Miền trung sẵn sàng ứng phó mưa, lũ

Chiều 25/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1426/CĐ-TTg điện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Quốc phòng, Công an; UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và TP Đà Nẵng.

Đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn (Bình Định) bị ngập chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa. Ảnh: CÁT HÙNG
Đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn (Bình Định) bị ngập chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa. Ảnh: CÁT HÙNG

Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, trong đó tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền hoạt động trên biển, ven biển, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn dân cư trong trường hợp xảy ra mưa, lũ lớn. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ: tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút… Các bộ, ngành liên quan bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ theo đề nghị của địa phương; khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, đây là cơn bão di chuyển nhanh và suy yếu nhanh, mưa do bão cũng kết thúc nhanh, dự kiến trong ngày 28/10 sẽ kết thúc mưa. Mưa trọng tâm xảy ra từ Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 300 mm. Sau đó, mưa sẽ dịch dần lên phía bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, với lượng mưa từ ngày 27 đến 30/10 là 200 - 350 mm, có nơi hơn 400 mm. Cần đề phòng ngập lụt tiếp tục xảy ra tại Quảng Nam và Quảng Ngãi; sạt lở, lũ quét ở Trung và Nam Trung Bộ.

Để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do bão có thể gây ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện (261.324 người) biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Hiện nay, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ dân, với 7.076 người ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trong đó, Quảng Nam 779 hộ (2.535 người), Quảng Ngãi 1.370 hộ (4.541 người). Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, hiện vẫn còn khoảng 194 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Do mưa rất to tập trung trong thời gian ngắn, cùng với thời tiết đã mưa liên tục những ngày vừa qua khiến cho nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn về hồ chứa, đặc biệt với các hồ chứa nhỏ đã đầy nước ở các khu vực nêu trên là rất cao.

Điều đáng nói nữa là hiện nay, 77 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang xả qua tràn, trong đó Bắc Bộ bảy hồ, Bắc Trung Bộ bảy hồ, Nam Trung Bộ 17 hồ, Tây Nguyên 41 hồ, Đông Nam Bộ năm hồ. Một số hồ đã xả lớn như Sông Tranh 2, sông Ba Hạ, Ialy, Sê San 4 và Sê San 4A. Ngoài ra, các hồ thủy lợi từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có 159/476 hồ đầy nước, trong đó tỉnh Quảng Ngãi 112/118 hồ đầy nước, Quảng Nam 36/73 hồ, Đà Nẵng 7/19 hồ, Thừa Thiên Huế 4/56 hồ. Đặc biệt các địa phương trên có 46 hồ xung yếu và 20 hồ đang thi công.

Do mưa lớn gây ngập lụt trong những ngày qua tại các tỉnh miền trung đã làm bốn người chết và mất tích, hàng nghìn héc-ta lúa, ngô bị thiệt hại; nhiều kênh mương, công trình thủy lợi, đập dâng bị sạt lở, bồi lấp... Ngoài ra, tình trạng ngập lụt cũng xảy ra ở nhiều nơi. Điển hình như tại Quảng Nam có 5.373 nhà bị ngập thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; TP Tam Kỳ và Hội An có nơi ngập 0,3 - 1 m. Quảng Ngãi 11.038 nhà bị ngập thuộc huyện Bình Sơn, với mức ngập 0,5 - 0,7 m. Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), đường Hùng Vương ngập nặng chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa. Nguyên nhân là do Cụm công nghiệp Nhơn Bình và khu dân cư mới xây dựng lấp dòng chảy tự nhiên.

Để chủ động phòng, chống ảnh hưởng của bão và đợt mưa, lũ mới, tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai diễn ra ngày 25/10, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường thông tin trên đài duyên hải để người dân biết vị trí nguy hiểm của bão để trú tránh kịp thời. Lực lượng biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu để không chỉ cảnh báo cho tàu, thuyền trên biển mà còn ở ven bờ để nâng cao ý thức phòng, chống bão của người dân. Mặt khác, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên vừa chịu ảnh hưởng của đợt mưa, lũ vừa qua, nay lại đối mặt với đợt mưa, lũ mới, do đó, cần bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực ngập lụt. Cần khẩn trương kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán, dừng tất cả các công trình đang thi công, nhất là việc thi công các nhà máy thủy điện, điện gió… chỉ trừ các bộ phận đang sửa chữa, khắc phục sạt lở đất ở ngành giao thông.