Kỳ 3: Quảng Trị với niềm vui mới

NDO -

Nhiều người nghĩ đến Quảng Trị là nghĩ đến nhịp cầu chia cắt mang tên Hiền Lương; nghĩ đến sông Thạch Hãn vẫn đau đáu "Đáy sông còn đó bạn tôi nằm"; là lớp lớp những tấm bia mộ mà ngày sinh đến ngày mất trùng với hai thập kỷ đau thương của dân tộc. Nhưng ở trong hoàn cảnh nào Quảng Trị cũng đầy bản lĩnh, cháy bùng khát vọng đoàn kết và phát triển mạnh mẽ hướng đến tương lai tươi sáng.

Di tích cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Di tích cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vị trí đặc biệt

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022); 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022) cũng là dịp 715 năm vùng đất Quảng Trị về với với Đại Việt (1307-2022). 

Sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân của nhà Trần với vua Chế Mân của Chăm Pa vào năm 1306 để đổi lấy hai châu Ô, Rý của Chăm Pa, rồi sau đổi tên thành Thuận Hóa (vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bây giờ), năm 1307 vua Trần Anh Tông sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào cắt cử quan chức, vỗ yên dân chúng. 

Nhưng phải đến tháng 10/1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ  Thuận Hóa, đóng Dinh ở vùng đất Ái Tử - Trà Bát, nay là xã Triệu Ái, xã Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong thì vùng đất Quảng Trị bây giờ thực sự ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người. Cùng đi với ông có cả đoàn tùy tùng hơn nghìn người đều là nghĩa dũng hai xứ Thanh Hóa, Nghệ An. Nhờ tài, đức mà ông đã quy tụ về với mình nhiều tướng giỏi, xuất thân đa dạng, hết lòng cùng nhau mưu tính để xây dựng cơ nghiệp trên miền đất mới, từng bước tạo lập vùng đất Quảng Trị cũng như xứ Đàng Trong ngày càng phát triển.

Những ngày đó chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã sử dụng chính sách khôn ngoan thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng cho người dân. Chính sự khoan hòa, rộng rãi đó của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã khiến các tầng lớp dân chúng đều tin yêu, khâm phục. Đạt được nhân hòa thì mọi chuyện trở nên thuận lợi. Chúa lần lượt dẹp yên các cuộc chống đối trong xứ và đánh tan các thế lực thù địch, nội bộ thống nhất, đoàn kết, nhân dân đều an cư lạc nghiệp.

Kể lại quá khứ để thấy, hơn 7 thế kỷ qua, vùng đất Quảng Trị luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước. Từ một vùng phên dậu trở thành thủ phủ của Đàng Trong thời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613); rồi kinh đô kháng chiến với phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (1973-1975) để tạo ra vị thế mới của trung tâm đầu não Cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Quảng Trị cũng là nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều bậc hiền tài, những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, trong đó tiêu biểu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, có vai trò quan trọng của cách mạng miền nam.

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tiếp nối nguồn năng lượng dồi dào của cha ông để lại, sự vun đắp xây dựng của các thế hệ đi trước và nhờ giúp đỡ tận tình của trung ương, những năm gần đây Quảng Trị đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Quảng Trị đang đón nhận “làn sóng” đầu tư thế hệ mới hết sức tích cực với các dự án năng lượng tái tạo, giao thông, sân bay, cảng biển, công nghệ có giá trị cao. Trong đó lợi thế nổi bật nhất các nhà đầu tư hướng đến đó là Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước vào năm 2030.

Những ngày này nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Khu kinh tế đông nam Quảng Trị tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai đầu tư. Niềm vui còn nguyên vẹn trên gương mặt mỗi người dân khi ngày 15/1 vừa qua, tỉnh Quảng Trị cùng các nhà đầu tư khởi công hạ tầng kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG ở Hải Lăng giai đoạn 1 có công suất đến 1.500 MW với tổng số vốn đầu tư hơn 54 nghìn tỷ đồng, phấn đấu vào quý 1/2023 sẽ xây dựng nhà máy và đến 2026-2027 phát điện.

Cùng với điện khí, 31 dự án điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa đã và đang đi vào hoạt động, hằng năm giúp Quảng Trị thu ngân sách thêm được một phần rất lớn. 

Kỳ 3: Quảng Trị với niềm vui mới -0
 Mô hình thiết kế Cảng hàng không Quảng Trị.

Cùng trong hệ thống dự án động lực, dịp này tỉnh Quảng Trị khởi công công trình giao thông hành lang kinh tế ven biển với ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng và khởi công nâng cấp Quốc lộ 9 - Xuyên Á từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1; khởi công khu công nghiệp Quảng Trị ở huyện Hải Lăng. Trong năm nay, Quảng Trị quyết tâm cùng nhà đầu tư khởi công xây dựng Cảng hàng không ở huyện Gio Linh, kết nối các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia nhằm dẫn dắt các ngành kinh tế phát triển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, mặc dù tỉnh có Khu kinh tế đông nam rộng lớn, khu công nghiệp Quán Ngang, khu công nghiệp tây bắc Hồ Xá… nhưng chưa có những điểm nhấn công nghiệp đủ mạnh như Trường Hải ở Chu Lai (Quảng Nam) hay lọc hóa dầu Bình Sơn, Dung Quất (Quảng Ngãi) để thúc đẩy mạnh hơn nữa cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, Quảng Trị quyết tâm cùng sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, nhà đầu tư để đưa dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 sớm xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động kéo theo sự phát triển khu vực, tạo thành khu công nghiệp vững mạnh.

Cùng với quyết tâm trong năm 2022 khởi công cảng nước sâu Mỹ Thủy, cố gắng đưa vào sử dụng vào năm 2025. Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư thêm những điểm nhấn công nghiệp khác nữa để tạo tiềm lực phát triển.

Nông nghiệp đang là bệ đỡ

Kỳ 3: Quảng Trị với niềm vui mới -0
Quảng Trị phát triển lúa hữu cơ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon”. 

Những ngày này cánh đồng lúa hữu cơ cấy giống ST25 của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đang chuẩn bị thu hoạch để sản xuất gạo mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon”. Đây là bước đi đầu tiên nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Quảng Trị phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sepon Group cho biết, dự án phát triển lúa hữu cơ, VietGAP được tỉnh Quảng Trị giao do Sepon Group làm chủ đầu tư từ 2021, có mục tiêu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa. Dự án này nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Trị sẽ có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP triển khai tại huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Triệu Phong.

Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cùng với liên kết sản xuất lúa hữu cơ thì sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên và thích nghi biến đổi khí hậu là điểm nhấn nổi bật trong thời gian qua. Hướng phát triển chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo phương thức doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất ruộng của mình.

Như vậy người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật, có đường giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng, sản phẩm đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng. Phát triển sản xuất theo hướng này, thu nhập của nông dân cao hơn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng có thu nhập ổn định hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.

Thời gian tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp làm bệ đỡ để phát triển. Tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lợi thế tự nhiên dù có lớn bao nhiêu và thuận lợi như thế nào thì vẫn chưa đủ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Vì vậy, cần phải tăng các ưu đãi hấp dẫn về thuế cũng như các chính sách tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt môi trường đầu tư cần phải được tạo dựng trên nền tảng từ những sản phẩm quy hoạch chất lượng, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy tỉnh đang tiến hành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi quy hoạch tốt sẽ định hướng chiến lược phát triển tỉnh với tầm nhìn dài hạn, từ đó dẫn dắt, kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.  

Tỉnh Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, một trong ba trụ cột cùng với nông nghiệp và du lịch để phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm khá của cả nước như nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, giai đoạn 2020-2025 đề ra. 

Nhiều người đến Quảng Trị hôm nay không khó để cảm nhận ra vùng đất này đang tươi đẹp mỗi ngày. Đó là thành quả lao động của những con người cẩn trọng, sáng tạo, của những trái tim lương thiện luôn biết chắt chiu và san sẻ yêu thương để đưa Quảng Trị luôn trở thành một khối đoàn kết vững chắc và phát triển mạnh mẽ.