Khắc phục sự cố tại đập Bara Đô Lương trước 11-6

NDO -

NDĐT - Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, chiều 7-6, đã có mặt tại đập Bara Đô Lương, chỉ đạo đơn vị thi công tập trung phương tiện và lực lượng khắc phục xong sự cố sập khoang tràn 10 và 11 của đập này trước ngày 11-6.

Đơn vị thi công đang khắc phục sự cố.
Đơn vị thi công đang khắc phục sự cố.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sập khoang tràn nêu trên, chiều 7-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cùng đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo đơn vị thi công là Công ty TNHH Hòa Hiệp tập trung phương tiện và nhân lực, khắc phục xong trước ngày 11-6. Hiện, đơn vị thi công đang dùng máy thi công đổ đá và thả các khối bê-tông vào vị trí sân trước của tràn 10 và 11 đến cao trình tràn cũ nhằm nâng cao mực nước, bảo đảm cung cấp nước vào kênh chính theo yêu cầu.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các đơn vị thủy lợi và các địa phương tập trung dùng các trạm bơm dã chiến bơm nước hồi quy từ các trục tiêu, ao, bàu hỗ trợ diện tích lúa bị thiếu nước. Cùng với đó, Công ty CP Cấp nước Nghệ An đã huy động cán bộ, nhân viên tập trung máy móc, thiết bị lắp đặt thêm đường ống và máy bơm dã chiến, tạm thời bơm chuyền nước vào bể chứa, cấp nước cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, sáng 7-6, tại thân đập cũ Bara Đô Lương xảy ra sự cố sập khoang số 10 và 11 đã ảnh hưởng nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa đã gieo cấy ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu; cùng với đó, hàng nghìn hộ dân ở một số địa phương của huyện Đô Lương bị mất nước sinh hoạt tạm thời.

Được biết, đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) do Pháp xây dựng từ năm 1930 đến năm 1937, phục vụ tưới tiêu cho các vùng đồng bằng Nghệ An. Công trình có 12 khoang tràn, mỗi khoang rộng 23m và một cửa xả cát rộng 21m. Qua hơn 80 năm khai thác và sử dụng, đập đã xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2017, tỉnh Nghệ An đã triển khai đầu tư xây dựng đập dâng mới, thay thế đập dâng cũ với nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng... Dự án này hoàn thành sẽ bảo đảm nguồn tưới ổn định cho hơn 28.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt cho bốn huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Nguyên nhân vỡ đập đang được các ngành chức năng làm rõ, nhưng có thể do công trình xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu (hơn 80 năm), bê-tông bị lão hóa, hệ thống chân đập rỗng, dẫn đến một số khoang đập bị đổ vỡ.