Kịp thời giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Các đại biểu tại “Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019” (Ảnh: Đăng Khoa).
Các đại biểu tại “Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019” (Ảnh: Đăng Khoa).

Cần sớm có hướng dẫn quy định chi tiết

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9-12-2020, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.

Pháp lệnh lần này có nhiều nội dung mới về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công và quy định bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công.

Điều 48 Pháp lệnh đã giao Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh, bao gồm 10 nội dung.

Theo đó, cần thiết sớm có Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh để hướng dẫn thực hiện thống nhất các nội dung mới và những nội dung được Pháp lệnh giao, một số nội dung chính như: quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn người có công khi xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Bổ sung quy định về việc xem xét xác nhận người có công đối với những trường hợp còn tồn đọng; quy định mở rộng về thời gian xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Bổ sung hướng dẫn thực hiện một số chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng về miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở, chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất, ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng, chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế,…

Bên cạnh đó, ban hành Nghị định để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn thực hiện triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ. Một số vấn đề vướng mắc cần sớm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình quản lý nhà nước về người có công trong giai đoạn mới.

Vì vậy, để bảo đảm hướng dẫn thi hành các nội dung mới của Pháp lệnh trong cuộc sống, giải quyết các vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về người có công và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục và chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh là cần thiết.

Công khai, minh bạch trong giải quyết ưu đãi người có công với cách mạng

Mục đích của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời việc xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và những người có liên quan.

Dự thảo văn bản cũng quy định hướng dẫn các biện pháp thi hành và bảo đảm tổ chức thực thi Pháp lệnh thông suốt, hiệu quả. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những nội dung còn vướng mắc từ thực tế quản lý nhà nước theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ.

Một trong những quan điểm xây dựng Dự thảo là bảo đảm khả thi và công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết ưu đãi người có công với cách mạng; phù hợp với bối cảnh thực tiễn đất nước sau thời kỳ chiến tranh, thời kỳ hòa bình.

Cùng với đó, xác định rõ thẩm quyền các cơ quan trong giải quyết chính sách, chế độ người có công với cách mạng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải quyết hồ sơ, thủ tục ưu đãi người có công.

Dự thảo Nghị định gồm có tám chương và 204 điều. Trong đó, sáu chương quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và những người có liên quan.

Cụ thể, Chương 2 gồm 12 mục và 74 điều  quy định về “Điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ xác nhận, giải quyết và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi.

Các mục của chương này quy định theo 11 diện đối tượng người có công về điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ  xác nhận người có công với cách mạng; thủ tục, hồ sơ giải quyết và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công.

Dự thảo cũng bổ sung mục 12 quy định về xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, mất tích, bị thương trong chiến tranh (đối với những trường hợp còn tồn đọng).

Chương 3 gồm 35 điều quy định về “Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công”, nhằm quy định việc thực hiện các chế độ ưu đãi khác quy định tại khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh.

Trong mỗi mục của Chương này, dự thảo quy định về đối tượng hưởng, chỉ ra các chế độ ưu đãi, ưu tiên theo pháp luật chyên ngành, nguyên tắc và hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi. Đối với các nội dung ưu đãi do ngành lao động - thương binh và xã hội triển khai thực hiện được quy định chi tiết, cụ thể.

Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tiếp nhận nuôi dưỡng hoặc đưa về gia đình đối với thương binh, bệnh binh nặng tại các cơ sở nuôi dưỡng người có công.

Chương 4 gồm 24 điều quy định về “Hướng dẫn một số nội dung khác liên quan đến thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”. Nội dung Chương này tập trung quy định các hồ sơ, thủ tục có liên quan khác đến việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chế độ đối với người lao động tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và bộ phận quản trang

Chương 5 gồm 28 điều quy định về “Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ”. Chương này cũng bổ sung nội dung mới quy định về truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ, lễ viếng liệt sĩ tại công trình ghi công liệt sĩ.

Chương 6 gồm 27 điều quy định về “Giám định y khoa để xem xét công nhận người có công và thân nhân của người có công với cách mạng”. Chương này quy định các nội dung về công tác giám định y khoa để thực hiện nhiệm vụ khám, giám định kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người có công, thân nhân người có công.

Chương 7 quy định chi tiết về nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

* Cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.

Đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Mức chuẩn trợ cấp hằng tháng tăng từ hơn 1,3 triệu đồng năm 2015 lên mức hơn 1,6 triệu đồng năm 2020.

Đến cuối năm 2020, có 99,7% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện nghèo.

Hoàn thành việc xem xét, giải quyết và trả lời đối với 6.800 hồ sơ người có công tồn đọng tại thời điểm rà soát năm 2017 tại các cơ quan quân đội, công an và địa phương theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.