Mở cửa từng bước, bảo đảm an toàn phòng dịch

Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh chính thức mở cửa nhiều hoạt động sau hơn 120 ngày thực hiện giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là quyết định đáp ứng được mong mỏi của người dân với mong muốn vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát được dịch bệnh.

Siêu thị tại TP Hồ Chí Minh sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại.
Siêu thị tại TP Hồ Chí Minh sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại.

Ngày 30/9, UBND thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố Chỉ thị của UBND  thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ nới lỏng giãn cách, cho phép hoạt động trở lại nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... Tuy nhiên, việc mở cửa sẽ được triển khai chặt chẽ theo phương châm “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”.

Mở cửa thận trọng, an toàn

Đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm, chiếm gần 50% tổng ca nhiễm cả nước, đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; gần 15.000 người chết vì Covid-19. Công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố. Số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc-xin mũi 1 đạt hơn 95%, tỷ lệ người tiêm mũi 2 là hơn 45%. Thành phố đã thí điểm một số hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, các huyện Cần Giờ, Củ Chi bảo đảm an toàn. Ý thức phòng, chống dịch của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam còn rất thấp, tỷ lệ người tiêm mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

Việc ban hành chỉ thị mới nhằm tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn địa bàn; kéo giảm số ca nhập viện và hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình lưu ý: “Từ sau ngày 30/9, thành phố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh của thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.  Thành phố sẽ mở cửa từng bước để đưa cuộc sống người dân về trạng thái “bình thường mới”. Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Trong quá trình thực hiện, tùy diễn biến dịch bệnh, thành phố sẽ tiếp tục có điều chỉnh phù hợp” - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị trên địa bàn quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thành lập các đoàn, tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ cơ sở sản xuất máy công nghiệp Máy Thép Sài Gòn ở ấp 4, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cho biết: “Tôi rất vui khi UBND thành phố Hồ Chí Minh công bố kế hoạch mở cửa trở lại và có lộ trình rõ ràng để người dân và DN có thể chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem lại cơ chế xét nghiệm nhanh Covid-19 theo hướng DN tự chịu trách nhiệm, kéo dài tần suất xét nghiệm lên 14 ngày/lần xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và Nhà nước cần hỗ trợ DN chi phí xét nghiệm. Hơn nữa, tuy việc mở cửa theo lộ trình để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng nên xem xét kỹ càng, cần mở cửa nhiều ngành, nghề liên quan trong chuỗi cung ứng để hoạt động kinh tế được vận hành thông suốt, vì các ngành nghề cũng như doanh nghiệp đều có mối liên kết ở mức độ nhất định”. 

Về công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Đỗ Quốc Huy cho biết: Hiện nay, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu mà hệ thống phân phối thuộc Saigon Co.op cung ứng cho thị trường cả nước khoảng 1.500 tấn/ngày. Để có thể bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng ổn định trong thời gian tới, Saigon Co.op đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp ở nhiều khu vực, địa phương. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã dự trữ gần 65.000 tấn các loại hàng hóa thiết yếu để cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh và cả nước đến hết tháng 10/2021. 

Còn theo Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi, trong những ngày này, các DN ngành lương thực, thực phẩm đang chuẩn bị vào mùa sản xuất phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết, cho nên rất cần bổ sung nguồn vốn mới. Lý do DN đã cạn kiệt nguồn tài chính vì phải thực hiện các phương án sản xuất “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm phải giữ nguyên để chia sẻ khó khăn cùng người dân... 

Ở bình diện chung, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (Huba) Chu Tiến Dũng cho rằng: Ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình bình ổn giá; nắm bắt tình hình khó khăn của DN và kịp thời tháo gỡ, nhất là tháo gỡ các thủ tục về tín dụng; có chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ. Về chính sách thuế, theo ông Chu Tiến Dũng, cần giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế TNDN năm 2022 và năm 2023 cho các DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. Chấp nhận được trừ vào chi phí tính thuế TNDN tất cả các chi phí phòng, chống dịch của DN như: chi phí xét nghiệm Covid-19 và điều trị y tế (nếu có); chi phí ăn uống, sinh hoạt; chi phí đồ bảo hộ cá nhân (khẩu trang, mặt nạ, nước khử khuẩn...); chi phí khách sạn để cách ly... Bên cạnh đó, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) của ba tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023; hoàn thuế VAT xuất khẩu cho DN trong thời hạn một tháng sau khi DN hoàn tất các thủ tục hoàn thuế... Đối với hộ kinh doanh, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh trong quý III, quý IV năm 2021 và số thuế phải nộp trong năm 2022 và 2023.

Với người lao động, cần miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2; không tính thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” của DN. Đối với ngành hải quan, ông Chu Tiến Dũng đề nghị Cục Hải quan thành phố nhanh chóng phối hợp các cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu; tăng cường nhân sự, tiếp tục duy trì các Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu 24/7; phát huy hiệu quả của các Tổ công tác hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu...

Mở cửa từng bước, bảo đảm an toàn phòng dịch -0
Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu trên dây chuyền sản xuất hiện đại trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TP Hồ Chí Minh).

Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh cho phép 14 loại hình sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại. Trong đó, có DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp; DN, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, người hành nghề thú y; Công trình giao thông, xây dựng. Các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mi-ni, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống; xăng, dầu, gas, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang, thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư. Các dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới - hỏi...