Lắp đặt cửa van cuối cùng công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nam Bộ

NDO -

Ngày 18-6, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các nhà thầu thi công đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van cuối cùng của cống Cái Lớn - công trình cống ngăn mặn lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

Lắp đặt cửa van cuối cùng Dự án cống Cái Lớn.
Lắp đặt cửa van cuối cùng Dự án cống Cái Lớn.

Công trình cống Cái Lớn có quy mô chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực.

Mỗi cửa van có chiều ngang 40m, cao 9m, nặng hơn 200 tấn. Để vận chuyển từ bờ ra sông lắp đặt cần phải sử dụng xà lan, cần cẩu chuyên dụng nâng thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Theo ông Lê Hồng Linh, cả công trình cống Cái Bé và Cái Lớn đều đang vượt tiến độ thi công nhiều tháng, do đó sớm được đưa vào vận hành so với kế hoạch, phát huy hiệu quả đầu tư công.

Sau khi hoàn thành việc lắp cửa van cuối cùng, dự kiến khoảng hai tuần cống này có thể đưa vào vận hành tạm, phục vụ điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt cho một số địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… Tính tới thời điểm hiện tại, dự án cống Cái Lớn đã hoàn thành gần 90% khối lượng và sẽ hoàn thiện toàn bộ công trình vào tháng 10-2021.

Vào tháng 2-2021, cống Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm hai cửa van, mỗi cửa van rộng 35m và một khoang âu thuyền rộng 15m, đã hoàn thành, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, giúp hàng chục nghìn héc-ta lúa, cây ăn trái trong vùng khỏi nguy cơ xâm nhập mặn.

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10-2019. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với gần 350 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Bên cạnh đó, dự án còn kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên), còn kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.