Không được phép ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam

Tại trận đấu đầu tiên ở mùa giải AFF Cup 2020 trên sân vận động Bishan (Singapore), tuyển Việt Nam đã thắng 2-0 trước đội tuyển Lào. Tuy nhiên, sự việc tín hiệu âm thanh ở phần lễ chào cờ tại trận đấu bỗng nhiên bị tắt tiếng trên nền tảng YouTube vì lý do bản quyền đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.

Các cầu thủ Việt Nam thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trước trận gặp đội tuyển Lào.Nguồn: NEXT SPORTS
Các cầu thủ Việt Nam thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trước trận gặp đội tuyển Lào.Nguồn: NEXT SPORTS

Cụ thể, ở màn cử hành nghi lễ trước trận đấu, hàng triệu người theo dõi qua nền tảng YouTube đã không có cơ hội nghe các cầu thủ cất lên những giai điệu đầy tự hào của Quốc ca. Ca khúc bị tắt tiếng, màn hình hiển thị dòng chữ: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm”. Điều này chỉ xuất hiện trên nền tảng YouTube, người xem qua sóng truyền hình quốc gia vẫn có thể nghe rõ giai điệu bài hát Tiến quân ca.

Ngay khi sự việc xảy ra, không ít dòng trạng thái bày tỏ bức xúc đã liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Sự việc khiến nhiều người nghĩ ngay tới BH Media-đơn vị gần đây đã vướng phải nhiều “lùm xùm” khi xác nhận quyền sở hữu bản ghi Quốc ca trên YouTube. Tuy nhiên, theo xác nhận từ BH Media, vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến đơn vị này. BH Media khẳng định: Trong trận đấu Việt Nam-Lào, đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT từng vướng phải. (Video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc). Trước đó, trong trận Việt Nam-Arab Saudi diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu) đã không thu được tiền vì ban tổ chức trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là hãng đĩa Marco Polo mà không xin phép.

Cũng theo BH Media, hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu đã không bị mất tiền oan.

Sự việc trên một lần nữa khiến vấn đề minh bạch bản quyền âm nhạc trên môi trường số trở nên nóng hơn bao giờ hết. Từ đây, có thể thấy việc sử dụng bản ghi Quốc ca nào và sử dụng ra sao là nội dung bấy lâu chưa được các đơn vị liên quan quan tâm đúng mức. Việc xác định bản ghi đó thuộc sở hữu của đơn vị nào, có được quyền khai thác hay không càng là vấn đề chưa mấy được tìm hiểu. Thế nên mới dẫn đến những chuyện vừa nực cười vừa đáng buồn như bị mất doanh thu vì tiếp sóng chương trình sử dụng bản ghi có bản quyền mà không xin phép, hoặc lo ngại vấn đề bản quyền nên đành tắt tiếng cho an toàn. Cũng từ những sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, để không còn những câu chuyện đáng tiếc xảy ra đối với những giai điệu, ca từ thiêng liêng của Quốc ca, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa cần phải có những quy định cụ thể liên quan đến việc thực hiện, khai thác và sử dụng ca khúc Tiến quân ca.

Theo nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Tiến quân ca đã được nhạc sĩ Văn Cao và gia đình nhạc sĩ hiến tặng cho Tổ quốc và nhân dân, việc sử dụng ca khúc vì mục đích khai thác kinh doanh phải được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, đang tồn tại rất nhiều bản ghi Tiến quân ca khác nhau do các đơn vị trong, ngoài nước sản xuất. Vì vậy, để tạo sự thống nhất, thuận lợi và giữ được tính uy nghiêm, trang trọng của Quốc ca, Nhà nước cần chọn ra bản ghi chuẩn nhất làm gốc, hoặc đầu tư để thực hiện ngay một bản ghi chuẩn chỉnh để phổ biến trong nước và quốc tế, quy định sử dụng bản ghi này trong tất cả các hoạt động lễ lạt, nghi thức trong, ngoài nước.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, đại diện cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã trực tiếp chứng kiến lễ trao tặng ca khúc Tiến quân ca giữa gia đình nhạc sĩ Văn Cao và Quốc hội. Quốc ca là tài sản của quốc gia nên muốn khai thác, sử dụng phải có ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ông cho rằng, cần sớm thống nhất một bản ghi Quốc ca để sử dụng trong mọi hoạt động nghi thức trong, ngoài nước. Bản ghi này cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia, phải bảo đảm yêu cầu về nghệ thuật, về tốc độ, đó là chơi một lần trong 58 giây, tương ứng với 21 phát đại bác. Đây cũng là quy chuẩn đã được Đoàn Nghi lễ quốc gia thực hiện trong các lễ duyệt binh lớn của nhà nước suốt nhiều năm qua.

Liên quan sự cố âm thanh Quốc ca bị tắt trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam-Lào, ngày 7/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các đơn vị liên quan và đưa ra ý kiến chính thức. Bộ khẳng định: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm cả trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Ngay sau đó, Next Media đã phát đi thông báo: Từ ngày 7/12/2021, khán giả của Next Sports và người hâm mộ sẽ được nghe toàn bộ phần nghi lễ bao gồm Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên mọi nền tảng phát sóng. Như vậy, câu chuyện lần này còn là bài học đắt giá dành cho cả đơn vị bán và mua bản quyền phát sóng/tiếp sóng các chương trình, không chỉ với riêng bóng đá mà ở tất cả mọi lĩnh vực. Đơn vị bán bản quyền phải bảo đảm được đầy đủ tính pháp lý của chương trình mình cung cấp trên tất cả các thành phần nội dung. Đơn vị mua cũng phải bảo đảm sản phẩm mình mua đã đáp ứng đầy đủ vấn đề bản quyền. Không thể có chuyện vì lo vi phạm bản quyền mà tắt tiếng hay làm nhòe, làm mờ các âm thanh, hình ảnh liên quan, không chuyển tải đầy đủ và chân thực diễn biến chương trình ■