Khởi nghiệp trên quê hương Lý Tự Trọng

NDO -

Thời gian qua, nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công của thanh niên Hà Tĩnh đã và đang trao truyền cảm hứng cho các bạn trẻ nỗ lực vượt khó vươn lên. Sát cánh cùng những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, mới mẻ của tuổi trẻ, các cấp bộ đoàn trên quê hương Lý Tự Trọng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. 

Mô hình trang trạng tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của đoàn viên Lê Sỹ Thuật.
Mô hình trang trạng tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của đoàn viên Lê Sỹ Thuật.

Theo chân cán bộ huyện đoàn Can Lộc (Hà Tĩnh) chúng tôi vượt qua những cánh rừng thông, đòi keo xanh mơn mởn xen lẫn những trang trại trồng cam, bưởi trù phú của người dân vùng Trà Sơn (Can Lộc).

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng cán bộ huyện đoàn Can Lộc cho biết, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bom đạn của kẻ thù đã biến vùng đất dọc tuyến đường 15A trở thành “vùng đất chết”. Giờ đây, bằng ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân, trong đó có sự chung tay, góp sức của các thế hệ đoàn viên, thanh niên, vùng đất “bom cày, đạn xới” này khoác lên mình một màu xanh mới, đó là màu xanh của ấm no, của sự sống phát triển không ngừng.

Trang trại của đoàn viên Nguyễn Đăng Trang, sinh năm 1991, ở tổ dân phố Tân Hương, thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm sát đập Hồ Dước. Mặc dù nguồn nước ở đây khá phong phú, song do đường sá đi lại khó  khăn, phương thức canh tác hạn chế nên cả một thời gian dài thế mạnh của vùng đất này vẫn chưa được “đánh thức”.

Nhớ lại những ngày đầu vào khai hoang, lập nghiệp, đoàn viên Nguyễn Đăng Trang chia sẻ: Nhờ sự động viên, hướng dẫn của gia đình, tôi đã mạnh dạn cải tạo khu vực đất đồi sát đập Hồ Dước với diện tích hơn 2ha. Với nguồn vốn vay ít ỏi từ ngân hàng và bạn bè, thời gian đầu tôi vừa tập trung  máy móc cải tạo, san lấp vườn đồi, vừa nuôi xen vụ các loại gia cầm như gà, vịt và trồng các loại rau màu xen vụ với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Khi đã tích lũy được vốn liếng, kiến thức phát triển trang trại, tôi mạnh dạn trồng hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch và nhập về 2.000 con giống ngọc trai từ Vĩnh Phúc về nuôi tại đập Hồ Dước. Sau 5 năm đối mặt với nhiều gian truân, vất vả, đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của tôi đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

anh_2_3-1616327593005.jpg
Từ thành công bước đầu, đoàn viên Lê Sỹ Thuật nuôi thử nghiệm mô hình tôm càng xanh xen lúa bước đầu có hiệu quả nên đầu năm 2021, mạnh dạn cải tạo đất trồng, triển khai đại trà mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa. 

Theo đánh giá của người dân địa phương, mô hình phát triển vườn đồi của Nguyễn Đăng Trang tuy không mới nhưng bằng quyết tâm, sự táo bạo của tuổi trẻ cho thấy tính nhạy bén, hợp lý của phương thức lấy ngắn nuôi dài mà thanh niên này đã chọn. Được biết, trong suốt quá trình khởi nghiệp của Nguyễn Đăng Trang, lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương luôn có mặt đúng thời điểm để hỗ trợ nhân lực, kiến thức và nguồn vốn.

Bí thư Huyện đoàn Can Lộc Nguyễn Thị Thủy cho biết, xác định việc phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nên cán bộ đoàn đã tiếp cận thanh niên từ khi có manh nha thành lập và luôn đồng hành trong quá trình xây dựng mô hình. Đoàn phối hợp Ngân hàng và các ngành chức năng hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức cho thanh niên đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ trong năm 2020 và ba tháng đầu năm 2021, Huyện đoàn Can Lộc đã xây dựng mới được 20 mô hình kinh tế thanh niên; trong đó có hơn 10 mô hình được thụ hưởng các nguồn vốn vay hỗ trợ 100% lãi suất theo Nghị quyết HĐND tỉnh, huyện và nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn.

Sát cánh cùng những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, những năm qua, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Câu chuyện lập thân, lập nghiệp của đoàn viên Lê Sỹ Thuật ở Thạch Ngọc (Thạch Hà) cũng tạo ra nhiều cảm hứng cho tuổi trẻ khởi nghiệp.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, không giống như bạn bè cùng trang lứa theo đuổi con đường thi vào các trường Đại học, Lê Sỹ Thuật (sinh năm 1990, ở thôn Mộc Hải, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chọn theo học nghề rồi trở về quê lập nghiệp.

“Năm 2015, cánh đồng Ồ Ồ Năng Chư này vốn là đất trồng lúa, tuy nhiên năng suất thấp nên bị bà con bỏ hoang nhiều. Thấy vậy, tôi bàn với bố mẹ vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hộivà đoàn thanh niên cho vay thêm 50 triệu theo nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp", Lễ Sỹ Thuật cho biết.

Nhớ lại thời điểm bắt tay vào khởi nghiệp, đoàn viên Lê Sỹ Thuật chia sẻ: "Hồi mới ra đây, điện, đường đều chưa có, mọi thứ hầu như phải bắt đầu từ con số không. Lắm lúc tôi cũng lo lắng lắm, nhưng tự nghĩ bản thân có sức trẻ, có quyết tâm, lại được sự động viên, hỗ trợ từ gia đình, tổ chức đoàn nên khó khăn dần dần đều vượt qua được".

anh_3_1-1616327592511.jpg
Nhiều mô hình kinh tế thanh niên được thành lập được lấy cảm hứng từ những câu chuyện khởi nghiệp thành công. 

Hiện nay, trên diện tích 5ha được cải tạo, phân vùng, Lê Sỹ Thuật đã trồng 600 gốc bưởi các loại và xen kẽ thêm 1.200 gốc ổi. Tận dụng diện tích đất đai và nguồn thức ăn dồi dào, anh còn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi thêm 300 con lợn, 10 con trâu bò và hàng nghìn con gà, vịt. Đến nay, sau hơn 5 năm thành lập, mô hình của Thuật đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phát  huy tinh thần tuổi trẻ, không ngừng tìm tòi cái mới, năm 2020, Lê Sỹ Thuật nuôi thử nghiệm mô hình tôm càng xanh xen lúa bước đầu có hiệu quả nên đầu năm 2021, anh cải tạo lại ao hồ và nuôi đại trà.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ thành lập mới 46 mô hình kinh tế thanh niên có quy mô đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng.

Tiêu biểu như: Mô hình trồng cam sinh thái hữu cơ của anh Đào Văn Đức (ở thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) với quy mô 1.200 gốc cam và dự án khởi nghiệp cam sấy deo Duy Đức; mô hình trồng hoa thương phẩm của chị Võ Thị Hải Yến (ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) với diện tích 1.200 m2; mô hình kinh tế VAC, nuôi ốc bươu, trồng cây ăn quả và chuỗi của hàng kinh doanh sơn của đoàn viên Phạm Tùng Lâm ở huyện Đức Thọ với quy mô 1 tỷ đồng…

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông, ngoài việc đồng hành, tư vấn thanh niên về các quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức Đoàn còn hỗ trợ thanh niên nông thôn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các thủ tục, vốn vay; hỗ trợ ngày công san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây dựng hàng rào, chuồng trại, nhà xưởng; hướng dẫn các các quy trình, xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh niên...

Đến nay, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã sử dụng có hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn và vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hà Tĩnh với tổng dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng cho hàng trăm dự án việc làm của thanh niên nông thôn. Phát huy hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, đơn vị đã chỉ đạo Trường trung cấp nghề Lý Tự Trọng chủ động kết nối với các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức 150 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho gần 60.000 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tại các trường học trên toàn tỉnh; khai giảng 139 khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo các nghề như Kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, may thời trang, điện công nghiệp, hàn xì… và đã tạo việc làm đầu ra, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên, học sinh.