lượng công an cơ sở để quản lý địa bàn; rà soát điều kiện tại các khu cách ly tập trung để bảo đảm an toàn cho người cách ly. Trong các khu phong tỏa phải khoanh vùng phù hợp, điều tra dịch tễ nhanh, chuẩn xác, tập trung lực lượng xét nghiệm thần tốc, kịp thời ngăn chặn nguồn lây. Cả hệ thống phải luôn trong tinh thần sẵn sàng, thực hiện đồng bộ các giải pháp không để ca bệnh tăng lên và phải giảm số tử vong.

Ngày 17/9, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định bổ sung các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã Ba Ðồn, sau khi địa phương này ghi nhận ba ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Cụ thể, thiết lập vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 từ 9 giờ ngày 17/9 tại các địa bàn: khu vực chợ Ba Ðồn (thời gian bảy ngày); xóm 3, tổ dân phố Minh Phượng, một phần xóm 1 và một phần xóm 3, tổ dân phố Minh Lợi thuộc phường Quảng Thọ (thời gian 14 ngày). Các địa bàn còn lại của thị xã Ba Ðồn thực hiện Chỉ thị 15.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Tân Uyên (Bình Dương) ra mắt Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương (Trạm số 1), đặt tại Phòng khám đa khoa tư nhân Phúc Tâm Phúc, phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên. Trạm y tế có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp; xét nghiệm Covid-19, phối hợp triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19; khám, điều trị các bệnh thông thường khác và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và người lao động.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, đang triển khai việc đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về quê đợt 1 với hơn 600 người. Công dân được ưu tiên là: phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; học sinh; người cao tuổi; người có hoàn cảnh khó khăn…; điều kiện phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

Ngày 17/9, ca mắc Covid-19 nặng đầu tiên tại Hà Nội được điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã được ra viện. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Ðình Hưng cho biết, trong đợt dịch thứ tư, TP Hà Nội ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng từ 5% đến 6% bệnh nhân nặng và nguy kịch (bệnh nhân tầng 3), được điều trị tại các Bệnh viện Thanh Nhàn và Ðức Giang. Dự báo, dịch Covid-19 ở Hà Nội còn nhiều phức tạp, không thể lường trước, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu xây dựng kịch bản với 40 nghìn trường hợp nhiễm Covid-19.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, ngày 17/9, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.521 ca nhiễm mới, gồm 15 ca nhập cảnh và 11.506 ca ghi nhận trong nước tại 34 tỉnh, thành phố. TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên cả nước, với 5.972 ca, tiếp đến là tỉnh Bình Dương 4.013 ca, Ðồng Nai 345 ca, Long An 273 ca, Kiên Giang 180 ca. Trong ngày, có 9.914 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, 212 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố.

Hưởng ứng Chương trình tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” của Ðoàn Chủ tịch  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, chiều 17/9, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 20.000 lon sữa bột nhập khẩu với tổng trị giá  hơn tám tỷ đồng từ chương trình “Thương nhau mùa dịch” do Ðài Tiếng nói Việt Nam - hệ thống Nội dung số VOV Live triển khai để ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Chiều 17/9, tại UBND xã Trí Phải (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Chủ tịch MTTQ tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện đã trao 109 phần quà tặng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Số quà nêu trên nằm trong tổng số hơn 10.900 phần quà mà MTTQ tỉnh Cà Mau đang triển khai trao hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19. Mỗi suất quà gồm các nhu yếu phẩm, trị giá khoảng 200.000 đồng, được trích một phần từ nguồn quyên góp, vận động nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Kinh phí mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1547/QÐ-TTg ngày 17/9 về kinh phí mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Quyết định nêu rõ, sử dụng 2.652.537 triệu đồng (Hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng) từ nguồn Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại Văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16/9/2021. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.