Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ

Trong những ngày qua, mưa, lũ, dông lốc đã gây thiệt hại tại một số tỉnh miền trung, Tây Nguyên. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, mưa lớn và dông lốc đã làm gần 300 nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 1.000 ha lúa, cây trồng các loại bị ngập; nhiều tuyến đê điều, thủy lợi giao thông bị hư hỏng, sạt lở…

Khắc phục sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: HIỂN CỪ
Khắc phục sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: HIỂN CỪ

Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trong những ngày tới để chủ động ứng phó. Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở, tìm kiếm người mất tích, khôi phục sản xuất. Vận hành, điều tiết hồ chứa và sẵn sàng phương án, lực lượng tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.

Trước dự báo có mưa lớn, các đơn vị vận hành hồ chứa nước đã chủ động điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ để bảo đảm an toàn vùng hạ du. Theo đó, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã giảm lưu lượng vận hành điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ từ 150 m3/giây xuống 50 m3/giây. Với các hồ chứa lớn khác như Sông Rác, Tàu Voi, Kim Sơn, Khe Xai, Đá Hàn, Thượng Sông Trí, mức xả tràn vẫn giữ nguyên với lưu lượng 1-18 m3/giây. Được biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra đợt mưa lớn. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 150 - 300 mm, riêng vùng đồng bằng ven biển phía nam tỉnh có nơi hơn 350 mm.

Sáng 28/10, đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng kiểm tra hiện trường tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, nơi gió lốc làm 20 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đoàn đã cùng chính quyền địa phương tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn, giúp các gia đình dọn dẹp, gia cố tạm nhà cửa... Cũng trong đợt mưa, lũ vừa qua, nhiều địa phương khu vực miền trung đã xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển cần khẩn trương sửa chữa, khắc phục nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân. Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế bị sạt lở, với chiều dài khoảng 250 m; bờ sông Bồ, thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền sạt lở tại bảy vị trí, với tổng chiều dài 2.720 m; bờ sông Hương tại 3 vị trí, với tổng chiều dài 1.200 m. Tại tỉnh Quảng Ngãi sạt lở bờ biển tại xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ dài 2.500 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 50 m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ (4.300 người); sạt lở bờ sông Trà Bồng, Phước Giang, Trà Khúc dài 2.900 m.

Trong đêm 27 và sáng 28/10, mưa lớn gây ngập úng, ngập lụt cục bộ một số tuyến đường nội đô TP Huế. Mưa lớn còn khiến tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới và quốc lộ 49 bị sạt lở tại một số điểm. Ngành giao thông đã huy động phương tiện, máy móc và nhân lực xử lý đất đá trên mặt đường để thông tuyến. Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các huyện, thị xã và TP Huế tiếp tục kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị các phương án sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực.

Do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vào sáng 28/10 nước bắt đầu dâng lên nhanh, đã xảy ra tình trạng ngập từ 0,6 - 0,8 m toàn bộ khu vực Trường THCS Phan Đình Phùng; đường vào trường nước chảy xiết và tạo thành dòng xoáy rất nguy hiểm. Lực lượng chức năng tỉnh đã dùng xuồng cứu hộ hàng trăm học sinh khối lớp 6 đến nơi an toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường ở TP Đông Hà bị ngập cục bộ khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Nhiều tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông cục bộ. Chỉ riêng tuyến đường ĐT 622B thuộc huyện miền núi Trà Bồng đã xảy ra 18 điểm sạt lở. Ngành giao thông đã gấp rút điều động máy đào, xe tải trung chuyển và nhân lực đến hiện trường để dọn sạch bùn đất, sớm thông tuyến. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 57 điểm sạt lở núi lớn, nhỏ với tổng khối lượng hơn 7.000 m3 đất, đá trên các tuyến đường. Tại Bình Định, nước sông Kôn dâng cao khiến nhiều vườn mai tại thị xã An Nhơn (Bình Định) bị ngập. Riêng 3 xã Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong hiện có gần 1,2 triệu chậu mai, đây cũng là những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt. Ước tính trong đợt mưa lụt này có hơn 30% số chậu mai bị ngập.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên chủ động ứng phó với mưa, lũ. Cụ thể: các cơ quan nêu trên cần chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền trung. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức trực ban 24 giờ/ngày; duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời; hướng dẫn, tuyên truyền phụ huynh học sinh có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi nghỉ học ở nhà do mưa, lũ. Tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại...