Hội người mù Việt Nam với lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ

NDO -

Tới nay, Hội người mù Việt Nam đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương với 57 tỉnh, thành Hội. Các đồng chí thương binh và người mù cả nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để khẳng định bản thân và đóng góp hữu ích cho gia đình, quê hương.

Lớp đào tạo công nghệ thông tin tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng cho người mù (thuộc Hội Người mù Việt Nam).  
Lớp đào tạo công nghệ thông tin tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng cho người mù (thuộc Hội Người mù Việt Nam).  

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Hội người mù Việt Nam phối hợp Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị" nhân kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác.

Từ lời dạy “Tàn nhưng không phế"

Tại hội thảo, Chủ tịch hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu đã chia sẻ về những kỷ niệm khi Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Trường Thương binh hỏng mắt vào đêm giao thừa Tết Bính Thân (11/2/1956).

Cùng với lời căn dặn ân tình, Bác đã luôn quan tâm, động viên anh chị em bằng những việc làm cụ thể như: gửi tặng 200 đồng để nhà trường tổ chức tăng gia sản xuất; gửi bảng, bút viết chữ Braille; gửi tấm áo mà Hội Liên việt Sài Gòn - Gia định kính tặng Bác để làm phần thưởng cho học viên xuất sắc; chỉ đạo đồng chí Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đến tìm hiểu để có những chính sách hỗ trợ cho người mù… Từ lời dạy cùng sự quan tâm của Bác, các đồng chí thương binh hỏng mắt đã tích cực học chữ Braille, học nghề, tăng gia sản xuất, truyền ngọn lửa của ý chí “Tàn nhưng không phế” đến những người khiếm thị và những người khuyết tật nói chung.

Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam, mái nhà chung của người mù cả nước ra đời trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 6/1969, Bộ Nội vụ thông báo với Hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đang yếu mệt đã gửi lời thăm hỏi, động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù. Hội đã gửi báo cáo lên Bác và xin phép Bác lấy lời dạy: “Tàn nhưng không phế” của Người làm phương châm hoạt động. Lời dạy ấy luôn đọng mãi trong trái tim và thôi thúc mỗi cán bộ, hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng tổ chức Hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Từ lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ -0
GS, TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ tư tưởng của Bác Hồ trong công tác chăm sóc thương, bệnh binh tại hội thảo. 

Chia sẻ rất nhiều những câu chuyện về Bác đối với thương binh, liệt sĩ, theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia lý luận cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ là cả một câu chuyện dài cảm động thấm đẫm chất nhân bản, nhân đạo và nhân văn của Người, lãnh tụ và vĩ nhân, sâu nặng tình người, toát lên từ những cử chỉ, những việc làm, những bức thư, những lời nói giản dị đầy tình thương mến Người dành cho thương binh, liệt sĩ… Từ những điều bình dị ấy, ta càng cảm nhận sâu thêm tầm vóc vĩ đại của Người và hơn tất cả, ấy là tình thương yêu của Bác Hồ dành cho mỗi chúng ta…

“Ngôi nhà chung” của người khiếm thị

Hiện nay, trải qua hơn tám nhiệm kỳ, Hội người mù Việt Nam đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương với 57 tỉnh, thành Hội, 418 quận, huyện Hội, 3.624 hội xã, phường và chi Hội với 73.318 hội viên…

Báo cáo của Hội cho thấy, cùng với trưởng thành của Hội, 65 năm qua, các đồng chí thương binh và người mù cả nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để khẳng định bản thân và đóng góp hữu ích cho gia đình, quê hương.

Trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, từ chỗ ban đầu phải chọn những nghề nặng nhọc, ít người làm, thu nhập thấp, phải huy động vốn và địa điểm từ hội viên. Từ những cố gắng trong công tác lựa chọn, dạy nghề phù hợp và tổ chức lao động sản xuất, đến nay, Hội đang quản lý gần 400 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với gần 7.000 lao động từ các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, xoa bóp bấm huyệt, cung ứng hàng hóa... Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động từng bước tăng lên. Có đơn vị đã có hàng xuất khẩu. 

Mặc dù hiện nay đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các cấp Hội vẫn cố gắng duy trì hoạt động các cơ sở ở những địa bàn, thời điểm cho phép; huy động nguồn lực để hỗ trợ người lao động, điều chỉnh, đổi mới quy trình sản xuất, tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm mới cho người mù…

Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lý số vốn vay 51,6 tỷ đồng kênh Trung ương và 40 tỷ đồng kênh địa phương. Hàng chục nghìn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hàng nghìn ngôi nhà tình thương, đại đoàn kết, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, những món quà khi Tết đến, xuân về, khi chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh hay ốm đau, hoạn nạn đã giúp cho những người mù khó khăn được sống ấm áp trong vòng tay yêu thương của Hội và cả cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em mù luôn được quan tâm, chăm sóc. Nhờ được sinh hoạt dưới mái nhà chung của Hội, đông đảo người mù đã được học chữ, học nghề, có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Về đời sống văn hóa, tinh thần, những ngày đầu, 95% người mù không biết chữ, cuộc sống đầy mặc cảm, tự ti. Hội đã mở các lớp dạy chữ Braille ngay cả khi phải sơ tán về nông thôn với điều kiện vô cùng thiếu thốn. Đến nay, hàng chục nghìn người đã đọc thông, viết thạo, gần 700 hội viên trẻ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông. Qua Chương trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin được Hội triển khai năm 2002, đến nay, hàng nghìn cán bộ, hội viên đã coi máy vi tính, điện thoại thông minh là phương tiện không thể thiếu được trong học tập, công tác và cuộc sống.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và các cán bộ, hội viên cùng phân tích, làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của lời dạy “Tàn nhưng không phế”; từ đó, vận dụng, phát huy trong hoạt động Hội nhằm để tiếp tục nỗ lực xây dựng, phát triển tổ chức; quan tâm chăm lo đời sống, khơi dậy tiềm năng và ý chí vươn lên của những người khiếm thị. Hội thảo cũng góp phần nhân rộng cách nhìn, cách nghĩ tích cực về người khuyết tật, góp phần thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên tiến trình đổi mới và đi lên của đất nước.