Khó khăn trong xử lý rác thải nông thôn

Nhiều năm nay, khi đời sống người dân vùng nông thôn các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng từng bước cải thiện, khối lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường cũng tăng lên. Khắp nơi hình thành các khu thu gom rác lộ thiên, bốc mùi hôi thối. Mặc dù một số địa phương đã mạnh dạn đầu tư lò đốt thủ công, nhưng cũng không giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nhiều địa phương ở các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng đầu tư các lò đốt rác thủ công, nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng gây ô nhiễm khói, bụi ra môi trường.
Nhiều địa phương ở các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng đầu tư các lò đốt rác thủ công, nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng gây ô nhiễm khói, bụi ra môi trường.

Nằm ở phía bắc huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), xã Nghĩa Thái có 3.000 hộ dân, phát sinh khoảng 3,5 tấn rác sinh hoạt/ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, Phạm Văn Sử cho biết: So với 10 năm trước, lượng rác thải ở Nghĩa Thái hiện nay tăng gấp ba lần đến bốn lần, khiến khu vực chôn lấp rác tập trung của xã quá tải. Hai năm qua, xã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, được huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ kinh phí mua thùng đựng rác và chế phẩm sinh học, giúp 250 hộ dân xử lý rác. Đến nay, số hộ xử lý rác tại nguồn tăng lên 700 hộ. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, xã khó nhân rộng mô hình nêu trên.

Nhiều xã khác ở tỉnh Nam Định cũng loay hoay với rác thải. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: Nhiều xã có lò đốt rác tập trung xây dựng từ lâu nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không có kinh phí sửa chữa. Việc xử lý rác ở cấp xã hiện nay bộc lộ nhiều bất cập như bãi rác tập trung nhỏ, hẹp. Muốn hình thành khu xử lý rác tập trung liên xã, liên huyện, liên vùng, nhưng lại vướng về quy hoạch, khó chọn địa điểm. Tỉnh đã kêu gọi xã hội hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà, kinh phí thu gom, xử lý rác thải hạn chế, nguồn thu từ dịch vụ vệ sinh môi trường do nhân dân đóng góp không đủ chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác.

Tỉnh Thái Bình cũng có khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày tăng cao. Ông Trần Văn Khiêu, Chủ tịch UBND xã Đông Phong, huyện Tiền Hải cho biết: "Trung bình mỗi ngày xã phát sinh 2 tấn rác thải. Xã quy hoạch khu chôn lấp rác thải tập trung 2ha ở xa khu dân cư, nhưng không có kinh phí thực hiện, đành "án binh bất động". Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ nói: "Rác thải phát sinh nhiều quá, quỹ đất lại hạn hẹp, việc xử lý rác ở thị trấn An Bài chỉ áp dụng hình thức chôn lấp, cho nên nguy cơ ô nhiễm đất sản xuất và môi trường sống của người dân rất cao". Với lượng rác phát sinh khoảng 950 tấn/ngày, mấy năm qua Thái Bình phải loay hoay lựa chọn phương án giữa tiếp tục chôn lấp rác thải hay chuyển hẳn sang lò đốt. Thực tế, các bãi chôn lấp chiếm rất nhiều diện tích đất, trong khi quỹ đất không dôi dư. Hơn nữa, nếu chôn lấp rác thải không kỹ thì dễ phát sinh nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Bên cạnh đó, chất thải tại các làng nghề ở một số địa phương như: chai lọ thủy tinh, mảnh nhựa, túi ni-lông, vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, đựng nguyên vật liệu, các loại phế thải rắn chưa được thu gom, xử lý triệt để; một số người dân còn tùy tiện vứt rác trên cánh đồng, đường đi, quanh khu dân cư.

Hiện nay, các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng đang nỗ lực khắc phục những bất cập trong xử lý rác thải. Tỉnh Hà Nam đã thành lập hơn 1.000 tổ thu gom rác ở thôn xóm, với khoảng 3.000 người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Mới đây, thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã trao hàng chục thùng nhựa đựng rác, nguyên liệu ủ rác, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật ủ rác thành phân vi sinh tặng hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo. Chị Trần Thị Hoan, Bí thư kiêm Trưởng thôn Phù Thụy, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng bộc bạch: "Lúc đầu nhiều người chưa quen nhưng chúng tôi kiên trì đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động. Đến nay việc phân loại rác tại nguồn ở xã Thi Sơn trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong cộng đồng dân cư".

Để giảm lò đốt rác thủ công, tỉnh Thái Bình tập trung ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án xử lý rác thải có quy mô lớn. Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt đã tiên phong, với nhà máy xử lý rác ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, công suất 50 tấn/ngày, góp phần xử lý rác cho 16 xã, giảm cơ bản ô nhiễm môi trường ở một số xã.

Dẫu vậy, nhìn tổng thể, việc xử lý rác thải, chất thải rắn tại các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng chưa được toàn diện. Thái Bình vẫn còn hơn 100 lò đốt rác thủ công, không đáp ứng quy chuẩn hiện hành. Tỉnh Ninh Bình còn 131 thôn, xóm thuộc 32 xã chưa thành lập được tổ thu gom rác; nhiều bãi rác không được chống thấm, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác.

Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trong xử lý chất thải để tiết kiệm vật liệu, năng lượng, tái sử dụng chất thải; phát triển sản phẩm thân thiện môi trường. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, làng nghề phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giảm và tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng túi ni-lông; không xả rác, không làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Biến rác thải thành phân bón dùng cho cây trồng cũng là một trong những giải pháp giảm ô nhiễm; các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện.

Theo một số chuyên gia về môi trường, các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi; kết hợp phát động mạnh mẽ phong trào "Phụ nữ chủ động phân loại rác thải từ gia đình"; phong trào tặng thùng phân loại rác thải tại nguồn; thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Đó là những mô hình sáng tạo trong ứng xử với rác thải, gắn với trách nhiệm cộng đồng xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu bền vững ■