Khó khăn trong đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm bảo đảm cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình, bù đắp công sức sáng tạo, đồng thời công bố sản phẩm trí tuệ cho toàn xã hội biết để chia sẻ, tiết kiệm chi phí nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế triển khai xác lập quyền SHTT trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích thời gian qua còn khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ.

Các đại biểu dự tọa đàm "Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí" tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Các đại biểu dự tọa đàm "Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí" tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Tại một diễn đàn về SHTT mới đây, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm, hội viên Hội nữ trí thức Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xác lập quyền SHTT của mình trong bảo hộ giống cây trồng. Là tác giả của 10 giống lúa và chủ sở hữu 10 bằng bảo hộ giống lúa, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng bản quyền sáu giống lúa cho các doanh nghiệp để sản xuất hạt giống, thu về 16,4 tỷ đồng. Số tiền đó đủ để tái đầu tư nghiên cứu khoa học. Ðó là một thí dụ điển hình trong việc bảo vệ quyền lợi của mình đối với thành quả sáng tạo thông qua xác lập quyền SHTT, đồng thời chia sẻ cho xã hội biết, ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Tuy vậy, không nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc đăng ký xác lập quyền SHTT cho sản phẩm trí tuệ của mình như trường hợp của PGS, TS Nguyễn Thị Trâm. Theo số liệu thống kê của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2017, có 5.382 đơn sáng chế, 434 đơn giải pháp hữu ích và Cục SHTT đã chấp nhận bảo hộ cho 2.309 sáng chế, 214 giải pháp hữu ích. Tuy số lượng đơn đăng ký SHTT tăng qua các năm nhưng số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam tương đối khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%. Ðiều đó cho thấy, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ, công nghệ ứng dụng, trong đó việc khai thác, thương mại hóa sáng chế hết sức quan trọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc số lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích còn ít một phần có nguyên nhân từ việc cá nhân, tổ chức chưa có đủ thông tin, chưa nắm rõ quy trình đăng ký xác lập quyền SHTT. Chia sẻ thất bại trong quá trình đăng ký SHTT, PGS, TS Lê Mai Hương, (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trước đây, bà và nhiều nhà khoa học khác nghĩ kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế là niềm vinh dự, nhưng không biết việc công bố đó cũng là một trở ngại trong việc xác lập quyền SHTT. Bản thân PGS, TS Mai Hương đã từng bị từ chối bảo hộ độc quyền sáng chế do kết quả nghiên cứu đã đăng báo quốc tế trước đó, làm mất tính mới - một tiêu chí để được bảo hộ. Bên cạnh đó, trở ngại còn do thủ tục đăng ký, xác lập quyền SHTT phức tạp, kéo dài. Một nhà khoa học cho biết, tuy thời gian xem xét và cấp văn bằng SHTT đã được rút ngắn so với trước đây nhưng hiện nay nhanh nhất cũng phải mất 18 tháng mới được cấp văn bằng SHTT, làm cho công tác ứng dụng và triển khai công nghệ khó phát triển. Một số kết quả nghiên cứu, đủ tiêu chí đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế nhưng vì thời gian giải quyết lâu, tác giả đã chuyển sang đăng ký bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích với thời gian xét duyệt nhanh hơn; hoặc thậm chí không quan tâm việc bảo hộ. Ðiều đó dẫn đến tác giả sẽ chịu thiệt thòi khi phát triển sản phẩm từ kết quả nghiên cứu do giá trị góp vốn của giải pháp hữu ích thấp hơn giá trị của sáng chế. Nhiều ý kiến cho rằng cần cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian xét duyệt, cấp văn bằng SHTT để thuận lợi cho các chủ thể có nhu cầu. PGS, TS Mai Hà, Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam cho rằng, thời gian cấp bằng SHTT chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tác giả không quan tâm đăng ký. Hệ lụy của việc không được cấp bằng bảo hộ là tác giả không có quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu của mình, không được hưởng quyền lợi về vật chất mà kết quả nghiên cứu có thể mang lại. Hoặc có thể những kết quả nghiên cứu đó bị các tổ chức, cá nhân khác đăng ký quyền SHTT ở các nước khác, được hưởng quyền đăng ký đầu tiên và bảo hộ.

Trước thực trạng nêu trên, Phó Cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm cho biết, SHTT ngày càng quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng nhận thức về SHTT của người dân vẫn còn chưa đầy đủ dẫn tới SHTT chưa trở thành một công cụ hữu ích để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Cục SHTT đã chủ động nâng cao nhận thức và kiến thức về SHTT cho người dân thông qua hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, đào tạo SHTT theo nhóm đối tượng. Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thời gian tới, Cục SHTT sẽ tập trung tuyên truyền, đào tạo để các chủ thể không chỉ nâng cao nhận thức về SHTT mà còn biết cách vận dụng hiệu quả các công cụ SHTT để bảo vệ thành quả lao động trí tuệ của mình. Có như vậy mới gia tăng số lượng và chất lượng của những sản phẩm sáng tạo cho xã hội. Về thời hạn cấp bằng SHTT kéo dài là do chưa đủ nhân lực, thiếu cơ sở dữ liệu để tra cứu dữ liệu SHTT trên thế giới. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cần được đầu tư, nâng cấp để không chỉ phục vụ thẩm định viên SHTT mà còn để người dân có nhu cầu có thể tra cứu khi cần. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định đối với giải pháp hữu ích bằng quy trình đơn giản hơn. PGS, TS Mai Hà cũng nhận định, cần đầu tư cho nhân lực, trang thiết bị mới có thể giải quyết được các khó khăn trong đăng ký xác lập quyền SHTT hiện nay.