Khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Tại phiên họp cấp cao của Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề “Không dự phòng, Không thể kết thúc: Vai trò lãnh đạo trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ những kinh nghiệm và năm bài học mà Việt Nam áp dụng thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tư vấn cho người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGUYỄN HOA
Tư vấn cho người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGUYỄN HOA

Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS được tổ chức 5 năm một lần nhằm khẳng định cam kết chính trị của các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổng kết thành tựu, tiến độ triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã thống nhất tại kỳ họp trước. Cuộc họp cũng sẽ thúc đẩy các hành động mạnh mẽ trong 5 năm tới để đưa thế giới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 trong khuôn khổ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Sau gần 40 năm kể từ khi những người mắc HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện, tính đến hết năm 2020, trên thế giới hiện có hơn 37,6 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS, trong đó có hơn 27,4 triệu người đang được điều trị, gấp hơn ba lần so với con số 7,8 triệu ghi nhận vào năm 2010. Trong 10 năm qua, số người chết do HIV/AIDS đã giảm 43%. Tuy nhiên, những trường hợp không qua khỏi hàng đầu vẫn là phụ nữ tuổi từ 15 đến 49 tại khu vực châu Phi phần lớn mắc mới là trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan căn bệnh này trở nên khó khăn hơn do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. 

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện  năm 1990, tính đến ngày 31-12-2020, Việt Nam có 230 nghìn người nhiễm HIV/AIDS và số người chết là 107.812. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11 nghìn ca nhiễm HIV và 2.800  người chết. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long và  ở đối tượng nam giới. Số người nhiễm HIV tại Việt Nam cũng tập trung ở độ tuổi 16 đến 29 (chiếm 45%) và 30 đến 39 (chiếm 31%). Đường lây truyền chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 76,4%) và qua đường máu (chiếm 11,9%), mẹ lây sang con (1,1%). Đáng chú ý, trong 5 năm gần đây, số ca nhiễm HIV phát hiện mỗi năm giảm hai phần ba (xuống còn 10 nghìn ca) và  số người chết giảm 80%. Kết quả này giúp Việt Nam  từng bước kiểm soát được HIV/AIDS khi tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư khoảng 0,26%.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (Bộ Y tế), tuy Việt Nam đang là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới, nhưng hiện nay HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10 nghìn người nhiễm HIV mới với khoảng 2.800 người chết. Hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi  nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Tại phiên họp, chia sẻ về những kinh nghiệm ngăn ngừa các ca nhiễm mới HIV thông qua việc áp dụng các chương trình điều trị duy trì bằng Methadone - một chương trình giảm tác hại có thể gây tranh cãi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã lọt vào nhóm một số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. 15 năm trước, tiêm chích hê-rô-in là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy là khoảng 30%, nhưng hiện nay chỉ còn 10%. 

Để đạt được bước chuyển này, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đưa ra năm bài học kinh nghiệm. Bài học đầu tiên là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự quyết tâm chính trị. Việc này rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các bộ, ban, ngành và nhất là của người dân, chấp nhận nghiện ma túy như một bệnh, chứ không phải là tội phạm và từ đó tích cực điều trị. Quan điểm này đã được luật hóa và đưa vào chính sách, tạo điều kiện triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Bài học thứ 2, Việt Nam đã triển khai toàn diện các can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV dưới nhiều hình thức phong phú và phù hợp. Bài học thứ 3, Chương trình Methadone - chương trình điều trị thay thế của Việt Nam đã được triển khai. Theo đó, để giảm  tới mức thấp nhất số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, Việt Nam đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể như chương trình điều trị Methadone và Buprenorphine được mở rộng, góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan HIV trong nhóm này. Mặc dù giai đoạn đầu triển khai có những ý kiến trái chiều bởi các quan điểm, quan niệm từ phía người dân. Nhưng bằng công tác tuyên truyền, Việt Nam đã thuyết phục người dân hiểu được, thay đổi nhận thức và thực hiện tốt chương trình này. Đến thời điểm hiện tại, có gần 53 nghìn bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại 63 tỉnh, thành phố. Chương trình này được coi là thành tựu của Việt Nam, mang lại hiệu quả cao, tác động tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự.

Bài học thứ 4, Việt Nam cũng đẩy mạnh phân phát bơm kim tiêm sạch một cách sáng tạo với độ bao phủ rộng do cộng đồng thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều chương trình can thiệp khác để dự phòng lây nhiễm HIV như: Phân phát bao cao-su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP). Hằng năm có khoảng 25 đến 30 triệu bơm tim kiêm sạch đã được cung cấp cho các đối tượng tiêm chích ma túy. Bài học thứ 5  là muốn triển khai bền vững và thành công các chương trình nêu trên, bắt buộc phải triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, dịch vụ. Trong mọi nỗ lực để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch  HIV/AIDS vào năm 2030 trên toàn thế giới, cần có sự chung tay, chung sức và sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo, ý thức của người dân và cộng đồng của mỗi quốc gia.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam và khẳng định Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu 95-95-95 và hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.