Khẩn trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Năm 2021, cung-cầu thị trường lao động bị tác động tiêu cực, nguồn cung suy giảm nghiêm trọng, tình trạng người lao động mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc diễn ra ở nhiều nơi dẫn đến tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Thế Mai ở tổ 6, phường Tích Lương (thành phố Thái Nguyên) cho công nhân thuê nhà với mức 1,1 triệu đồng/phòng/tháng.
Ông Dương Thế Mai ở tổ 6, phường Tích Lương (thành phố Thái Nguyên) cho công nhân thuê nhà với mức 1,1 triệu đồng/phòng/tháng.

Thái Nguyên, Bắc Ninh là hai địa phương ở phía bắc có nhiều khu, cụm công nghiệp đã và đang thu hút hàng chục nghìn lao động từ các tỉnh đến thuê nhà, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp...

Khi thông tin Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 (Quyết định 08) về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nhiều người lao động, công nhân phấn khởi, chờ đợi nhận tiền hỗ trợ. Bởi với nguồn hỗ trợ, động viên người lao động trong lúc này như “liều thuốc” giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, tiếp tục lao động sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Mong mỏi... chờ hỗ trợ

Ông Dương Thế Mai, ở Tổ 6, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có khu nhà trọ (16 phòng) chuyên cho công nhân thuê từ nhiều năm nay. Chị Ma Thị Yến có chồng, hai con học lớp 6 và lớp 3 ở xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) là công nhân Công ty Samsung ở Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) từ 5 năm nay, đang thuê một phòng trọ của ông Mai thời gian vừa qua. Trao đổi với chúng tôi, chị Yến chia sẻ:

Lương mỗi tháng của tôi được bảy triệu đồng, song để có thu nhập thì phải làm tăng ca mỗi tháng tổng thu nhập 11 triệu đồng. Tuy nhiên, do giá cả leo thang, phải chi tiêu chắt bóp để dành dụm gửi về nhà nuôi con ăn học, trả tiền thuê nhà mỗi tháng. “Khi nghe thông tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chúng tôi rất phấn khởi, chờ đợi. Tôi mong công ty sớm triển khai, hướng dẫn làm thủ tục, lập danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để bản thân và đồng nghiệp thuê nhà sớm được nhận khoản hỗ trợ ý nghĩa này”, chị Ma Thị Yến đề xuất.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Lành, công nhân Công ty Goertek Bắc Ninh hiện đang thuê nhà trọ sống cùng em gái ở khu Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Khi đọc thông tin về Quyết định số 08, chị thấy mình và em gái thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thuê nhà. Theo chị Lành, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, tháng nào chị cũng tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng gửi về quê cho ông bà nuôi con.

Khẩn trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động -0
Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Công ty CrucialTec sản xuất thiết bị vân tay
(Khu công nghiệp Yên Phong,tỉnh Bắc Ninh).

Hơn hai năm qua, nhất là từ tháng 5/2021 trở lại đây, khi dịch Covid-19 ở Bắc Ninh bùng phát, các hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng, người lao động ít tăng ca dẫn tới thu nhập cũng bị giảm. “Cuộc sống, thu nhập của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, bấp bênh... Nếu được hỗ trợ một khoản tiền thuê nhà vào lúc này sẽ giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt, nhất là trong bối cảnh giá cả đang leo thang từng ngày”, chị Lành nói.

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, với 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 430 nghìn lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, khoảng 30% số đó là lao động trong tỉnh, còn lại là lao động ngoại tỉnh, với khoảng hơn 300 nghìn người. Hầu hết người lao động ở ngoại tỉnh đến Bắc Ninh làm việc đều phải thuê nhà trọ để ở, làm việc.

Công ty cổ phần Crucialtec Vina (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh), với 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất linh kiện kỹ thuật cao lắp ráp cho điện thoại di động, có hơn 500 công nhân, người lao động làm việc. Từ tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Ninh, nhiều công nhân xin nghỉ việc để về quê, khiến số lao động đang làm việc tại nhà máy sụt giảm chỉ còn 316 người (trong số này có 88 người lao động đang thuê trọ).

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Crucialtec Vina Kim Ki Sung, Quyết định số 08 của Chính phủ triển khai rất đúng thời điểm, và là “đòn bẩy” hỗ trợ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn, sớm quay trở lại làm việc, giúp các công ty có đủ lao động để duy trì, phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Bởi lẽ, thực tế trong thời gian qua, ở các tỉnh, thành phố phía bắc có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các khu công nghiệp quay trở về quê khiến nhiều doanh nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Ninh thiếu hụt công nhân trầm trọng, dẫn đến nhiều công ty gặp khó khăn trong hoạt động khôi phục sản xuất, cũng như kế hoạch kinh doanh.

Sớm đưa chính sách vào cuộc sống

Tại buổi họp báo triển khai Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 nhằm thu hút người lao động trở lại thị trường lao động sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Quyết định này là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng”, ông Bình nhấn mạnh.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 08 (ngày 28/3), ngày 31/3 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản 1236/UBND-KGVX triển khai thực hiện, tiếp đó ngày 1/4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 762/CSLĐ tham mưu UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách này.

“Để triển khai nhanh, rút gọn thủ tục, phát huy hiệu quả, trước mắt sở sẽ làm đầu mối chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động đúng đối tượng, đúng quy trình, phấn đấu chi trả trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ công nhân, khôi phục và phát triển thị trường lao động...”, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Hải cho biết.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08 với tinh thần “thần tốc” quyết liệt, giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh để triển khai sớm chủ trương nhằm bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách.

Theo ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, trước mắt, căn cứ vào kế hoạch sau khi được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người lao động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, rà soát, tổng hợp kịp thời các đối tượng trong diện được hỗ trợ.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Crucialtec Vina Kim Ki Sung cho rằng, công ty đang tiến hành tổng hợp danh sách công nhân, người lao động được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 08 và dự kiến ngày 15/4 sẽ tổng hợp xong. “Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về form mẫu giấy tờ để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện, đơn giản các thủ tục... giúp khoản tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động”, Giám đốc Kim Ki Sung nhấn mạnh.

Ngay sau khi phân công cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, các doanh nghiệp hai tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên sẽ đồng loạt triển khai thực hiện chính sách. Theo đó, công nhân, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, các doanh nghiệp lập danh sách gửi đến chính quyền các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và chi tiền hỗ trợ thuê nhà sớm nhất trong vòng 11 ngày...

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Kim Triều, trong Quyết định số 08 vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể đó là, chưa có hướng dẫn thực hiện đối với đối tượng lao động là người nước ngoài đủ điều kiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính sách này còn bất cập khi chỉ hỗ trợ những lao động đang thuê nhà trọ, còn đối với những lao động không thuê nhà trọ cũng phải chịu nhiều chi phí sinh hoạt, đời sống khó khăn nhưng không được hỗ trợ. Chưa kể, việc triển khai, rà soát các đối tượng qua nhiều khâu cho nên mất nhiều thời gian xác minh, thẩm định...

Để gói hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm chi đúng đối tượng, với thủ tục nhanh gọn, chính xác, tránh trục lợi và thuận tiện cho người lao động, thì rất cần sự vào cuộc của Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, Bảo hiểm xã hội... và UBND, các sở, ngành của địa phương cùng tham gia, đôn đốc triển khai, tháo gỡ, giúp người lao động sớm nhận được kinh phí hỗ trợ để yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Lê Đức Nghĩa, Thế Bình và Thái Sơn

Theo nội dung Quyết định số 08, có hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà: người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp với mức 500 nghìn đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng) và người lao động quay trở lại thị trường lao động với mức 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Theo ước tính có khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.