Khánh thành Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 tại Bạc Liêu

NDO -

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), chiều 29/4, tại vùng ven biển xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), Công ty cổ phần Hacom Năng Lượng Bạc Liêu (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Hacom Holdings) đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1, công suất 80MW.

Cắt băng khánh thành dự án điện gió Hòa Bình 5 ở Bạc Liêu.
Cắt băng khánh thành dự án điện gió Hòa Bình 5 ở Bạc Liêu.

Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) sau khi được hoàn thành đã hình thành mạng lưới giao thông kết nối hoàn thiện trong khu vực hơn 1.000 ha tại xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Hậu; kết hợp giữa sản xuất năng lượng điện và nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Dự án mang lại lợi ích rất lớn, lâu dài, bền vững, không những góp phần bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực và cho cả nước, mà quan trong hơn là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ngoài ra, kết hợp với các dự án điện gió khác trên trục đường vành đai ven biển Bạc Liêu-Cà Mau sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển ngành du lịch của địa phương.

Ông Trần Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hacom Holdiings cho biết, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) có công suất 80MW với tổng số vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 27,7 ha với 26 trụ tua-bin gió, công suất từ 3,0-3,3 MW/tua-bin, cao trên 140 m, sản lượng khai thác bình quân là 280 triệu kWh/năm và nộp ngân sách Nhà nước hằng năm trên 80 tỷ đồng.

Đây là Nhà máy Điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện tại trong lĩnh vực sử dụng nguồn năng lượng sạch để sản xuất điện năng phù hợp Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nêu rõ, nếu như 10 năm đầu (từ năm 2010-2020), Bạc Liêu chỉ có 62 trụ tua-bin gió đưa vào vận hành với công suất 99,2MW; thì chỉ trong vòng 2 năm 2020-2021, Bạc Liêu đã lắp đặt thêm được chẵn tròn 100 trụ tua-bin vừa trên biển lẫn trên bờ, với tổng công suất 370MW hòa vào lưới điện quốc gia. Về quy mô công suất từng trụ tua-bin, nếu như giai đoạn đầu chỉ có công suất 1,6MW trên mỗi trụ thì về sau các tua-bin có quy mô càng lớn hơn, lên đến trên 4 MW mỗi trụ, cùng với công nghệ hiện đại hơn, đạt chuẩn tương đương với thế giới.

Điều đó cho thấy, tốc độ triển khai càng về giai đoạn sau thì càng quyết liệt hơn, dòng vốn đẩy vào nhanh hơn, kinh nghiệm triển khai càng tốt hơn, hiệu quả cao hơn, được đầu tư bài bản hơn và dĩ nhiên là có nhiều đóng góp to lớn hơn cho tỉnh nhà cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khánh thành Nhà máy Hòa Bình 5 tại Bạc Liêu -0
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu tặng bằng khen cho những đơn vị có thành tích xuất sắc thi công Dự án điện gió Hòa Bình 5. (Ảnh: Trần Thanh Tùng)

“Đây là minh chứng rõ nét để khẳng định rằng việc phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển là rất phù hợp điều kiện sẵn có và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là phù hợp phương châm “Bạc Liêu phát triển theo hướng xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mà trực tiếp ai cũng có thể thấy các dự án trọng điểm này đã và đang “đánh thức” vùng đất ven biển còn rất nhiều dư địa phát triển của tỉnh ta.

Cả trong hiện tại và tương lai, các dự án điện gió cùng với dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200MW sẽ đóng vai trò rất to lớn, là 1 trong 5 trụ cột phát triển của Bạc Liêu, đúng theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và mới đây nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045…”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu khẳng định.